Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 19 tháng 6 năm 2023 | 15:30

Sâm Ngọc Linh trồng trên đất Sơn La có gì đặc biệt?

Trong nông nghiệp, trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu luôn được chính quyền địa phương và người sản xuất quan tâm, trăn trở. Lâu nay, nói tới sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng nghĩ ngay tới vùng trồng ở Quảng Nam, Kon Tum… Việc ông Nguyễn Chí Long mang cây sâm về trồng ở Sơn La khiến nhiều người ngỡ ngàng. Vậy, sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La chất lượng có gì khác với ở những vùng khác?

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian hàng sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Thành Long.

Người mang “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh về đất Sơn La

Lâu nay, mỗi khi nói tới sâm Ngọc Linh, người tiêu dùng thường nghĩ loài cây quốc bảo này được trồng ở Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng…. Tuy nhiên, sau nhiều năm tìm tòi, thử nghiệm, nghiên cứu, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long (tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La), đã chứng minh rằng, sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La phát triển tốt và chất lượng không thua kém sâm Ngọc Linh trồng tại huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Chí Long cẩn thận chăm sóc vườn sâm 5 năm tuổi.

Sau khi mua và dùng thấy được tác dụng rất tốt của sâm Ngọc Linh, khi ấy ông Long đang làm khoáng sản ở Phước Thành (Phước Sơn - Quảng Nam), đã có ý định mang cây sâm ra trồng thử nghiệm ở Sơn La. Năm 2009, nhiều đỉnh núi tại các xã vùng cao Sơn La cứ chỗ nào có mây mù và độ cao tương đồng như ở Quảng Nam là ông lại giả làm người đi tìm cây thuốc để “lén lút” mang sâm giống lên trồng. Kết quả cho thấy, cây sâm Ngọc Linh có thể sống khá tốt ở Sơn La.

Năm 2018, ông Long lập dự án phát triển cây sâm, sau đó được chính quyền đồng ý. Lúc này, ông gom số cây sâm trồng trước đây mang về trồng và nhân giống tập trung. Đồng thời, vay tiền của bạn bè, ngân hàng để đầu tư vào dự án,  mua hạt giống về ươm trồng.

Nhờ nắm chắc kỹ thuật mà Công ty Thành Long đã nhân thành công giống sâm Ngọc Linh, được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho phép lưu hành giống sâm tại các tỉnh phía Bắc. Đặc biệt, phương pháp gieo giống bằng hạt có tỷ lệ nảy mầm 100%. Tháng 7/2022, Công ty được Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp Bằng Bảo hộ giống cây trồng đối với sâm Ngọc Linh, với thời gian bảo hộ 20 năm.

Sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Thành Long, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long đạt OCOP 4 sao.

Trao đổi với phóng viên, ông Long cho biết, Công ty hiện có khoảng 9.000m2 sâm (trong đó có 6.000m2 trồng tập trung); khoảng 20.000 cây sâm có tuổi đời 4-5 năm, 40.000 cây 2 năm tuổi, 100.000 cây giống mới trồng. Sâm có tuổi đời lâu nhất là hơn 10 năm. Tổng giá trị từ cây sâm khoảng 100 tỷ đồng.

Sâm tươi được Công ty bán với giá 60-80 triệu đồng/kg, tùy từng loại. Năm 2022, Công ty thu hoạch hơn 100kg sâm Ngọc Linh. Hiện, đang thuê 6 lao động làm việc thường xuyên với mức thù lao 6 triệu đồng/người/tháng (không tính hỗ trợ ăn uống) và thuê 50-60 lao động thời vụ.

“Hiện nay, nhiều huyện của Sơn La đề nghị doanh nghiệp thực hiện mô hình để bà con địa phương học tập, làm theo. Thời gian tới, Công ty sẽ mở thêm mô hình ở Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La với mục đích để nông dân có thêm một loại cây, thêm một giống cây, có thêm mô hình để học tập phát triển kinh tế”, ông Long tâm sự.

Chất lượng nổi trội

Trao đổi với phóng viên về việc sâm Ngọc Linh trồng ở Sơn La và một số tỉnh có gì khác nhau, ông Long cho biết: Thực ra cách trồng không khác nhau. Ở Quảng Nam, người ta trồng ở dưới gốc cây, dưới tán rừng; còn ở nơi không có cây nhưng độ cao vẫn đạt theo yêu cầu, mình có cách trồng riêng. Bản chất của cây sâm là ăn xác của các cây thực vật khác, xác lá, xác cành mục ra thì nó ăn.

Ông Long giới thiệu, mời khách thưởng thức cao sâm Ngọc Linh Thành Long.

Ở trong kia, có thể họ cũng chưa muốn đầu tư, cũng có thể họ chưa nghĩ ra, hoặc cũng có thể họ không muốn làm theo kiểu của mình, những bãi trống, bãi cỏ người ta không trồng. Với mình, những chỗ có tán rừng mình vẫn trồng, chỗ nào trống mình làm nhà lưới, nhà giàn để trồng và trồng bổ sung cây rừng xung quanh nhà lưới để tạo tán và bóng mát cho cây sâm. Mình trồng thế này ngăn ngừa được nhiều loại sâu bệnh, chăm sóc thuận lợi và bảo vệ cũng tốt hơn, đồng thời phủ xanh thêm diện tích rừng.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, tỉnh luôn khuyến khích và ủng hộ các tập thể, cá nhân phát triển các vùng trồng cây dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.

Trên cơ sở kết quả đánh giá, khảo nghiệm từ phía các cơ quan chuyên môn, Sơn La sẽ đề xuất nhân rộng mô hình trồng sâm Ngọc Linh theo quy mô lớn. Đồng thời, sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn chuẩn bị các thủ tục theo đúng quy định để tiến tới xây dựng thương hiệu cũng như chỉ dẫn địa lý cho củ sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La.

Sau bao năm thăm dò, điều tra, thử nghiệm xem cây sâm có phát triển tốt không, bây giờ thì yên tâm rồi, cây sâm phát triển một cách vững bền, vững chắc trên điều kiện địa hình nơi mình mong muốn. “Bây giờ có nguồn nguyên liệu rồi, sản phẩm mình làm được rồi, thị trường đón nhận rồi thì ta cứ thế phát huy”, ông Long tâm sự.

Khi hỏi với cách chăm sóc như vậy, chất lượng sâm của Công ty có gì nổi bật so với sâm ở các vùng khác? Ông Long cho biết, chất lượng của mình được khẳng định qua các đợt phân tích kiểm định đều đạt kết quả tốt không thua kém với sâm trồng tại Quảng Nam. Cụ thể, gần đây, Công ty đã gửi sâm tới Viện Dược liệu để phân tích và kiểm nghiệm đối với sâm 5 năm tuổi. Ngày 12/4/2023, kết quả của Viện Dược liệu cho thấy, hoạt chất Majonosid R2 (hợp chất chính đặc trưng cho sâm Việt Nam) trong mẫu sâm Ngọc Linh của Công ty đạt tới 5,74%. Ngoài ra, Công ty cũng gửi mẫu cao sâm Ngọc Linh Thành Long tới Viện Công nghiệp thực phẩm phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong cao sâm. Kết quả, phân tích hàm lượng 17 ACIDAMIN có trong sản phẩm cao sâm Ngọc Linh Thành Long đều đạt chỉ số rất cao so với cao sâm có trên thị trường. Trong đó, có hàm lượng Cystein lên tới 36,82; hàm lượng Lysine đạt 1501,58, trong khi một số mẫu cao sâm khác trên thị trường hàm lượng Cystein và hàm lượng Lysine không phát hiện ra.

Ông Long cho biết thêm, năm 2021 Công ty bắt đầu sản xuất cao sâm Ngọc Linh Thành Long, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long. Năm 2022, các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Kết quả, cả 3 sản phẩm này đều đạt OCOP 4 sao.

Công ty Thành Long giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện, rượu sâm Ngọc Linh Thành Long và rượu cao sâm Ngọc Linh Thành Long đang bán với giá 2 triệu đồng/chai 750ml; cao sâm Ngọc Linh Thành Long 25 triệu đồng/100g. Bước đầu các sản phẩm chủ yếu bán cho người thân quen, chưa đủ sản lượng cung cấp rộng rãi ra thị trường.

Trao đổi thêm về giá thành, ông Long cho biết, tuy chất lượng sản phẩm được làm ra từ sâm Ngọc Linh trồng tại Sơn La khá tốt nhưng vì không phải qua các khâu trung gian nên giá bán thấp hơn; cây giống, hạt giống cũng có giá thấp hơn so với một số nơi khác. Chúng tôi vẫn đang tìm  giải pháp hiệu quả hơn, nhằm giảm giá thành sản phẩm, giúp nhiều người có thể tiếp cận và sử dụng sản phẩm sâm Thành Long.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top