Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 25 tháng 12 năm 2022 | 11:52

Thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 ở Quảng Ngãi: Khó khăn và giải pháp

Đến nay, Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 huyện đạt chuẩn NTM.

Hơn 10 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, Chương trình mục MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ giúp hạ tầng nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, mà còn góp phần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi đã nhận diện khó khăn và đề ra giải pháp để hóa giải.

Nỗ lực

Đến nay, Quảng Ngãi có 93/148 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và 2 huyện đạt chuẩn NTM. Bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; 63 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, thật sự lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh. Các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch phát triển theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống dân cư.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền kiểm tra những sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.

Sau hơn 2 năm triển khai, Quảng Ngãi có 61 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 57 sản phẩm đạt 3 sao và 4 sản phẩm đạt 4 sao. Đã xây dựng 9 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (Nhà nước hỗ trợ 6 điểm; xã hội hóa 100%: 3 điểm).

Quảng Ngãi đã thông qua Nghị quyết Ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn vốn và mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện các nội dung Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và một số chương trình, dự án khác.

Theo đó, đến năm 2025, Quảng Ngãi sẽ có 7/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (tương đương khoảng 53,8%, Trung ương giao 35%); trong đó, ít nhất 01 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 120/148 xã đạt chuẩn NTM (tương đương khoảng 81%, Trung ương giao 80%); 53/120 số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương đương 44,2%, Trung ương giao 40%); 8/53 xã đạt NTM kiểu mẫu (tương đương 15,1%, Trung ương giao 10%); bình quân số tiêu chí/xã 18,25 tiêu chí; không còn xã dưới 5 tiêu chí; 138/229 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực miền núi được công nhận thôn đạt chuẩn NTM theo Bộ tiêu chí do UBND tỉnh quy định (tương đương 62%; Trung ương giao 60%).

Đối với Chương trình OCOP, đến năm 2025, có 200 sản phẩm OCOP mới đạt 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 3 - 5 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao; duy trì 100% sản phẩm OCOP đã đạt từ 3 sao trở lên giai đoạn 2018 - 2020, nâng hạng khoảng 15% sản phẩm đạt 4 sao trở lên; phấn đấu 10% chủ thể OCOP có sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên thực hiện mô hình theo chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Khó khăn, thách thức

Để Quảng Ngãi đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, kế hoạch ban hành cho giai đoạn 2021-2025, nhưng thời gian để thực hiện kế hoạch chỉ khoảng 3 năm.

Thứ hai, trong các xã đạt chuẩn NTM đến năm 2025, phần lớn thuộc diện đặc biệt khó khăn (24 xã) của Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 và hầu hết đạt dưới 15 tiêu chí (28 xã).

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã thay đổi đáng kể.

 

Thứ ba, hệ thống văn bản pháp lý vẫn chưa hoàn thiện ở một số nội dung: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chưa quy định, công bố chỉ tiêu cụ thể về tiêu chí số 11 (nghèo đa chiều) thuộc Bộ tiêu chí xã NTM và xã NTM nâng cao.

Một số chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí khó thực hiện do chưa phù hợp với tình hình thực tế cũng như phong tục, tập quán của địa phương như: Quảng Ngãi chưa có nhà hỏa táng nên không thể đạt chỉ tiêu 17.10 về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng ở bộ tiêu chí xã NTM nâng cao; thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực miền núi là 36 triệu đồng (năm 2021) lên 48 triệu đồng (năm 2025); khu vực đồng bằng từ 41 triệu (năm 2021) lên 53 triệu (năm 2025); có bổ sung một số tiêu chí và yêu cầu tiêu chí cũng cao hơn so với giai đoạn 2016-2020: Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi dưới 24% (giai đoạn 2016-2020 dưới 31,4%), tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử trên 95%… Trong khi đó, giai đoạn 2021- 2025, ngân sách Nhà nước dành cho Chương trình rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

Giải pháp

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhất là tập trung đầu tư, hỗ trợ cho các xã ở miền núi về đích NTM, BCĐ các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Ngãi đề ra một số giải pháp:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức cho cán bộ các cấp và người dân về mục tiêu, ý nghĩa Chương trình: Xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đem lại sự hài lòng cho người dân nông thôn, do đó, cần có sự đồng tình hưởng ứng, tham gia của mỗi người dân.

Hai là, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ Chương trình trực tiếp theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương đạt chuẩn theo kế hoạch, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất BCĐ, UBND tỉnh có giải pháp chỉ đạo phù hợp nhằm hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. 

Ba là, ngoài nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp từ Chương trình, cần tăng cường huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình dự án khác thực hiện trên địa bàn theo nguyên tắc: Ưu tiên huy động, khai thác tối đa nguồn lực trực tiếp tại địa phương, các nguồn vốn hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, nguồn huy động của cộng đồng, cá nhân để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương theo kế hoạch đạt chuẩn.

Bốn là, tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã, kinh tế hợp tác để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần phát triển nông thôn theo hướng bền vững.

Năm là, nâng cao chất lượng công tác quản lý để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tăng cường kiểm tra đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư Chương trình, tránh để mất vốn, kiên quyết không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Sáu là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong xây dựng NTM, đặc biệt là ở cấp cơ sở, cấp trực tiếp tổ chức thực hiện. Các sở ngành, địa phương cần nhận thức xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị, kết quả thực hiện xây dựng NTM là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và mỗi cá nhân.

Bảy là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách giảm nghèo đa chiều, nhất là ở các huyện miền núi. Làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức, khắc phục căn bản tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo; xem đây là giải pháp căn cơ cho người dân thoát nghèo bền vững. Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng lực sản xuất cho người dân. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ tín dụng chính sách xã hội, thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

Nguyễn Thanh Hiên
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top