Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 9 năm 2022 | 10:47

Sơn Viên chuyển mình từ nông thôn mới

Với quan điểm làm nông thôn mới (NTM) là phải làm những cái mới, sau khi cán đích NTM, Sơn Viên (Nông Sơn - Quảng Nam) đã tạo nên những điểm sáng độc đáo cho phát triển kinh tế - xã hội và ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, đang tiến lên xã NTM nâng cao.

Chú trọng phát triển kinh tế vườn - rừng

Bằng những cách làm hay, sự cố gắng, sáng tạo, Sơn Viên đã cán đích xã NTM năm 2020. Từ khi về đích, xã phải “gánh”  ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh Covid-19.

Thế nhưng, được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ của UBND huyện Nông Sơn, các phòng, ban của huyện; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng ủy, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng tinh thần đoàn kết nhất trí cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân dân, Sơn Viên đã phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tập trung chỉ đạo quyết liệt khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra.

Cây lúa đóng góp một phần lớn trong thu nhập kinh tế của người nông dân Sơn Viên, nhưng điều kiện thời tiết thất thường đang khiến người nông dân điêu đứng với loại hình canh tác cổ điển này.

Đặc biệt, xã thể hiện sự chuyển mình  trong sản xuất nông nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất bỏ hoang, đất lúa sang trồng các loại cây cho hiệu quả cao, như: trồng cây sen lấy hạt kết hợp nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả và các loại hoa màu khác. Đến nay, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã cơ bản đảm bảo mục tiêu đề ra, giá trị nông - lâm nghiệp năm 2021 đạt 19,2/18,2 tỷ đồng, bằng 105,5% kế hoạch.

Ông Đỗ Tiến Trọng, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Sơn Viên, cho biết, mô hình chuyển đổi đất hoang hoá để trồng sen lấy hạt mang lại hiệu quả kinh tế gấp 3 lần so với canh tác lúa nước thông thường. Hơn thế nữa, mô hình này còn mang lại điểm nhấn về mặt thẩm mỹ, biến những mảnh đồi hoang hoá trở thành điểm thu hút nhiều du khách.

Cũng theo chia sẻ từ ông Trọng, với địa hình đặc biệt, cộng với việc rủi ro cao từ biến đổi thời tiết đang diễn biến phức tạp từ năm 2020 đến nay, cây lúa không còn là sự lựa chọn của nhiều nông dân. Thế nên, xác định không chỉ sản xuất lúa, xã vận động người dân đầu tư, phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại với đa dạng các loại cây trồng phù hợp, kể cả các loại cây dược liệu. Từ đó, Sơn Viên tham mưu UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.

Sơn Viên có thế mạnh về trồng rừng, keo nguyên liệu là cây sản xuất chủ lực, góp phần giảm nghèo bền vững, vì vậy, trong những năm tới, xã khuyến khích bà con đẩy mạnh trồng rừng, đặc biệt là kết hợp kinh tế vườn - rừng.

Việc thu hút đầu tư từ công nghiệp may mặc đã và đang giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, kể từ khi xã cán đích NTM đến nay, có bước tiến đáng kể. Theo ông Đỗ Tiến Trọng, việc duy trì các loại hình công nghiệp cũ và truyền thống vô hình chung không thu hút được lao động về với địa phương. Chính vì thế, xã liên tục kêu gọi đầu tư vào các mô hình công nghiệp có tính khả thi, hiện đại và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Từ sự kêu gọi và nỗ lực không ngừng nghỉ, trên địa bàn xã Sơn Viên hiện có 3 doanh nghiệp may về đầu tư. Công ty may Sơn Viên, Công ty Anh Nguyên, Công ty Hưng Nông đang hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Cũng từ đó giữ lại được nguồn lao động trẻ ở lại và gắn bó với nghề ở xã Sơn Viên.

Bên cạnh đó, các hoạt động  sản xuất kinh doanh thương mại - dịch vụ của xã cơ bản đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương.

Mô hình cây dược liệu cà gai leo tại xã Sơn Viên đang mang lại những bước chuyển mình hiệu quả cho nông nghiệp địa phương.

Phấn đấu năm 2024 đạt NTM nâng cao

Ngoài tập trung phát triển kinh tế, Sơn Viên cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao. Địa phương đang củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý xã và Ban phát triển xây dựng 3 thôn để tiếp tục công cuộc xây dựng NTM.

Xã có thôn Trung Yên đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2020, hiện nay, đang tiếp tục đăng ký xây dựng 2 Khu dân cư NTM kiểu mẫu là Phước Bình (năm 2023), Bình An (năm 2024).

Hoàn thành hồ sơ quyết toán, nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tiếp tục đầu tư xây dựng, phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2024.

Sơn Viên hôm nay đã thực sự “chuyển mình” với những con đường, trường học, trạm y tế, kênh mương được xây dựng khang trang, nhiều mô hình kinh tế mới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân…, tạo ra bức tranh đa màu sắc ở vùng nông thôn.

 

Anh Vũ
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top