Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 8 tháng 9 năm 2023 | 9:57

Thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới (Bài 2): Động lực, tầm nhìn mới

Kết quả đạt được trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cho thấy quyết tâm cao, khát vọng lớn của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, để có thể sải những bước đi dài và vững chắc thì vẫn còn nhiều việc phải làm.

>> Bài 1: “Quả ngọt” trong gian khó

Tăng tốc chặng nước rút

Những ngày này, không khí thi đua hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao đang diễn ra sôi nổi trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, nhằm sớm đáp ứng yêu cầu có ít nhất 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 312/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra tiến độ XDNTM ở Hương Khê.

Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà là 3 huyện được tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn XDNTM nâng cao, hiện đang dồn sức thực hiện các tiêu chí.

Tại huyện Đức Thọ, trong 2 năm 2021 và 2022, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề và nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí NTM. Đặc biệt, hằng năm, huyện thành lập các tổ công tác chuyên môn trực tiếp về chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ tại các xã, từ đó tạo điểm tựa cho địa phương tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí cấp xã.

Ông Bùi Anh Sơn, Chủ tịch UBND xã Yên Hồ (Đức Thọ), cho biết: “Chúng tôi lựa chọn giáo dục là lĩnh vực nổi trội và huy động được hàng chục tỷ đồng để xây dựng các hạng mục, công trình. Đến nay, xã có 3 trường học đều đạt chuẩn mức độ 1, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Riêng trường tiểu học đang xây dựng trường học hạnh phúc. Hiện nay, toàn xã đã có kết cấu hạ tầng khang trang, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; 6/6 thôn kiểu mẫu. Yên Hồ đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu”.

Đức Thọ hiện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến năm 2024, địa phương có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 4-5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang bám sát bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch thực hiện, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đúng kế hoạch đề ra.

Trong khí thế hào hứng khi hình hài huyện NTM đang dần hình thành, những ngày này, Kỳ Anh đang “rốt ráo” hoàn thiện những chỉ tiêu, phần việc còn lại để xây dựng hồ sơ, trình thẩm định huyện đạt chuẩn NTM vào tháng 10/2023.

Là huyện khó khăn nên hành trình xây dựng NTM ở địa phương còn nhiều gian nan, khối lượng công việc lớn và nhiều tiêu chí đòi hỏi nguồn lực, sự đầu tư vào chiều sâu. Đơn cử, tiêu chí môi trường có đến 8 bộ chỉ tiêu - là tiêu chí khó không riêng với Kỳ Anh mà với hầu hết các huyện trong tỉnh Hà Tĩnh. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Kỳ Anh từng bước gỡ khó với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó, việc phân loại triệt để rác thải sinh hoạt đã trở thành một điểm sáng trong toàn tỉnh. Không chỉ phân loại tại nguồn, Kỳ Anh còn tổ chức thu gom riêng 2 loại rác hữu cơ và vô cơ với 2 xe chuyên dụng, từ đó giúp người dân có trách nhiệm hơn trong bảo vệ môi trường. Đánh giá các tiêu chí huyện NTM, Kỳ Anh hiện có 4/9 tiêu chí (27/36 chỉ tiêu) cơ bản đạt, các chỉ tiêu còn lại đã tiệm cận chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Theo chuẩn mới, nhiều tiêu chí cần phải củng cố, nâng cao, bổ sung như: tiêu chí môi trường có yêu cầu cao hơn; có thêm các tiêu chí chất lượng sống, truy xuất nguồn gốc… Hiện nay, các xã, huyện ở Hà Tĩnh đã tổ chức rà soát, nâng cấp các tiêu chí; nhiều địa phương từng bước chuyển sang XDNTM nâng cao, kiểu mẫu để đảm bảo tính liên tục, bền vững và có chiều sâu”.

Không khí thi đua hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao đang diễn ra sôi nổi trên toàn tỉnh Hà Tĩnh.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX đặt ra mục tiêu: Đến năm 2025, Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM. Đó cũng là hành trình phấn đấu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Thời gian còn lại của nửa nhiệm kỳ, Hà Tĩnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội, người dân cùng chung sức, đồng lòng XDNTM đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Mặc dù quá trình thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh NTM còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, tỉnh luôn quán triệt quan điểm xuyên suốt: XDNTM, đô thị văn minh là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị, cần có sự vào cuộc chủ động, tích cực của người dân và huy động được các nguồn lực của xã hội. Theo lộ trình đã được xác định: Trong năm 2023, phấn đấu 4 xã còn lại của huyện Hương Khê đạt chuẩn NTM, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 100%; tất cả các xã tập trung củng cố, cập nhật theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025; tập trung cao XDNTM nâng cao, NTM kiểu mẫu để đảm bảo tính liên tục, bền vững và có chiều sâu; Kỳ Anh, Lộc Hà phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM, thị xã Kỳ Anh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Trong năm 2024, Hương Khê phấn đấu đạt chuẩn NTM, thị xã Hồng Lĩnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, các huyện: Nghi Xuân, Thạch Hà, Can Lộc đạt chuẩn NTM nâng cao; tất cả các huyện, thành phố, thị xã tập trung củng cố, cập nhật theo yêu cầu Bộ tiêu chí giai đoạn 2022-2025; 100% phường, thị trấn thuộc huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn đô thị văn minh. Phấn đấu đến năm 2024, được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM làm tiền đề tổng kết đánh giá các chỉ tiêu, tiêu chí Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Năm 2025, tiếp tục tập trung chỉ đạo, hoàn thiện các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM theo đề án thí điểm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân, Hà Tĩnh luôn hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường sống trong lành, xanh - sạch - đẹp tại các vùng quê NTM.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh, khối lượng công việc hiện còn rất lớn, các địa phương, đơn vị phải thay đổi tư duy, cách làm, sáng tạo trong giai đoạn mới; sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để XDNTM đi vào chiều sâu, thực chất; tập trung hoàn thiện các tiêu chí cấp tỉnh; đầu tư hạ tầng thiết yếu; ưu tiên cao thực hiện các tiêu chí thiết thực với cuộc sống của người dân; sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách các cấp; đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực. Các sở, ngành kết nối với các bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ nguồn lực, hướng dẫn địa phương trong quá trình thực hiện, đến cuối năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn; phấn đấu đến năm 2024, toàn bộ 13/13 huyện, thị, thành đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Điều quan trọng là, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân phải luôn xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, từ đó đồng sức, đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm cao; lấy mục tiêu XDNTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững làm yếu tố cốt lõi trong suốt quá trình thực hiện; ưu tiên nguồn thu từ công nghiệp hỗ trợ, kích hoạt phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top