Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 21 tháng 6 năm 2023 | 10:2

Tích hợp đa giá trị từ phát triển du lịch nông nghiệp

Bắc Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp. Những năm qua, bên cạnh việc duy trì cải thiện năng suất, sản lượng, các địa phương, hợp tác xã, trang trại ngày càng quan tâm hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng tích hợp đa giá trị.

Cách làm từ Lục Ngạn

Sở hữu hàng trăm gốc vải thiều ra quả từ thân được sản xuất theo quy trình GlobalGAP đang bước vào giai đoạn thu hoạch, vườn vải thiều của gia đình ông Trần Văn Hành (thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn) nườm nượp khách tham quan từ khi cây đang cho hoa. Từ giữa tháng 3/2023, ông Hành đã liên kết với doanh nghiệp du lịch tổ chức lễ khai trương tour du lịch đón khách từ Hà Nội về tham quan, trải nghiệm. Riêng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 vừa qua, gia đình đón khoảng 500 khách đến trải nghiệm miễn phí.

Ông Trần Văn Hành (bên trái) trao đổi kinh nghiệm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP với Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang Đào Xuân Vịnh.

Ông Hành chia sẻ, hiện gia đình đang xây dựng các nhà chòi phục vụ du khách ngồi uống trà và thưởng thức hoa quả, trái ngọt theo mùa. Đến đây, du khách có thể giao lưu văn hóa, văn nghệ và nghỉ lại qua đêm nếu có nhu cầu. Không dừng lại ở đó, tại đây còn có điểm trưng bày, bán mật ong, giấm vải… để khách có thể mua làm quà biếu.

Nếu du khách đến vào mùa vải ra hoa, sẽ được cắm trại tại thung lũng hoa vải tuyệt đẹp và trải nghiệm công đoạn quay mật ong hoa vải. Vụ hoa năm nay, ông Hành thu được gần 10 tấn mật ong, phía doanh nghiệp đã thu mua, tiêu thụ thuận lợi.

Đặc biệt, bán vải thiều nguyên cây là hình thức bán hàng mới được gia đình ông Hành áp dụng, thu hút khách du lịch đến vườn để gia tăng giá trị cây vải. Mùa vải 2023, gia đình ông Hành đã bán được 10 cây vải thiều, với giá 10-10,5 triệu đồng/cây. Khi giao dịch xong, dưới gốc cây đều được cắm biển tên khách hàng. Tất cả các cây vải thiều đều ra quả từ trong thân nên du khách vô cùng thích thú.

Vườn cam ngọt được ghép trên thân bưởi diễn.

HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn (xã Giáp Sơn) có 10 thành viên, tổng diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 12ha, sản lượng ước đạt trên 20 tấn quả/ha. Còn làm du lịch cộng đồng, do HTX mới đầu tư gần đây nên hoàn toàn miễn phí cho du khách. Dịp lễ Tết vừa qua, HTX đã đón hàng trăm khách từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…đến tham quan, trải nghiệm.

Mùa vải thiều năm nay, huyện Lục Ngạn lựa chọn các HTX du lịch tiêu biểu tham gia kết nối tổ chức các hoạt động để hút khách, gồm các điểm du lịch như: Bầu Tiên, thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn; thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải…Bên cạnh đó, các HTX đều xây dựng tour đến tham quan một số điểm trên địa bàn như: chùa Am Vãi, hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, làng nghề mỳ Chũ…Đây cũng là những điểm du lịch hấp dẫn nhiều du khách.

Tích hợp đa giá trị

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, tỉnh Bắc Giang ban hành Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2022-2030. Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ hỗ trợ 35 điểm thuộc các mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; ưu tiên xây dựng 2 mô hình du lịch cộng đồng thí điểm để nhân rộng trong đó có điểm du lịch sinh thái Đồng Dao - hồ Bầu Lầy.

Cây vải gia đình ông Ngô Văn Đông mua với giá 10 triệu đồng.

Đến với điểm tham quan trải nghiệm điểm du lịch sinh thái Đồng Dao (thôn Đồng Dao, xã Quý Sơn), du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Với diện tích 21ha cây ăn quả gồm vải thiều, cam ngọt, bưởi, tổng sản lượng đạt 200 tấn mỗi năm, toàn bộ không gian được bao bọc bởi hồ Bầu Lầy rộng 80ha.

Anh Hoàng Văn Hiệp, Giám đốc HTX Du lịch Đồng Dao cho biết, HTX đang từng bước đa dạng các loại cây trồng để du khách đến đây mùa nào cũng có hoa thơm, trái ngọt. Giai đoạn đầu, HTX quy hoạch từng khu riêng biệt như vùng sản xuất vải thiều xuất sang Nhật; khu hồ sen, ao cá; khu nuôi động dật hoang dã…; khu nhà sàn đón tiếp khách, bếp ăn, nhà lưu trú. Mặc dù các công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng vào dịp lễ, Tết, 30/4 và 01/5 vừa qua, HTX đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa thăm mô hình sản xuất vải thiều kết hợp du lịch của HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn.

Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan đề nghị địa phương, doanh nghiệp lữ hành và người dân quan tâm hơn nữa đến các quy trình sản xuất vải thiều đạt chất lượng cao; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ làm du lịch. Cùng với đó, tạo ra các sản phẩm du lịch, đồ lưu niệm, hàng hóa phù hợp, nhỏ gọn, dễ vận chuyển để cung cấp cho du khách.

Bộ trưởng khẳng định, làm du lịch miệt vườn giúp thay đổi tư duy làm nông nghiệp của nông dân, mang sự năng động, văn minh của đô thị về với làng quê và ngược lại sẽ giúp du khách được trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên, tạo ra nhiều cảm xúc, trải nghiệm ý nghĩa. Tỉnh Bắc Giang tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mùa vải thiều, góp phần quảng bá và phát huy tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh.

Ông cho rằng, phát triển du lịch NTM, du lịch nông nghiệp, du lịch vườn là cách đưa chợ về vườn thay vì phải mang sản phẩm ra chợ.

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang biểu dương cách làm sáng tạo, nhiều nét mới của doanh nghiệp lữ hành cũng như HTX Sản xuất nông nghiệp và Thương mại du lịch sinh thái Giáp Sơn. Đồng thời cho biết, Bắc Giang sẽ có những tổng kết đánh giá mô hình và hỗ trợ giúp các địa phương nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình kết hợp sản xuất vải thiều với du lịch.

Theo anh Hiệp, đất Lục Ngạn đẹp, có hoa trái quanh năm nên ý tưởng có mô hình trang trại giáo dục được HTX đầu tư để thu hút đối tượng du khách là học sinh, sinh viên, nhóm gia đình… Hiện, HTX đang làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng.

Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Giang, cho biết, để khuyến khích các địa phương hướng đến nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp.

Mục đích nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và toàn thể nhân dân về phát triển du lịch nông thôn, sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Gắn phát triển du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản địa, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm OCOP đặc sản của địa phương thông qua việc định hướng cho người dân tổ chức lại sản xuất sản phẩm nông sản…

Trên cơ sở đó tập trung xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổ chức sản xuất gắn với lựa chọn giống cây trồng phù hợp với điều kiện sống của từng địa phương phát triển thành sản phẩm đặc trưng. Trong đó, tiếp tục thực hiện cấp mã số mới cho 70 vùng trồng cây ăn quả (vải thiều 45 vùng, nhãn 5 vùng, cam bưởi 20 vùng), số hóa 80 vùng trồng (vải thiều 55 vùng, nhãn 5 vùng, cam bưởi 20 vùng). Và hình thành vùng nguyên liệu nông sản, đặc sản theo hướng sản xuất an toàn (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm, số hóa và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top