Vượt qua nhiều ngày tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giao thương bến, bãi đứt đoạn, bà con dân tộc ở các thôn biên giới xã Bản Phiệt (Bảo Thắng - Lào Cai) đã cùng nhau thi đua phát triển nông - lâm nghiệp, tạo phong trào làm kinh tế rầm rộ, cho thu nhập bền vững.
Chuyển hướng kinh tế
Bản Phiệt có đường biên giới dài 6,743 km, ngăn cách bởi sông Nậm Thi và suối Pạc Trì Hồ. Toàn xã có 1.542 hộ, 5.552 khẩu, với 18 dân tộc (chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Giáy) cùng chung sống. Đặc biệt, 3 thôn giáp biên giới Việt - Trung là Nậm Sò, K8, Bản Quẩn, là những thôn phát triển mạnh thương mại dịch vụ khi có sự mở cửa tự do của bến, bãi, đường mòn lối mở với nước bạn.
Ông Sìn Đức Tâm, Trưởng thôn K8, chia sẻ: “Thôn có 235 hộ, 760 khẩu, chủ yếu là dân tộc Giáy, Dao, Mông, Tu Dí... Mấy năm trước, bà con chủ yếu làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa sang bên kia biên giới bằng đường sông. Nhà nào cũng có 2-3 chiếc thuyền sẵn sàng vận chuyển người và các loại hàng nông sản cho thương nhân hai bên biên giới. Hàng hoá tập kết về, trên bến dưới thuyền nhộn nhịp tấp nập, thu nhập trung bình khoảng 20-30 triệu/người/tháng. Từ khi dịch Covid – 19 bùng phát, hoạt động biên giới được thắt chặt thì giao thương hầu như ngừng hoạt động. Bà con gác thuyền chuyển hướng làm kinh tế”.
Ông Lý Văn Thành (đội mũ) ở thôn K8 bên vườn quế 5 năm tuổi phát triển xanh tốt.
Quả thật, đi dọc các thôn biên giới, thấy sự đổi thay rõ rệt khi những vườn đồi cỏ mọc quá đầu người được thay thế bằng nương dứa tăm tắp, đồi quế xanh um. Vừa tranh thủ phát cỏ, ông Lý Văn Thành (thôn K8) vừa trò chuyện: “Mấy năm “đi hàng hoá”, vợ chồng tôi cũng tích cóp được chút vốn. Khi bến, bãi đóng cửa, thấy xã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đưa các giống cây trồng mới có năng suất cao và chất lượng vào sản xuất, gia đình quyết định đầu tư gần 600 triệu đồng mua đất, cây giống và thuê thêm người để trồng hơn 3ha quế, gần 1ha mỡ. Do liên tục trồng mới hàng năm nên quế phát triển không đồng đều. Có diện tích quế đã được 5 năm, cao vút khoẻ mạnh, xanh tốt, có thể thu hoạch cành lá. Bên cạnh đó là diện tích cây mới trồng, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Sau 6-7 năm, 1ha quế cho thu hoạch khoảng 6 tấn vỏ quế khô, hơn 10 tấn lá và cành, thu nhập khoảng 600 triệu đồng”.
Cùng trồng quế với gia đình ông Thành, thôn K8 còn có gần 80 hộ dân khác đang tích cực mở rộng sản xuất. Thu nhập trung bình của người dân trong thôn đạt 60 triệu đồng/người/năm.
Gia đình bà Đỗ Thị Thuỷ ở thôn Bản Quẩn đã hiến 2.000m2 và tiếp tục ủng hộ để mở rộng đường giao thông.
Đi qua thôn K8, chúng tôi dừng chân ở khu trang trại rộng mênh mông của gia đình bà Đỗ Thị Thuỷ, thôn Bản Quẩn. Bà Thuỷ cho biết: “Khu trang trại tổng hợp này rộng gần 7ha. Gia đình nuôi cá các loại, ốc nhồi trên diện tích 2ha mặt nước. Mỗi năm thu hoạch 2 vụ cá, được khoảng 7 tấn, bán với giá 40.000 đồng/kg, thu về khoảng 300 triệu đồng, cộng thêm 1 vụ ốc nhồi gần 1 tấn, tổng doanh thu khoảng 400 triệu đồng/năm, trừ chi phí, lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngoài ra, còn 3ha quế 3-5 năm tuổi và nhiều diện tích đang trồng mới”.
Ông Trần Văn Phúc, Trưởng thôn Bản Quẩn phấn khởi khoe, không chỉ đi đầu trong phát triển kinh tế, đầu năm 2023, gia đình bà Thuỷ đã hiến 2.000m2 đất để mở rộng tuyến đường hồ Na Quynh dài 1,2km từ 1m lên 6m, tạo điều kiện giao thông thuận lợi cho cụm dân cư có 7 hộ dân sinh sống và 10 hộ có đất sản xuất trong khu vực.
Hoà cùng các phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp
Đến nay, các thôn biên giới ở Bản Phiệt đã hình thành các vùng sản xuất ổn định, bền vững. Đa số người dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” và “Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, hoà cùng với hàng nghìn lượt người trồng cây, phát dọn đường và mở rộng tuyến đường GTNT tại 8/8 thôn trong xã. Cùng nhau thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập trên đơn vị canh tác; thi đua mở rộng và bê tông hoá đường giao thông nông thôn gắn với duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn; xây dựng nếp sống văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc; bảo vệ môi trường nông thôn... Thành lập các câu lạc bộ như: “Nhà sạch vườn đẹp”, “Làng bản an ninh, gia đình hạnh phúc”...
Ông Nguyễn Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Bản Phiệt, cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đạt 1.894,5 tấn/1.724,1 tấn, đạt 51,97% kế hoạch năm. Xã cũng duy trì có hiệu quả mô hình sản xuất dứa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các thôn Nậm Sưu, Nậm Sò; duy trì 1 sản phẩm được công nhận và xếp hạng OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng được chú trọng. Đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn phát triển ổn định (32.000 con), không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm. Tổng đàn đại gia súc hiện có 259 con; trong đó, có 223 con trâu, 36 con bò, 3.506 con lợn, 198 con dê... Diện tích nuôi trồng thủy sản được duy trì ổn định là 35,1ha, năng suất 51,7 tạ/ha; sản lượng 182 tấn. Các sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong xã và một phần xuất ra ngoài.
Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bản Phiệt đã không ngừng nỗ lực, tích cực huy động mọi nguồn lực để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới và đã đạt những kết quả nổi bật, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2020 đến nay, xã đã huy động các tổ chức kinh tế xã hội, người dân ủng hộ xây dựng nông thôn mới, mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng giá trị 3.880,4 triệu đồng (225,2 triệu đồng tiền mặt; còn lại là các ủng hộ khác như hiến đất và đóng góp ngày công lao động... khoảng 3.655,2 triệu đồng). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, xã đã triển khai mở rộng mới 2,5km/3,2km đường giao thông, vận động nhân dân hiến 6.665m2 đất.
Những tuyến đường hoa đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường.
Phong trào thi đua xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội và mê tín, dị đoan đã được 100% thôn, bản, cơ quan, đơn vị thực hiện. Nhà văn hóa thôn được xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, liên hoan, hội thi, hội diễn tạo ra không khí vui tươi phấn khởi góp đáp ứng các hoạt động văn hoá cộng đồng và nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của Nhân dân.
Sự hình thành những tuyến đường hoa, đường điện đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường, ý thức làm đẹp cảnh quan thôn, xóm được nâng lên rõ nét. Đặc biệt, tại những nơi đã trồng hoa, không còn tình trạng người dân vứt rác bừa bãi hay chăn thả gia súc, gia cầm ven đường như trước, góp phần đảm bảo an ninh thôn xóm được bình yên, văn minh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.