Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 22 tháng 6 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 6 năm 2024 | 21:18

Thanh Hoá công nhận thêm 7 nghề, làng nghề truyền thống

Ngày 6/6, Hội đồng xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức hội nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Theo đó, Hội đồng đã xét công nhận 7 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Trong đó, 1 nghề truyền thống, 2 làng nghề, 4 làng nghề truyền thống của các huyện Nông Cống, Thọ Xuân, Nga Sơn, TP. Thanh Hóa.

Hội nghị xét công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống tỉnh Thanh Hoá năm 2024.

Kết quả 100% phiếu đồng ý công nhận đối với nghề truyền thống chế tác đá mỹ nghệ làng Nhồi, phường An Hưng (TP. Thanh Hóa); làng nghề sản xuất miến dong làng Vạn Thành, xã Thăng Long (Nông Cống); làng nghề sản xuất, kinh doanh sinh vật cảnh thôn 3, xã Nga Liên (Nga Sơn); làng nghề làm nón lá truyền thống tại các thôn 1, 2, 5, 6, xã Thọ Lộc (Thọ Xuân).

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá ghi nhận, biểu dương Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương đã rà soát, đánh giá sát sao, lập hồ sơ đề xuất công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT và các làng nghề, làng nghề truyền thống tiếp thu ý kiến tại hội nghị để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2024.

Phó Chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để khuyến khích phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn.

Làng nghề mây tre đan huyện Nông Cống (Thanh Hoá) giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Được biết, đến năm 2023, UBND tỉnh Thanh Hóa đã Quyết định công nhận được 116 nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống cho 14 địa phương. Trong đó, có 30 nghề truyền thống, 29 làng nghề và 57 làng nghề truyền thống. Toàn tỉnh Thanh Hóa có 8.002 cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề, bao gồm 19 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã, 24 tổ hợp tác và trên 7.951 hộ gia đình.

Hiện nay, có 18 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề tại các huyện như: Chiếu cói (Nga Sơn, Quảng Xương); bánh gai Lâm Thắm, bánh lá răng bừa Xuân Lập, miến gạo Phú Xuân, nón lá Ngọc Thơm (Thọ Xuân); đồ đồng Thiệu Trung, bánh đa Tân Châu (Thiệu Hóa); dao rèn Tiến Lộc (Hậu Lộc); miến gạo Thăng Long, hương bài Vạn Thắng (Nông Cống); chè lam phủ Quảng (Vĩnh Lộc); tương bần làng Ái (Yên Định)…

Có thể thấy, việc công nhận nghề, làng nghề và làng nghề truyền thống đã góp phần khôi phục và phát triển được nhiều nghề truyền thống ở Thanh Hoá. Qua đó, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân.

 

Lê Thức
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top