Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương phối hợp với UBND xã Tam Hợp tổ chức hội thảo mô hình “Nuôi dê sinh sản chất lượng cao”.
Tham gia hội thảo có đại diện Sở NN & PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An,Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương, đại diện lãnh đạo các ban ngành chính quyền xã Tam hợp và 30 đại biểu là hộ nuôi dê trên địa bàn xã.
Sau 8 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng đàn dê sinh trưởng, phát triển tốt.
Từ nguồn kinh phí khuyến nông Nghệ An năm 2022, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương đã triển khai thực hiện mô hình “Nuôi dê sinh sản chất lượng cao” tại hai điểm bản Xốp Nậm và bản Văng Môn xã Tam Hợp quy mô 16 con dê cái bản địa và 2 con dê đực giống Bách Thảo. Sau 8 tháng chăm sóc, nuôi dưỡng đàn dê mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, tỉ lệ sống cao. Hiện tại, đàn dê đã có 8/16 con chửa đẻ được 12 dê con nâng tổng đàn từ 18 con lên 30 con. Trọng lượng dê sơ sinh đạt trên 1,6kg, dê con khỏe mạnh, tăng trọng nhanh hơn so giống dê cỏ bản địa.
Tại hội thảo, các hộ dân tham gia mô hình đều cho rằng việc nuôi dê sinh sản lai giữa giống dê cỏ bản địa và dê Bách Thảo cho con lai sinh ra vừa cải thiện đáng kể tầm vóc dê bản địa vừa có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, nguồn thức ăn cũng như phù hợp với trình độ nuôi thâm canh còn nhiều hạn chế của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, để mô hình nuôi dê sinh sản đạt được các mục tiêu đề ra thì các hộ dân thực hiện mô hình cần tuân thủ quy trình nuôi thâm canh đó là ngoài việc sử dụng thức ăn thô xanh hàng ngày cần bổ sung thêm vào khẩu phần thức ăn tinh như hạt các loại ngũ cốc (Ngô, lúa, sắn…) theo tỉ lệ khuyến cáo, bổ sung khoáng chất đầy đủ, công tác tiêm phòng, công tác thú y đảm bảo.
Thành công của mô hình tạo ra hướng xoá đói giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân vùng cao.
Phát biểu tại cuộc hội thảo Chủ Tịch UBND xã Tam Hợp, ông Lương Phi Thanh đánh giá cao những kết quả bước đầu đạt được đồng thời nhấn mạnh: Kết quả của mô hình ghi nhận ngày hôm nay có nghĩa rất tích cực trong vấn đề thay đổi thói quen người nông dân vùng cao từ chăn nuôi dê thả rông năng suất, hiệu quả kinh tế thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, môi trường sang phương thức nuôi nhốt thâm canh tăng năng suất, chất lượng, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, từ việc chăn nuôi phụ thuộc nguồn thức ăn tự nhiên sang chủ động nguồn thức ăn do mình trồng và chế biến. Thành công của mô hình tạo ra hướng sinh kế mới góp phần rất lớn vào công cuộc xoá đói giảm nghèo bền vững cho bà con nông dân vùng cao.