Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2023 | 10:19

Triển khai thực hiện Chương trình OCOP: Cách làm của Bắc Giang

Đến tháng 8/2023, Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận OCOP. Với số lượng này, Bắc Giang là một trong những tỉnh đứng trong top đầu toàn quốc về số lượng sản phẩm được chứng nhận.

Trong quá trình thực hiện, nhiều bài học đã được đúc kết.

Nhìn từ sản phẩm đặc trưng

Trong quá trình thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Bắc Giang đã có kinh nghiệm trong việc đánh giá, phân hạng sản phẩm thảo dược và sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.

Đến tháng 8/2023, tỉnh có 2 sản phẩm nhóm thảo dược là giải độc gan An Xoa và viên xương khớp Thanh Ngâm của HTX dược liệu Khánh Hoa đạt 3 sao. Với sản phẩm thảo dược là nhóm sản phẩm liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng, do đó, quá trình đánh giá, phân hạng, cần đặc biệt lưu ý đối với các tiêu chí nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn sử dụng, thông tin cảnh báo.

Các sản phẩm thảo dược trong quá trình đánh giá gặp nhiều khó khăn do tiêu chí quy định các chỉ tiêu cảm quan khó đánh giá như: hiệu quả sử dụng và tính an toàn, vì đây là những tiêu chí cần có các thử nghiệm, đánh giá lâm sàng trong thời gian dài và điều kiện công nhận phức tạp, dẫn đến các tiêu chí này cần được đánh giá linh hoạt dựa trên những minh chứng có sẵn của hồ sơ sản phẩm và căn cứ trên quan điểm của ngành chủ quản.

Sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven là điểm trải nghiệm lí tưởng cho nhiều du khách và học sinh trong và ngoài tỉnh.

Về sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch, Bắc Giang có 01 sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế) của HTX Thân Trường đạt 3 sao năm 2022. Đây là sản phẩm đặc thù,  thời gian hoàn thiện sản phẩm là khá dài, tỷ suất đầu tư lớn, nhiều tiêu chí đánh giá có tính minh chứng cao với hệ thống giấy phép, chứng chỉ đào tạo, điều kiện an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như tính liên kết khu vực, cộng đồng cao. Trong khi trước đây, các chủ thể phần lớn phát triển sản phẩm du lịch dưới dạng tự phát, đầu tư theo từng giai đoạn và thiếu những kế hoạch, chiến lược phát triển, do đó, các minh chứng này khi đánh giá phân hạng cần theo hướng mở, căn cứ kế hoạch sản xuất kinh doanh của chủ thể.

Sản phẩm du lịch là sản phẩm khó đánh giá, bởi chất lượng dựa trên đánh giá, bình chọn cảm quan của du khách đối với chất lượng dịch vụ, tiện nghi, hoạt động thu hút du khách, dịch vụ ăn uống, lưu trú,… Vì vậy, quá trình đánh giá chỉ tiêu này có thể căn cứ trên cảm quan của thành viên hội đồng đánh giá, phân hạng các cấp, thay vì thu thập minh chứng từ các trang đánh giá chuyên ngành về du lịch.

Chia sẻ từ địa phương

Yên Thế là huyện đầu tiên của Bắc Giang có sản phẩm OCOP 3 sao về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát biểu tại Hội thảo nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế đã chia sẻ về sản phẩm đặc trưng này.

Theo ông Sơn, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng địa phương để họ hiểu hơn về sự cần thiết, tác động tích cực, hiệu quả lâu dài của việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP. Từ đó, mỗi thành viên sẽ là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương.

Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và Chương trình OCOP, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Tăng cường gắn kết hơn nữa giữa doanh nghiệp làm du lịch và các chủ thể OCOP của địa phương để đưa du khách đến tìm hiểu quy trình sản xuất, sản phẩm đã được gắn sao OCOP, chia sẻ hài hòa lợi ích, tạo sự phát triển bền vững. Tổ chức xây dựng các điểm du lịch cộng đồng và dịch vụ du lịch cộng đồng đảm bảo tiêu chí để tạo một điểm đến chất lượng, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, từng bước chuyển hóa các sản phẩm của du lịch cộng đồng tham gia Chương trình OCOP.

Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tăng cường hướng dẫn chủ thể đầu tư khâu thuyết minh, giới thiệu đến du khách đậm nét, sinh động hơn về các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương được ẩn chứa trong từng sản phẩm OCOP; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, tôn vinh các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch, điểm dừng chân, tạo sự lan tỏa và khắc sâu ấn tượng trong du khách đến với địa phương về những sản vật, đặc sản và những trải nghiệm khó quên.

Việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP là cách làm đúng cần được tập trung nguồn lực thực hiện để góp phần bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó, giúp quảng bá hình ảnh về quê hương, con người một cách gần gũi và chân thật nhất, tạo môi trường thuận lợi để phát triển ngôn ngữ, kỹ năng giao tiếp, mở rộng kiến thức về các nền văn hóa khác nhau. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cộng đồng, tăng thêm giá trị kinh tế cho sản phẩm địa phương.

Giải pháp nâng cao chất lượng

Để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP, theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, cần tăng cường tuyên truyền thông qua các loại hình truyền thông để làm rõ mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP về phát huy nội lực.

Tổ chức các lớp tập huấn cho các chủ thể OCOP, chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… phù hợp với nhu cầu thị trường;  nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP. 

Đến tháng 8/2023, tỉnh Bắc Giang có 255 sản phẩm được công nhận OCOP.

Tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP hàng năm, trong đó rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để tập trung phát triển. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh để hỗ trợ các sản phẩm tham gia chương trình.

Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2024-2025, dự kiến trình HĐND tỉnh ban hành cuối năm 2023. Sau khi chính sách được ban hành, sẽ khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến sâu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thúc đẩy xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP 4 sao, 5 sao.

Cùng với đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

Khuyến khích các cơ quan, đơn vị sử dụng sản phẩm OCOP của tỉnh làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động giao lưu, đối ngoại. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top