Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 8 năm 2024 | 10:5

Tạo niềm tin để người dân sử dụng nước từ Nhà máy nước sạch Cẩm Vân

Do nguồn nước bị ô nhiễm bởi chôn lấp thuốc BVTV của Công ty CP Nicotex Thanh Thái, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, Nhà máy cấp nước sạch xã Cẩm Vân được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, lại xảy ra tình trạng nơi người dân chưa được dùng nước sạch, nơi thì không sử dụng.

Nơi cần chẳng có, nơi có chẳng dùng

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cùng với điều kiện địa hình, đặc biệt khu vực miền núi, tình trạng khan hiếm nguồn nước ngày một gia tăng . Người dân tại đây bị thiếu nước sinh hoạt và có thói quen duy trì việc sử dụng nguồn nước chỉ đảm bảo hợp vệ sinh, khả năng tiếp cận được nguồn nước sạch sinh hoạt ngày càng khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước chưa phải là tất cả. Cùng với sự ảnh hưởng của những yếu tố gây ô nhiễm, chất lượng nguồn nước ngày một suy giảm.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, khu vực các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thủy) và thị trấn Yên Lâm (huyện Yên Định) thuộc vùng ảnh hưởng của vụ việc Công ty CP Nicotex Thanh Thái chôn thuốc bảo vệ thực vật xuống lòng đất nhiều năm trước, khiến nguồn nước ngầm đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nhà máy nước sạch Cẩm Vân đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy để cung cấp nước cho 3 xã bị nhiễm nguồn chất độc do Nicotex chôn.

Nhà máy nước sạch Cẩm Vân đóng trên địa bàn xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy.

Bên cạnh đó, các nguồn nước mặt chịu ảnh hưởng của môi trường xung quanh xả thải. Điều này gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề, làm giảm chất lượng nước và gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe con người, động vật và sinh vật trong môi trường.

Qua kết quả kiểm tra phân tích 21 mẫu nguồn nước người dân sử dụng sinh hoạt tại 21 hộ dân trên địa bàn xã Cẩm Vân, xã Cẩm Tâm và thị trấn Yên Lâm thì cả 21/21 mẫu chất lượng nước chưa đảm bảo quy chuẩn, khi các thành phần như vi khuẩn Coliform, E.Coli, chỉ tiêu độ đục, độ màu, mangan, sắt, amoni, nitrit đều cao hơn giới hạn cho phép.

Trong 21 hộ gia đình được kiểm tra có 03 mẫu vượt giới hạn độ đục, 03 mẫu vượt giới hạn về độ màu, 02 mẫu vượt giới hạn về độ cứng, 03 mẫu phát hiện có hàm lượng asen, 8 mẫu vượt giới hạn về E.coli hoặc coliform chịu nhiệt và cả 21/21 mẫu đều vượt giới hạn về tổng số Coliform. Đặc biệt chỉ tiêu E.Coli và Coliform vượt hàng nghìn lần so với giới hạn cho phép.

Bà Nguyễn Thị Tình, thôn 3, xã Cẩm Vân cho biết: Chúng tôi ở trong môi trường bị ô nhiễm bởi nguồn thuốc sâu chôn lấp. Đến thời điểm này, tại khu vực gia đình ở, có 8 hộ chưa được đấu nối đường ống nước về. Mong muốn Nhà nước quan tâm đấu nối đường ống nước về để người dân được sử dụng nguồn nước sạch đảm bảo sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Vợ chồng hộ bà Nguyễn Thị Tình, thôn 3 xã Cẩm Vân mong muốn được đấu nối đường ống nước sạch về gia đình.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Tình, thôn 3 xã Cẩm Vân mong muốn được đấu nối đường ống nước sạch về gia đình.

Tại thôn Hành Chính, thị trấn Yên Lâm, bà L.T.N cho biết: Khi cuộc vận động người dân sử dụng nước sạch để đảm bảo sức khỏe cho người dân khu vực bị ảnh hưởng chất độc hại, gia đình cũng đấu nối đường ống nước sạch về. Tuy nhiên, đến nay gia đình không sử dụng do nghĩ thời gian qua trên dòng sông Mã nguồn nước bị nhiễm độc, do các công ty sản xuất xả thải gây chết cá hàng loạt, nên nhiều hộ gia đình sử dụng nguồn nước ngầm và sử dụng thêm máy lọc nước RO đảm bảo an toàn.

Theo thống kê, có khoảng 80% bệnh tật xuất phát từ nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm. Số người bị mắc bệnh do nguồn nước sinh hoạt chưa đạt quy chuẩn chất lượng đang có xu hướng tăng lên. Do đó, đảm bảo an toàn cấp nước - chất lượng nước, đặc biệt ở khu vực nông thôn là vấn đề cần quan tâm.

Giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân dùng nước sạch

Hiện nay, trên địa bàn 3 xã, thị trấn đã có hơn 4.000 hộ dân được cung cấp nước sạch. Tuy nhiên, thực tế, tại xã Cẩm Vân chỉ có 68,8% số hộ đã đấu nối và thường xuyên sử dụng nước sạch từ Nhà máy, tại xã Cẩm Tâm là 40,6% và đặc biệt tại thị trấn Yên Lâm tỷ lệ hộ dân dùng nước rất thấp là 24.01%. Thực trạng này chưa tương xứng với quy mô đầu tư của Nhà máy và hiện trạng đáng báo động của chất lượng nguồn nước tự nhiên người dân đang sử dụng.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lâm, cho biết: Theo báo cáo của Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, kiểm tra một số mẫu nước ngầm ở các thôn trên địa bàn thị trấn Yên Lâm chưa đảm bảo, do biến đổi khí hậu gây ra tình trạng khô hanh, lũ lụt và tác động đến chu kỳ nước. Điều này ảnh hưởng đến nguồn nước sạch và an ninh nguồn nước, địa phương đã thông báo và tuyên truyền đến nhân dân trên địa bàn nên sử dụng hệ thống nước sạch nhà máy nước Cẩm Vân.

Theo ông Phong, một số hộ dân chưa được đấu nối các đường ống nước do khu vực ấy thời điểm đấu nối chưa có khu dân cư, đến nay vẫn chưa có nguồn kinh phí để đầu tư, nhưng trên địa bàn thị trấn, người dân vẫn sử dụng 100% nguồn nước sạch đảm bảo từ nhiều nguồn như sử dụng máy lọc nước RO, nước mưa,...

Ông Nguyễn Liên Giới xã Cẩm Vân phải dự trữ nguồn nước mưa để sử dụng, đảm bảo sức khỏe.

Ông Nguyễn Liên Giới xã Cẩm Vân phải dự trữ nguồn nước mưa để sử dụng.

Theo ông Phạm Duy Vĩnh, Phó chủ tịch UBND xã Cẩm Vân, nước sạch không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày mà còn giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cả cộng đồng. Để người dân hiểu được tầm quan trọng của nước sạch, đảm bảo trên địa bàn dùng 100%, chính quyền luôn tuyên truyền vận động trong cuộc họp chi bộ thôn và hệ thống truyền thanh mỗi ngày.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Trước thực trạng nguồn nước bị ô nhiễm, được sự quan tâm của Nhà nước đối với Nhân dân, Nhà máy cấp nước sạch xã Cẩm Vân được đầu tư xây dựng. Sau hơn 02 năm đi vào hoạt động, số hộ dân sử dụng nước sạch trên địa bàn đạt 37% và có xu hướng tăng dần. Do tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân còn ở mức thấp dẫn đến nhiều khó khăn cho công tác quản lý, vận hành của đơn vị như: Hàng tháng vẫn phải bố trí nhân lực cho công tác kiểm tra, bảo trì bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống cấp nước đến các đồng hồ không sử dụng nước.

Để đảm bảo công tác quản lý, vận hành nhà máy nước Trung tâm nước sinh hoạt và VSMT nông thôn, Chi nhánh cấp nước xã Cẩm Vân sẽ tăng cường công tác phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn trên địa bàn cấp nước xây dựng, tổ chức các hoạt động truyền thông về lợi ích của việc sử dụng nước sạch tập trung, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen sử dụng các nguồn nước nhỏ lẻ của Nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra, đơn vị sẽ thực hiện tốt công tác quản lý vận hành công trình, kiểm soát chất lượng nước cấp ra toàn tuyến đảm bảo chất lượng theo quy định của Bộ Y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo niềm tin đối với Nhân dân, góp phần thực hiện tốt tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ dân số nông thôn ở Thanh Hóa sử dụng nước sạch đạt 65%. 

Được biết, công trình cấp nước sạch xã Cẩm Vân được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 3650/QĐ-UBND ngày 30/10/2014, do Sở Nông nghiệp và PTNT làm Chủ đầu tư. Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý, vận hành tại Quyết định số 3033/QĐ-UBND ngày 31/7/2020. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 23/5/2022.

Theo kết quả công bố Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch nông thôn năm 2022 được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 14/3/2023, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97%, tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn Việt Nam chiếm 60,2%, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung chỉ là 25,2%.

Trong số những xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới ở Thanh Hóa, hầu hết ở khu vực miền núi và đều đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí nước sạch.

 

Thanh Duyên
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top