Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 14 tháng 12 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 4 năm 2023 | 20:24

“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”

Dù phải di chuyển bằng xe lăn vì bị liệt nửa người, mắt kém nhưng anh Bùi Văn Trung ở thôn Ninh, xã Thạch Liên (Thạch Hà - Hà Tĩnh) không chỉ tự mình vươn lên trong cuộc sống mà còn mang niềm vui, sự sẻ chia đến nhiều cảnh đời bất hạnh.

Giúp những hoàn cảnh khó khăn là cách để trả ơn...

Gặp anh Trung, khi anh đang liệt kê một danh sách dài các địa chỉ để chuẩn bị cho chuyến thiện nguyện nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam. Khi biết tôi có ý định tìm hiểu, viết bài về mình, anh có vẻ ngượng ngùng. “Có gì đâu em. So với nhiều người, việc làm của anh còn nhỏ bé lắm”, anh Trung mở đầu câu chuyện bằng câu nói khiêm nhường.

Sinh năm 1968, từ người lành lặn, khỏe mạnh, năm 2008, khi đang làm công nhân tại miền Nam, anh Trung không may bị tai nạn lao động gãy cột sống. Cũng từ đó, anh bị liệt nửa người, gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn. Thời điểm đó, anh mới cưới vợ được 6 tháng, mọi dự định và mong muốn xây đắp tổ ấm hạnh phúc nhỏ bị dập tắt. Sau 6 năm chăm sóc chồng, anh động viên vợ đi tìm hạnh phúc mới vì không muốn bản thân là gánh nặng suốt đời cho người thân.

Anh Bùi Văn Trung trao quà hỗ trợ của các nhà hảo tâm cho gia đình anh Nguyễn Hữu Quyền, thôn Ninh, xã Thạch Liên,Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Mỗi khi nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất, anh vẫn nghẹn ngào: Những tháng ngày đầu, tôi bị sốc, ngoài sự tận tình chăm sóc của người thân, tôi được bạn bè thăm hỏi, giúp đỡ, tôi cũng dần chấp nhận sự thật nghiệt ngã, tự động viên mình và xóa dần mặc cảm, tự ti.

“Năm 2016, tôi điều trị ở Bệnh viện phục hồi chức năng Nha Trang, nơi sự sống và cái chết thật mong manh, nhiều hoàn cảnh thật sự đáng thương. Bệnh nhân nằm cạnh tôi là anh Vinh quê ở Nghệ An đang phải chạy ăn từng bữa. Lần đó, tôi đứng ra kêu gọi được số tiền 15 triệu đồng để hỗ trợ gia đình Vinh có thêm chi phí để điều trị”, anh Trung kể lại lần đầu khi “cơ duyên” với công tác thiện nguyện của mình.

Trải qua biến cố lớn nhất của cuộc đời, trở về quê, gắn cuộc đời mình với chiếc xe lăn, bố mất, mẹ già 88 tuổi phải chiến đấu với căn bệnh ung thư giai đoạn cuối nên anh phải chủ động trong sinh hoạt từ nấu nướng, vệ sinh cá nhân, giặt giũ. Điều này, đối với người đàn ông bình thường đã chật vật, đối với người ngồi xe lăn, mắt kém như anh lại càng vất vả. Thế nhưng, sự thiếu thốn về vật chất không làm anh phải lưu tâm bằng sự cấn cái trong tâm hồn, đó chính là băn khoăn, trăn trở bởi xung quanh vẫn còn nhiều hoàn cảnh đáng thương.

Anh luôn tâm niệm giúp những hoàn cảnh khó khăn là cách để trả ơn những người từng giúp đỡ, cưu mang mình lúc hoạn nạn, khi bản thân làm được việc gì có ích cho cộng động chính là lúc tâm hồn mình thư thái, bình yên nhất.

“Cuộc sống ai cũng phải nhìn lên để phấn đấu, nhưng rồi chúng ta cũng phải biết nhìn xuống để thấy còn đó những người kém may mắn hơn mình. Nhiều khi bản thân cũng mặc cảm, buồn phiền nhưng khi tham gia làm từ thiện, thấy nhiều hoàn cảnh còn éo le, cực khổ hơn gấp bội, lại thấy mình vẫn còn may mắn”, anh Trung lạc quan chia sẻ.

Chỉ với smart phone, viết nên câu chuyện của lòng tử tế

Hạn chế trong vận động, với chiếc smartphone cũ, anh Trung đã kết nối bạn bè bốn phương, kêu gọi cộng đồng mạng, các Mạnh thường quân hỗ trợ cho rất nhiều hoàn cảnh. Anh cũng luôn sống lạc quan và thường sử dụng mạng xã hội để truyền “năng lượng sống” tích cực tới mọi người. Trang facebook cá nhân của anh có hàng nghìn bạn bè, thường xuyên tương tác, lan tỏa tích cực trong cộng đồng mạng qua những bài thơ, những câu chuyện đẹp trong đời thường.

Trang facebook cá nhân là nơi anh kêu gọi các tấm lòng từ thiện và lan tỏa lối sống tích cực đến cộng đồng.

Bạn bè anh trên facebook Trung Bùi có cả người lạ, người quen hiện sinh sống, làm việc ở trong huyện, trong tỉnh, ngoài tỉnh và cả ở nước ngoài. Có người chưa từng gặp mặt, song cảm động, đồng cảm với việc làm đầy ý nghĩa của anh nên nhiệt tình ủng hộ. Số tiền quyên góp của mỗi cá nhân dù ít hay nhiều đều được anh ghi chép đầy đủ, rõ ràng, cập nhật thường xuyên. Với các hoàn cảnh cần giúp đỡ, anh phối hợp với chính quyền địa phương, Hội Chữ thập đỏ đến trực tiếp từng hộ để trao quà kịp thời.

Bảy năm qua, trên chiếc xe lăn, anh đã len lỏi khắp các miền quê, bệnh viện và viết nên nhiều câu chuyện cảm động, tử tế giữa đời thường. Những hoàn cảnh anh đến đều mang cho họ thật nhiều sự sẻ chia, yêu thương. Từ năm 2016 đến nay, anh đã kêu gọi được số tiền mặt và quà trị giá gần 1 tỷ đồng.

Có những hoàn cảnh ngay sau khi anh đưa lên mạng đã được nhiều bạn bè quan tâm, chia sẻ, ủng hộ với  số tiền lớn như trường hợp của hai cháu Nguyễn Thị Hà Giang và Nguyễn Thị Quỳnh Trang (thôn Nguyên, xã Thạch Liên, huyệnThạch Hà), mẹ mất vì bệnh tật, bố qua đời vì tai nạn giao thông. Từ sự kêu gọi của mình, anh đã giúp 2 đứa trẻ mồ côi hàng trăm triệu đồng. Dù không thể bù đắp hết nỗi đau mất cha, mất mẹ cho 2 đứa trẻ nhưng số tiền đó là nguồn động viên, góp phần cùng gia đình chăm sóc, nuôi nấng các cháu lớn  khôn.

Với mỗi hoàn cảnh, anh Trung đều có cách hỗ trợ hợp tình, hợp lý, khi thì giúp các em nhỏ mua sách vở, quần áo, giúp các cụ già mua thuốc thang, người nghèo có thêm suất quà ăn Tết, người đau ốm có thêm khoản kinh phí để chữa bệnh, những bữa cơm tình thương ấm lòng…

Anh Trung dành hết sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với những hoàn cảnh khác chứ không bao giờ nghĩ đến bản thân mình. Bằng sự vô tư, trong sáng, bao năm qua, anh  như “địa chỉ từ thiện đầy tin cậy” để những người có tấm lòng thơm thảo gửi gắm yêu thương đến mọi người kém may mắn trong xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Liên, cho biết: Anh Trung là người giàu nghị lực, biết vươn lên trong cuộc sống. Dù tật nguyền nhưng anh luôn lạc quan, không chỉ sống cho bản thân mình mà còn là chỗ dựa cho những người kém may mắn khác. Thời gian qua, Đảng ủy xã  thường xuyên động viên kịp thời việc làm thiết thực, đầy nhân văn của anh. Anh cũng là một trong những cá nhân được xã, huyện tuyên dương tại Hội nghị biểu dương phong trào thi đua yêu nước giai đoạn từ 2015- 2020.

“Khi con người biết mở lòng cho đi yêu thương ta sẽ nhận lại được rất nhiều hạnh phúc. Cũng chính làm thiện nguyện, tôi đã gặp được những người bạn, họ đồng cảm và chia sẻ với tôi. Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, phải không em?”, anh bắt tay tạm biệt tôi, rồi cười tươi tâm sự. Nụ cười của anh làm tôi thấy ấm lòng, ra về vẫn nghe âm vang đâu đây những vần thơ anh viết: “Mắt mù ta vẫn làm thơ/Tật nguyền ta chẳng thờ ơ với đời.../Hết buồn ta cứ vui chơi/ Vần thơ gửi tặng khắp nơi bạn bè (trích bài thơ “Cứ vui đi vì cuộc đời cho phép - Trung Bùi”).

Chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật

Điều 5, Luật Người khuyết tật 2010 quy định những chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật như sau:

1. Hàng năm, Nhà nước bố trí ngân sách để thực hiện chính sách về người khuyết tật.

2. Phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật.

3. Bảo trợ xã hội; trợ giúp người khuyết tật trong chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, việc làm, văn hóa, thể thao, giải trí, tiếp cận công trình công cộng và công nghệ thông tin, tham gia giao thông; ưu tiên thực hiện chính sách bảo trợ xã hội và hỗ trợ người khuyết tật là trẻ em, người cao tuổi.

4. Lồng ghép chính sách về người khuyết tật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

5. Tạo điều kiện để người khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng; khắc phục khó khăn, sống độc lập và hòa nhập cộng đồng.

6. Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác tư vấn, chăm sóc người khuyết tật.

7. Khuyến khích hoạt động trợ giúp người khuyết tật.

8. Tạo điều kiện để tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật hoạt động.

9. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích, đóng góp trong việc trợ giúp người khuyết tật.

10. Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

 

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
Top