Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 3 tháng 10 năm 2022 | 21:18

Tất bật sản xuất tăng vụ và kết nối hợp tác liên tỉnh

Nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực gieo trồng cây màu vụ đông và chuẩn bị vào vụ Tết, đồng thời tăng cường kết nối liên tỉnh nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản.

Nông dân xã Yên Thái (Yên Định) chăm sóc ớt vụ đông.

Thanh Hóa: Tích cực triển khai sản xuất vụ đông

Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa, nông dân các địa phương trong tỉnh đang tích cực gieo trồng cây màu vụ đông bảo đảm khung thời vụ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Vụ đông năm 2022-2023, huyện Quảng Xương có kế hoạch gieo trồng 1.700 ha diện tích trở lên, trong đó cây ngô 300 ha; khoai lang, khoai tây 120 ha, rau màu các loại 1.200 ha và còn lại là các loại cây trồng khác. Các xã có diện tích cây trồng vụ đông lớn, như Quảng Lộc, Quảng Lưu, Quảng Yên, Quảng Hải, Quảng Định, Quảng Văn, Quảng Chính... Sau khi thu hoạch xong các loại cây trồng vụ mùa, các xã, thị trấn đang tập trung gieo trồng các loại cây trồng vụ đông. Đồng thời, khuyến khích nông dân đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng vào sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về quy trình làm đất, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Thực hiện điều tiết nước tưới hợp lý cho từng vùng, đảm bảo nguồn nước trong các kênh, mương thường xuyên để phục vụ tưới tiêu cho cây trồng.

Đồng thời, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở rộng diện tích cây trồng vụ đông, liên kết và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Đến ngày 27/9, toàn huyện đã gieo trồng được 620/1.700 ha diện tích cây trồng vụ đông, trong đó, cây ngô đạt khoảng 23% diện tích, khoai lang 33% diện tích và các loại rau màu khác. Hiện các xã, thị trấn đang tích cực đôn đốc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống, phấn đấu đến ngày 10/10 hoàn thành diện tích cây trồng vụ đông chủ lực.

Tại huyện Yên Định, cơ bản đã thu hoạch xong lúa mùa, bà con nông dân đang tập trung giải phóng đất chuẩn bị các điều kiện thuận lợi để sản xuất vụ đông theo kế hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Yên Định cho biết đến hết ngày 27/9 toàn huyện đã gieo trồng cây vụ đông được 2.300/4.700 ha, đạt hơn 50% diện tích theo kế hoạch. Để sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các HTX dịch vụ nông nghiệp cung ứng các loại giống cây vụ đông đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thâm canh và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, làm tốt công tác dự tính, dự báo về tình hình sâu bệnh, hướng dẫn nông dân phòng trừ đúng thời điểm, không để sâu bệnh phát sinh gây thiệt hại đến kết quả sản xuất, nhất là sâu bệnh trên các loại cây trồng xuất khẩu. Đơn vị thủy nông phục vụ trên địa bàn đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng sinh trưởng, phát triển.

Vụ đông 2022-2023 được xác định là vụ sản xuất đặc thù và lợi thế với 3 tháng mùa đông lạnh, sự chuyển tiếp nền nhiệt độ đầu vụ và cuối vụ tạo nên sự phong phú, đa dạng về chủng loại đối với cây trồng vụ đông, nhất là nhóm rau màu ôn đới. Toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo trồng đạt 46.000 ha trở lên, trong đó cây ngô 15.000 ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 72.000 tấn; khoai lang 2.700 ha, năng suất 77 tạ/ha, sản lượng 20.790 tấn; cây lạc 1.500 ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 3.150 tấn; rau đậu các loại và diện tích còn lại là các loại cây trồng khác. Tổng giá trị sản xuất vụ đông phấn đấu đạt 3.404 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 74 triệu đồng/ha gieo trồng (tăng 1,4 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2021-2022).

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo người dân tổ chức thu hoạch nhanh, gọn diện tích lúa và cây trồng vụ mùa khi đến thời điểm chín để đảm bảo năng suất và sản lượng, đồng thời tạo quỹ đất để gieo trồng cây màu vụ đông trong khung thời vụ.

Đối với cây lúa, khi đã chín trên 80% tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi huy động máy, nhân lực tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để giải phóng đất gieo trồng cây vụ đông. Đồng thời, kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất vụ đông, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, sản xuất theo hợp đồng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tính đến ngày 27/9, tổng diện tích gieo trồng vụ đông toàn tỉnh đạt 14.935,4/46.000 ha, đạt 32,5% kế hoạch. Nhiều huyện đã triển khai gieo trồng được diện tích khá, như Yên Định, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc...

Ông Vũ Quang Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Qua kiểm tra thực tế, các địa phương thu hoạch cây trồng vụ mùa đến đâu, tiến hành vệ sinh đồng ruộng (dọn cỏ dại, cắt rơm rạ, nhổ bỏ gốc cây) và giải phóng đất ngay đến đó. Áp dụng nhiều hình thức làm đất khác nhau đối với mỗi loại cây trồng, như làm đất ướt đặt bầu ngô, làm đất tối thiểu gieo ngô, đậu tương, làm đất thành luống trồng rau màu các loại. Đối với diện tích đất bãi do bị bồi đắp phù sa sau mưa lũ, cần khẩn trương khơi thông, tiêu thoát nước nhanh và xử lý vôi bột để đảm bảo gieo trồng cây vụ đông kịp thời vụ, an toàn.

Để triển khai sản xuất vụ đông đạt kết quả cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa cũng khuyến cáo người dân hạn chế việc gieo hạt trực tiếp trên ruộng trong những ngày mưa lớn. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật gieo hạt giống trong vườn ươm, khi điều kiện thời tiết đảm bảo mới đưa ra ruộng trồng. Đối với nhóm cây ưa ấm, gieo trồng vụ đông sớm, thời vụ gieo trồng kết thúc trước 10/10, với nhóm cây ưa lạnh gieo trồng sau 10/10, cây khoai tây trồng từ 20/10-15/11... Các địa phương tiếp tục rà soát quỹ đất trồng cây vụ đông, lựa chọn các cây trồng đang còn thời vụ, có thị trường tiêu thụ tốt, sẵn sàng chuyển đổi sang các cây trồng khác nếu điều kiện thời tiết không cho phép.

Tiếp tục liên hệ với các doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân tùy điều kiện của từng địa phương. Đôn đốc các HTX, các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các hợp đồng liên kết và bao tiêu sản phẩm đã ký kết. Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng kịp thời, hiệu quả trên cây màu vụ đông. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất vụ đông nhằm hỗ trợ nguồn lực đầu vụ cho nông dân, động viên khuyến khích phong trào sản xuất vụ đông theo đúng định hướng của ngành.

Bắc Ninh: Tất bật cho mùa hoa Tết

Còn khoảng 4 tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão là thời điểm cung cấp số lượng hoa, cây cảnh lớn nhất ra thị trường, nông dân đang bước vào giai đoạn quan trọng về tạo thế, tạo mã cho cây. Sau nhiều năm thấp thỏm vì dịch bệnh, các nhà vườn đều mong ngóng thời tiết thuận lợi, thị trường hoa Tết khởi sắc để có được khoản thu nhập cao nhất trong năm.

Ngoài một số loại lan hồ điệp, nhà vườn Hà Linh nhập thêm giống lan rừng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng từ nay đến Tết.

Những ngày này, nhà vườn Hà Linh (Việt Đoàn, Tiên Du) đang tập trung kích ngồng cho ra hoa. Chủ vườn - chị Bùi Thị Hà Linh cho biết: “Năm nay, chúng tôi chuẩn bị khoảng 2,5 vạn đến 3 vạn gốc lan hồ điệp, số lượng tương đương như mọi năm. Tuy nhiên, thời tiết nắng mưa xen kẽ thất thường khiến thời gian kích ngồng thường xuyên bị gián đoạn, nhà vườn phải bám sát thời tiết, tích cực điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm trong nhà kính, cung cấp dinh dưỡng để kích ngồng hoa, đến nay, 80% ngồng đã trổ như ý”. Về chủng loại, nắm bắt thị hiếu khách hàng từ vụ Tết năm ngoái, nhà vườn vẫn duy trì giống lan hồ điệp với các màu vàng, đỏ, trắng, hồng, xanh bơ… tuy nhiên, tăng cường chăm bón để cho thân cây khỏe, bông to, thời gian tươi lâu. Ngoài ra, có một số giống lan rừng bông nhỏ nhưng độc đáo cũng được nhập về để phục vụ khách chơi thường xuyên và chăm cho dịp Tết. Thời điểm này, chị Linh tích cực cập nhật hình ảnh các giai đoạn sinh trưởng của cây, các giống cây, hoa… lên Facebook, Zalo để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Dự kiến, khoảng 15-11 âm lịch, nhà vườn sẽ tiến hành chuyển hoa lên chậu cho khách đặt mua và đón khách tham quan, thưởng lãm tại vườn.

Trong khi đó, cơ sở chuyên sản xuất hoa, cây cảnh của anh Lê Văn Đạt - một mô hình vừa mới triển khai được 2 năm trên đất Nguyệt Đức (Thuận Thành) đang đón nhận những thành quả đầu tiên. Bước sang năm 2022 này, trang trại bắt đầu cho khai thác, giá trị mang lại gấp nhiều lần so với cấy lúa. Nhà vườn trồng gần 20 loại hoa, cây cảnh như hải đường, trà, nhài Nhật, mộc hương, trúc, mai xanh…, trong đó, trà và hải đường là 2 giống chủ đạo. Cách đây hơn 1 tháng, anh đã đánh gốc lên chậu với số lượng 4.000 chậu hoa hải đường, 2.000 chậu hoa trà để chăm sóc tích cực phục vụ thị trường Tết. Hiện các loại hoa đang đơm nụ, kịp cho các khách buôn đến lấy hàng chuyển đi bán lẻ từ giữa tháng 10 tới đầu tháng 11 âm lịch. “Nhu cầu chơi cây, hoa cảnh hiện nay rất lớn. Quanh năm chúng tôi đều có khách đến mua, tuy nhiên, ai cũng biết Tết là vụ quan trọng nhất trong năm và phải dồn sức chuẩn bị. Chúng tôi thuê thêm nhân công làm các khâu đánh gốc, đưa vào chậu, xới đất xung quanh mép chậu để bón phân cho cây, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng tốt nhất. Sau khi cây ra nụ, còn phải thường xuyên tưới nước kết hợp bón thúc để hoa đạt được độ nở ưng ý”.

Trong khi đó, đối với các vùng trồng đào, nhà vườn đang tiến hành biện pháp khoanh vỏ nhằm hạn chế sự sinh trưởng của cây, bắt cây chuyển sang giai đoạn ra hoa. Các vùng trồng hoa ngắn ngày như lay ơn, thược dược, cúc… nông dân đang chuẩn bị giống để sau khi thu hoạch vụ đông xong sẽ xuống giống cho kịp vụ hoa Tết.

Toàn tỉnh có 9 vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với tổng diện tích trên 180 ha, chủ yếu tại Từ Sơn, Tiên Du, Thuận Thành, thành phố Bắc Ninh. Những năm qua, các vùng chuyên canh tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các tiến bộ về giống, hạ tầng, công nghệ thâm canh mới, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao… Tuy nhiên, trải qua thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhà vườn gặp khó về vốn để mua vật tư, con giống, các thiết bị đầu tư cơ sở...  Trong khi, dự báo nhu cầu chơi và biếu tặng dịp Tết Quý Mão tăng cao do dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nên nhiều nhà vườn mong muốn được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất; các dây chuyền thiết bị tiên tiến, liên hoàn từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản. Đồng thời đầu tư xúc tiến thương mại, hình thành thị trường giao dịch, bán buôn hoa, cây cảnh, gắn với các siêu thị vật tư nông nghiệp và sản phẩm chuyên nông nghiệp. Để cùng với sự suôn sẻ của diễn biến thời tiết, hoa nở đúng độ và người người trồng hoa có vụ mùa ấm no đón Tết.

Hà Nội: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản: Kết nối hợp tác liên tỉnh

Thủ đô Hà Nội là một trong hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và là thị trường tiêu thụ hàng hóa với mạng lưới phân phối đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô và liên kết, hợp tác với các tỉnh không những giúp thành phố đáp ứng nguồn cung lương thực, thực phẩm cho hơn 10 triệu dân mà còn khẳng định vai trò “đầu tàu” trong mở rộng, phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ một cách bền vững.

Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Thanh Hà (huyện Thường Tín) xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Quang

Tại huyện Ứng Hòa, Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn kết ở xã Phương Tú đã xây dựng thành công chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm gạo Khu Cháy. Hợp tác xã này liên kết với các hợp tác xã trong và ngoài huyện tổ chức sản xuất trên quy mô gần 300ha lúa Japonica; liên kết với Công ty TNHH Châu Anh xây dựng, quản lý gần 20 cửa hàng bán lẻ lúa gạo tại Hà Nội và phân phối tới đại lý lúa gạo tại các tỉnh, như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ… Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy thông tin, trung bình mỗi vụ, hợp tác xã tiêu thụ khoảng 3.000 tấn thóc và 1.000 tấn gạo Japonica trên địa bàn huyện với giá thành ổn định nên nông dân rất phấn khởi.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Chí thông tin, đến nay, thành phố đã xây dựng và duy trì được 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; trong đó, 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các chuỗi có sản phẩm đa dạng, được kiểm soát chặt chẽ và phân phối tới hơn 110 siêu thị, hơn 1.400 cửa hàng kinh doanh tổng hợp, 300 cơ sở chuyên kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố. Qua đó giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, doanh nghiệp...

Theo đánh giá của Sở NN& PTNT Hà Nội, hiện nay, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30-65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn. Cụ thể: Với sản phẩm gạo, Hà Nội mới đáp ứng được 65,6%; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%... Lượng hàng hóa còn thiếu được kết nối, khai thác từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nông sản, thực phẩm, những năm qua, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và Chương trình phối hợp về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021-2025, trong đó trọng tâm là các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng. Từ việc triển khai chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố, Hà Nội và các tỉnh, thành phố liên kết đã xây dựng được 786 chuỗi (chiếm 48% tổng số chuỗi trên cả nước) với 670 điểm bán hàng. Hiện, các chuỗi này đang được vận hành hiệu quả, bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở NN& PTNT đã tham mưu thành phố tổ chức cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bảo đảm chất lượng với các địa phương trong cả nước; đồng thời nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp thông qua các khâu chế biến, lưu thông, kênh phân phối...

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố tổ chức nhiều hoạt động kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố, giúp người dân Thủ đô tiếp cận với nhiều đặc sản vùng miền, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tổng hợp đầu mối sản phẩm nông nghiệp từ các nơi đăng ký chuyển về Hà Nội phục vụ khai thác hàng hóa hiệu quả và bảo đảm nguồn cung cho Thủ đô...

Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT còn tăng cường hoạt động hợp tác với các tỉnh, thành phố, như: “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” với các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La; ký kết thỏa thuận phối hợp với 24 tỉnh, thành phố (từ Nghệ An trở ra) hợp tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp với 28 tỉnh, thành phố triển khai hoạt động đánh giá, chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, thành phố cũng phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong công tác quản lý, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm, quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại Hà Nội và từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ...

Thời gian tới, thành phố tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với các tỉnh, thành phố, từng bước cụ thể hóa chủ trương “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội” nhằm bảo đảm nguồn cung nông sản thực phẩm cho người dân Thủ đô và khẳng định vai trò “đầu tàu” của cả nước trong xây dựng mô hình liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản./.

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top