Về làng Sen, xã Kim Liên (Nam Đàn - Nghệ An) mùa này, du khách không chỉ thưởng ngoạn sắc hồng của sen. Vẫn lối cũ ấy, nhưng lại được ấp ôm bởi những vườn mẫu, vườn chuẩn NTM, những homestay với mục tiêu chính không phải để kinh doanh mà cốt yếu để tỏ tấm chân tình người dân quê Bác với du khách thập phương...
Làng Sen bây giờ rất khác
Tháng 5, nắng đượm cả con đường nhựa dẫn vào quê Bác, với bờ mạn hảo được cắt tỉa thẳng tắp, hàng dâm bụt chúm chím nở, hay những cánh sen hồng chờ sinh nhật Người. Làng Sen tỏ dần ra sau tán cây cổ thụ dọc hai bên đường.
Chúng tôi được bà con nơi đây dẫn đến tận cổng các gia đình làm homestay. Homestay được hiểu là mô hình du lịch lưu trú ở nhà dân. Khi khách du lịch đặt chân đến một vùng miền nào đấy, chính người dân sẽ giúp họ có được chỗ lưu trú và tìm hiểu về văn hóa, con người địa phương một cách chân thật nhất.
Homestay của hộ anh Nguyễn Sinh Chung.
Cạnh Nhà văn hóa Sen 2, các hộ homestay quây quần sát vách nhau như một gia đình. Thấy chúng tôi từ xa, anh Nguyễn Sinh Chung hồ hởi đón khách. Chưa kịp mở lời, anh đã ríu rít câu chuyện bén duyên với homestay của mình.
Đường vào homestay của 4 hộ gia đình tại xóm Sen 2.
Năm ấy (năm 2019), toàn xã Kim Liên có 10 gia đình được chọn để Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An giúp làm những khu vườn mẫu. Sau một thời gian, vườn của 4 hộ gia đình (bác Nguyễn Sinh Lạc, anh Nguyễn Hồng Thúy, bác Vương Hồng Minh và tôi) được đánh giá đạt chuẩn, tiếp tục được huyện Nam Đàn và xã Kim Liên chọn làm mô hình du lịch cộng đồng.
Homestay của vợ chồng ông Nguyễn Sinh Lạc.
Homestay của hộ ông Vương Hồng Minh.
Cũng thời gian đó, các thành viên của tổ được ngành du lịch tập huấn, đưa đi tham quan cách làm homestay của những người dân tại Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Quảng Bình. Sau chuyến tham quan, dựa vào cơ sở vật chất nhà ở có sẵn, 4 hộ đầu tư kinh phí cải tạo những khu vườn mẫu, tạo không gian cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Xuất thân là cán bộ Khu di tích Kim Liên, cũng là một trong 4 người tiên phong thí điểm mô hình homestay trên quê Bác, anh Chung vừa nói vừa chỉ tay ra khu vườn trước mặt: Khu vườn trước đó đã được công nhận là vườn mẫu, nên việc mở homestay với tôi đã là một lợi thế.
Tôi làm homestay vì cộng đồng, vì sự phát triển chung của xã Kim Liên. Không chỉ kiếm thêm thu nhập, một phần nào đó còn quảng bá nếp sống, nếp nghĩ của người dân nơi đây đến khắp mọi người, mọi miền. Khi du khách lưu trú tại đây, tôi và các hộ homestay khác đều có thể bán những sản phẩm trong vườn để họ làm quà. Ví như chậu lan, cây hoa giấy, cây cảnh hay những “quả ngọt đầu mùa”.
Mỗi lần có khách gọi đặt trước, tôi đều sẻ chia với các hộ homestay trong tổ, có như vậy, du khách mới hay lui tới, yên tâm tận hưởng những ngày nghỉ dưỡng đáng nhớ trên quê Bác.
Cùng với đó, các thành viên trong tổ đã lên kế hoạch để sẵn sàng đón khách. Bởi khi khách có ý định lưu trú thì ngoài chỗ nghỉ ngơi, sẽ có nhu cầu ăn uống, tham quan nên phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Tại đây, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân giã như: củ, quả, cây rau... được hái từ vườn nhà. Ngoài ra, nếu du khách muốn đi thăm thú các nơi, các hộ sẽ như những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về lịch sử – văn hóa, các di tích tâm linh và phong cảnh Kim Liên, chụp ảnh check-in khắp cánh đồng sen, hoà mình cùng thiên nhiên yên bình trên quê Bác...
Quê Bác phải là điểm đến đáng nhớ của du khách
Nói về sự phát triển lâu dài của mô hình homestay, anh Chung trầm ngâm: Thật ra, làm homestay không khó, cũng chẳng dễ. Khó ở lượng khách có đều hay không, dễ ở cái là mình có cơ sở vật chất của mình. Vốn đầu tư ban đầu để làm được mô hình này thì không đếm xuể. Vì nay một ít, mai một ít. Dầm dề cũng sắm sanh được ít nhiều để phục vụ du khách.
Để mô hình này được nhiều người hưởng ứng, điều đầu tiên là có sự đồng hành, quan tâm của chính quyền địa phương. Không chỉ quảng bá, tuyên truyền bằng những hình thức đơn thuần mà cần có cơ chế, chính sách kịp thời, hợp lí.
Duy chỉ có một điều, trong thâm tâm chúng tôi, bắt tay làm du lịch cộng đồng cốt yếu là muốn tỏ tấm chân tình của người dân quê Bác đến với du khách. Một phần nào đó giúp du khách có được niềm vui trọn vẹn khi muốn dừng chân lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi phải làm cho quê Bác là điểm đến đáng nhớ của du khách.
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế về văn hóa và du lịch, năm 2017, sau khi đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Nam Đàn được Chính phủ chọn làm thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện xác định đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm giới thiệu hình ảnh Nam Đàn đến với du khách trong và ngoài nước. Thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch; quy hoạch phát triển du lịch của huyện trên cơ sở gắn kết các vùng, điểm du lịch, tuyến du lịch nội huyện cũng như kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.