Sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, năng suất và chất lượng sản phẩm chịu tác động của rất nhiều yếu tố như đất đai, phân bón, thời tiết, nước tưới, sâu bệnh, giống,… Trong đó, phân bón được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định. Từ xưa, ông cha ta đã có câu: “Nhất nước, Nhì phân...”.
Sức khỏe đất và sử dụng phân bón hiệu quả có mối quan hệ mật thiết, bón phân hợp lý giúp đất khỏe và cây trồng khỏe, từ đó tăng năng suất. Sử dụng phân bón đầy đủ, cân đối để đạt năng suất cao nhất, sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bài 1. Thực trạng sử dụng phân bón
Phân bón cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho sự sinh trưởng của cây trồng.
Sử dụng phân bón hợp lý, cân đối sẽ thúc đẩy quá trình phát triển, giúp cây đẻ nhánh, ra hoa nhiều và đậu quả, đây được xem là tiền đề cho tăng năng suất, mùa vụ bội thu.
Tuy nhiên, tại nước ta, trong nhiều năm do chạy theo sản lượng nên có tình trạng nông dân lạm dụng phân bón hóa học, chưa coi trọng các loại phân hữu cơ khiến hệ sinh vật trong đất giảm dần, đất đai bị chai cứng, kết cấu đất bị phá vỡ, giảm khả năng giữ nước, biến đổi dinh dưỡng, gây thoái hóa đất, giảm năng suất cây trồng…
Lạm dụng phân bón hóa học khiến cho đất trồng bị thoái hóa, bạc màu, chai cứng.
Mất cân bằng giữa phân vô cơ và hữu cơ
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 30 năm trở lại đây, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa trên phân bón hoá học do áp lực thâm canh tăng năng suất và tính tiện dụng trong lưu thông, sử dụng như gọn nhẹ, tác động nhanh đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
Vì vậy, ngành Nông nghiệp cần gần 11 triệu tấn phân bón mỗi năm; 75% trong số đó là phân bón vô cơ. Nhu cầu phân bón tăng lên là do nhu cầu về nông sản tăng. Tuy nhiên, lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường cũng khá lớn. Theo thống kê của Tổ chức Nông – Lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam nằm trong top các nước dùng nhiều phân bón nhất thế giới nên lượng phân bón thất thoát cũng ở mức cao, trong đó phân đạm thất thoát 40-60%, phân lân 30-40%,...
Theo tính toán của FAO, hiện lượng phân bón trung bình sử dụng trong nông nghiệp trên thế giới vào khoảng 145 kg/ha, trong khi tại Việt Nam là trên 400 kg/ha. Điều này có nghĩa nước ta sử dụng quá nhiều phân bón cho một đơn vị diện tích và khi lạm dụng phân bón như vậy sẽ tạo ra nhiều hệ lụy.
Về liều lượng, Việt Nam đang sử dụng mức bón cao hơn nhiều quốc gia, và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Tình trạng bón phân mất cân đối, không đảm bảo nguyên tắc “5 đúng” (đúng chủng loại phân; đúng nhu cầu sinh lý của cây; đúng nhu cầu sinh thái; đúng vụ và thời tiết; đúng phương pháp) là nguyên nhân chính dẫn tới hiệu suất sử dụng phân bón còn thấp, chỉ đạt 40 - 45% đối với phân đạm, 25-30% đối với phân lân và 55-60% đối với phân kali.
Hiệu suất bón phân chỉ đạt 40%, tức còn khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ bị giữ lại trong môi trường, tương đương với 1,77 triệu tấn urê (N), 2,07 triệu tấn supe lân (P) và 344 ngàn tấn kali (K). Quy mô thất thoát hằng năm tương đương 60 ngàn tỷ đồng, tính theo giá phân bón hiện nay.
Theo các chuyên gia, khi bón quá nhiều phân mà cây trồng không hấp thụ hết thì ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của nông dân, bởi theo tính toán của FAO, phân bón chiếm từ 40-70% giá thành sản xuất nông sản, tùy theo loại cây trồng và mùa vụ.
Điều này không chỉ gây thất thoát về kinh tế mà còn làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước (cả nước mặt và nước ngầm), tăng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
Riêng việc sử dụng quá nhiều phân đạm còn là nguyên nhân gây tích tụ cao hàm lượng nitrat trong nông sản, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều diện tích đất hiện nay, khi đưa vào sản xuất theo quy trình an toàn, không đạt tiêu chuẩn ngay từ bước kiểm nghiệm mẫu đất bởi tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật trong đất dù đã không sử dụng nhiều năm liền.
Các nghiên cứu đều cho rằng, để sản xuất bền vững, cần bón cân đối dinh dưỡng từ cả nguồn hữu cơ và vô cơ. Hai nguồn phân bón này đồng thời còn hỗ trợ nâng cao hiệu quả của nhau. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 25% nhu cầu phân hữu cơ.
Lạm dụng phân vô cơ
Hiện nay, các quốc gia châu Âu khuyến cáo sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời vụ và đúng cách), từ đó sẽ bón phân hiệu quả cho cây trồng.
Tuy nhiên, ở nước ta, vẫn còn một số nông dân sử dụng phân bón và thuốc BVTV tùy tiện không theo khuyến cáo, chưa lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại cây trồng và dịch hại nên hiệu quả sử dụng chưa cao. Theo đó, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp.
Việc sử dụng dư thừa phân bón với mục đích tăng năng suất cho nông sản vẫn còn xảy ra một số nơi, làm gia tăng chi phí, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Việc sử dụng phân bón ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế.
Bón phân một cách dư thừa với đặc tính dễ hòa tan trong nước dễ dẫn đến tình trạng rửa trôi xuống ao hồ, sông, suối, ngấm xuống nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước. Hàm lượng nitrat cao trong nước gây độc cho những sinh vật dưới nước.
Việc sử dụng phân bón ngày càng bộc lộ nhiều khiếm khuyết và hạn chế. Đó là sự lãng phí lớn lượng phân bón do nông dân lạm dụng quá mức cần thiết làm chi phí giá thành đội lên; trong khi đó, do khả năng hấp thụ của các loại cây trồng với phân bón còn nhiều hạn chế. 40% lượng phân đạm, 50% phân kali và 60% lượng phân lân khi bón vào cây bị rửa trôi theo dòng nước.
Ngoài ra, không khí bị ô nhiễm do quá trình chuyển hóa làm bay hơi một số khí độc như amoniac khi sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, đặc biệt là các phân bón chứa đạm (N). Cùng với đó, làm tồn dư đạm trong đất, nguồn nước và nông sản. Dẫn đến tác động tiêu cực tới sức khỏe con người. Nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, chứng máu methaemoglobin,… là do NO3- và NO2-.
Theo phân tích của Bộ Nông nghiệp và PTNT, ngay trong bản thân một số loại phân bón đã có chứa một số chất gây độc hại cho cây trồng và cho con người như các kim loại nặng hoặc các vi sinh vật gây hại, các chất kích thích sinh trưởng khi vượt quá mức quy định. Theo quy định hiện hành, các loại kim loại nặng có trong phân bón gồm asen (As), chì (Pb), thuỷ ngân (Hg) và cadimi (Cd); các vi sinh vật gây hại có trong phân bón gồm: E. Coli, Salmonella, Coliform là những loại gây nên các bệnh đường ruột nguy hiểm.
Dư thừa đạm trong đất hoặc trong cây đều gây nên những tác hại đối với môi trường và sức khoẻ con người. Do bón quá dư thừa hoặc bón phân đạm không đúng cách đã làm cho nitơ và phospho theo nước xả xuống các thủy vực là nguyên nhân gây ra sự ô nhiễm các nguồn nước. Các chất gây ô nhiễm hữu cơ bị khử dần do hoạt động của vi sinh vật, quá trình này gây ra sự giảm ôxy dưới hạ lưu. Đạm dư thừa bị chuyển thành dạng Nitrat (NO3-) hoặc Nitrit (NO2-) là những dạng gây độc trực tiếp cho các loài động vật thuỷ sinh, gián tiếp cho các động vật trên cạn do sử dụng nguồn nước. Đặc biệt gây hại cho sức khoẻ con người thông qua việc sử dụng các nguồn nước hoặc các sản phẩm trồng trọt, nhất là các loại rau quả ăn tươi có hàm lượng dư thừa Nitrat.
Các nghiên cứu về y học gần đây đã xác định, dư thừa phospho trong các sản phẩm trồng trọt hoặc nguồn nước làm giảm khả năng hấp thụ canxi vì chất này lắng đọng với canxi tạo thành muối triphosphat canxi không hòa tan và tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất para thormon, điều này đã huy động nhiều canxi của xương, và nguy cơ gây loãng xương ngày một tăng, đặc biệt ở phụ nữ.
Không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, lạm dụng phân và thuốc hóa học còn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng các loại nông sản xuất khẩu. Việc nông sản bị trả về, bị cảnh báo trên thị trường thế giới khiến nông sản Việt gặp tổn thất không nhỏ về mặt kinh tế và thương hiệu.
Gây ra tình trạng “chai đất”
Phân vô cơ đang được sử dụng phổ biến trong thực tiễn sản xuất bởi sự tiện dụng, đáp ứng chính xác nhu cầu của cây trong từng thời kỳ nhưng loại phân này cũng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn làm gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí.
Theo đó, lạm dụng phân bón hóa học, bón không cân đối, không đúng cách, bón quá nhiều trong thời gian dài đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy kiệt nguồn đất, gây hại đến sức khỏe con người và sinh vật có ích.
Cụ thể, đối với cây trồng, dư thừa phân bón hóa học để lại những tồn dư dưới dạng muối trong đất, ngăn cản sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết. Khi được sử dụng với mật độ từ năm này qua năm khác, các acid tạo thành sẽ phá hủy các chất mùn hữu cơ phì nhiêu được tạo ra từ sự phân rã của các cơ thể vi sinh vật đã chết. Làm gia tăng sự mẫm cảm của cây trồng đối với các loài sâu bệnh vì phân hóa học giết chết các vi sinh vật trong đất mà các vi sinh vật này tạo đề kháng cho cây trồng khỏi một chứng bệnh nào đó.
Đặc biệt, việc lạm dụng phân bón vô cơ khiến đất đai bị bạc màu, chai cứng, đất bị chua hóa, độ pH giảm và gây tích tụ một số kim loại nặng trong đất. Mất cân bằng sinh học do tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi trong đất, có khá nhiều loại phân bón vô cơ (đặc biệt là các loại phân đơn) không cung cấp hay không thay thế được chất vi lượng mà cây trồng hấp thu từ đất gây cạn kiệt dần các chất vi lượng có chứa trong đất.
Ông Phùng Hà, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, khi lạm dụng phân bón, lượng thất thoát sẽ tồn trữ trong đất, gây chai đất hoặc tan ra và ngấm xuống ao, hồ, sông, suối gây ô nhiễm môi trường cũng như làm tăng phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Chính phủ đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trên thực tế, việc lạm dụng phân vô cơ không chỉ gây ra sự lãng phí tiền bạc, công sức mà còn khiến đất thoái hóa nghiêm trọng.
Cụ thể, tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi và phát triển bền vững cây có múi ở Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức năm 2023, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, diện tích cây có múi tại địa phương bị suy thoái diễn ra mạnh trong giai đoạn 2018 - 2021. Qua đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, một số địa phương xảy ra tình trạng này là do phát triển cây có múi không nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt; một số diện tích trồng mới không đủ điều kiện về đất.
Theo đó, trong quá trình canh tác lâu năm, sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến đất bị chai cứng, độ thoáng khí giảm, khả năng giữ nước kém… Đất dần dần bị thoái hóa về mặt vật lý.
Cùng với đó, phân vô cơ sẽ gây hại đến hệ vi sinh vật trong đất do làm thay đổi tính chất của đất như pH, hàm lượng kim loại nặng trong đất gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của một số vi sinh vật có khả năng cố định chất dinh dưỡng.
Tối ưu giá trị từ phân hữu cơ
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, sử dụng phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, người nông dân cần thay thế phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ, phân bón sinh học. Việc bón phân hữu cơ cho cây, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất còn duy trì cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật đất, làm đất tơi xốp, giúp rễ cây hút dinh dưỡng tốt hơn. Chưa kể tác dụng của chất hữu cơ là nguồn cung cấp CO2 cho cây quang hợp.
Chất hữu cơ còn chứa một số chất có hoạt tính sinh học, kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Phân hữu cơ có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được.
Được biết, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng.
Phân bón hữu cơ từ thức ăn thừa.
Trong khi đó, Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là với khoảng 156 triệu tấn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản động thực vật và thủy sản.
Việc tổ chức khai thác tốt những nguồn nguyên liệu này không chỉ giúp người nông dân tiết kiệm được nguồn tài nguyên, tiết kiệm chi phí nhân lực cải tạo đất, tạo ra lợi ích về kinh tế, mà còn tận dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu địa phương, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ chất thải trong quá trình sản xuất, chăn nuôi.
Ngoài ra, khi được sản xuất đúng quy trình và bón đúng liều lượng, phân bón hữu cơ an toàn với sức khỏe con người, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Quan trọng hơn hết, trong bối cảnh nhu cầu lựa chọn thực phẩm an toàn của người tiêu dùng toàn cầu ngày càng tăng, việc sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp với các loại phân vô cơ chất lượng cao trong sản xuất nông nghiệp càng trở thành xu hướng tất yếu.
Giải pháp phối hợp hài hòa giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ giúp tối ưu năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao sức khỏe đất.
Các loại phân hữu cơ giúp cải tạo đất cực tốt như phân chuồng (phân bò, trâu), phân ủ từ rác nhà bếp,…Các loại vật chất hữu cơ nên bổ sung như phân xanh (dã quỳ, cỏ lào, bèo hoa dâu, lục bình,…) xác bã thực vật (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, vỏ hạt, thân ngô đậu,..).
Các nguồn hữu cơ này sẽ giúp đất trồng tơi xốp, mềm mịn, phì nhiêu, giữ ẩm tốt. Cải thiện lại nền đất khô cứng, bạc màu, tạo cấu trúc đất thông thoáng.
Ủ các loại bã đậu nành, vỏ khóm, hèm bia, chuối… dùng để bón cho cây bưởi nhằm thay thế phân bón hóa học. Ảnh: TL.
Hướng đi cho nền nông nghiệp xanh
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, lượng phân bón sử dụng trong sản xuất trồng trọt giảm mạnh qua các năm. Cụ thể, năm 2020, lượng phân bón sử dụng là 10,23 triệu tấn; trong đó phân bón hóa học 7,6 triệu tấn, phân bón hữu cơ 2,63 triệu tấn và 16,8 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ sản xuất. Lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trung bình là 753 kg/ha gieo trồng. Năm 2021, lượng phân bón sử dụng 10,09 triệu tấn, trong đó phân bón hóa học 7,81 triệu tấn, phân bón hữu cơ 2,89 triệu tấn và 18,36 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ sản xuất. Lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trung bình là 733 kg/ha gieo trồng. Năm 2022, lượng phân bón sử dụng gần 7 triệu tấn, trong đó phân bón hóa học 5,3 triệu tấn, phân bón hữu cơ gần 1,7 triệu tấn và trên 21 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ sản xuất. Lượng phân bón sản xuất công nghiệp sử dụng trung bình là 509 kg/ha gieo trồng. Về sản xuất, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học) đã được công nhận lưu hành là trên 7.000 sản phẩm, chiếm 27% tổng số phân bón đã được công nhận lưu hành. Công suất xuất phân bón hữu cơ năm 2023 là 4,8 triệu tấn (tăng hơn 4 lần so với năm 2017), tỷ trọng công suất phân bón hữu cơ tăng từ chiếm 9,5% lên chiếm 22,9% và tỷ trọng công suất sản xuất phân bón vô cơ giảm từ chiếm 90,5% xuống còn 77,1%. |
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ đã và đang xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn. Đến năm 2030, sẽ có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
Những năm gần đây, người làm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Sử dụng loại phân bón này đã giúp người dân tạo ra sản phẩm sạch an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo đó, từ nguồn phân bò thải ra, gia đình ông Võ Văn Hai, ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) đã đem ủ hoai và bón cho hơn 300 gốc bưởi da xanh hơn 5 năm tuổi.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Hai cho biết, nhờ bón phân hữu cơ mà vườn bưởi da xanh của gia đình mới xanh mướt và kéo dài được thời gian như thế này. Tất nhiên, vườn bưởi này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật, nhưng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi phân hữu cơ có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp tăng khả năng giữ nước và hạn chế được sâu bệnh gây hại...
“Nếu sử dụng phân bón hóa học quá nhiều, lá cây sẽ to và mỏng hơn nên dễ bị sâu ăn lá và các loại sâu bệnh phá hoại. Ngược lại, khi sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp các bộ phận cành, lá, cây cứng cáp hơn, lá dày, khả năng chịu đựng các điều kiện bất lợi cũng tốt hơn. Do vậy, cây ít bị sâu bệnh gây hại”, ông Hai chia sẻ.
Có nhiều giải pháp đặt ra để giúp đất khỏe, như luân canh mùa vụ, cải tạo đất, bón phân hợp lý được xem là yếu tố tiên quyết hàng đầu.
Bài 2: Để đất khỏe, đâu là giải pháp?
Tạp chí Kinh tế nông thôn trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".
Đoàn kiểm tra của Liên minh châu Âu (EU) sắp sang Việt Nam để thanh tra trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, dự kiến đoàn sẽ đánh giá hoạt động của chương trình kiểm soát dư lượng đối với các sản phẩm được phép xuất khẩu sang thị trường EU và thẩm tra độ tin cậy về đảm bảo thủy sản nuôi không chứa dư lượng theo quy định.