“Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu”, và yêu những người nông dân bao nhiêu, tôi càng yêu nghề báo bấy nhiêu.
Trong hành trình hơn 13 năm công tác trong ngành báo chí, tôi vinh dự luôn được đồng hành theo dõi lĩnh vực ngành Nông nghiệp, thấy mình như trưởng thành hơn và tình yêu với nông dân và nông thôn cứ lớn dần theo năm tháng. Tôi luôn tự hào là nhà báo của nhà nông.
Nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn
Với đặc thù là người làm báo tại Tạp chí Kinh tế nông thôn – Kênh thông tin đa chiều phản ánh sâu sát nhất những nội dung hoạt động của ngành Nông nghiệp và PTNT, Hội Làm vườn Việt Nam, cũng như những tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Bám sát tôn chỉ, mục đích, xuyên suốt hành trình làm báo với nỗi trăn trở của người nặng lòng với nông dân, với những gắn bó sâu sắc với ngành Nông nghiệp, Hội Làm vườn, tôi luôn đau đáu những đề tài xoay quanh những người nông dân, người làm vườn, các hợp tác xã, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, tuyên truyền về các sản phẩm OCOP, những mô hình nông thôn mới tiêu biểu, phản ánh những gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi…
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với những nhà báo nông nghiệp, nông thôn như chúng tôi.
Ở cương vị là biên tập viên, vừa tham gia viết bài và biên tập bài viết của phóng viên, cộng tác viên và đi công tác theo dõi các sự kiện hoạt động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, tìm hiểu các mô hình và nông dân khởi nghiệp sản xuất giỏi ở các địa phương, tôi luôn định hướng, tham vấn đề tài cho phóng viên tập trung xây dựng và bám các đề tài gắn với tôn chỉ, mục đích của Tạp chí Kinh tế nông thôn. Tập trung phản ánh những tâm tư nguyện vọng của người làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại, của nhà nông, nhà vườn với các cấp lãnh đạo, chính quyền. Luôn bám sát các sự kiện cũng như các hoạt động của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong những năm qua.
Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, có lẽ tình yêu với ruộng đồng, với những người nông dân chân chất mộc mạc như đã thấm vào máu tim. Hơn ai hết, những người làm báo lĩnh vực nông nghiệp như tôi luôn hướng ngòi bút phản ánh chân thực đời sống bà con nông dân và bám sát sự phát triển của ngành, mỗi tác phẩm không chỉ phục vụ bạn đọc mà còn mang cả tình yêu, trách nhiệm với nghề trong đó. Và tôi luôn tâm niệm, để có những tác phẩm mang “hơi thở cuộc sống”, chắc chắn đòi hỏi người làm báo phải có “Tâm”, không ngại khó khăn, sẵn sàng băng đồng lội ruộng…, luôn song hành cùng nông dân, vui cùng niềm vui được mùa và chia sẻ, động viên, tìm cách giúp họ khắc phục khi chẳng may bị thiên tai, địch họa, mất mùa, khó khăn trong tiêu thụ.
Trong những năm qua, tôi luôn đặt ngòi bút phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân, người làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại với các cấp lãnh đạo chính quyền. Là cầu nối giữa người làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại với Đảng, Nhà nước, các ngành, các doanh nghiệp phục vụ nông nghiệp. Bám sát các sự kiện của ngành Nông nghiệp và PTNT, kịp thời chuyển tải những nội dung thông tin thời sự về các chính sách phát triển của ngành, hướng đến một nền “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn đối với những nhà báo nông nghiệp như chúng tôi. Ở đó, tôi luôn thấy mình như được sống hòa cùng những câu chuyện khởi nghiệp, sản xuất của bà con, lan tỏa nhân rộng những mô hình hiệu quả, chia sẻ những khó khăn và gợi mở những giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, trù phú, hiện đại hơn… Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn là nguồn đề tài không bao giờ cũ, luôn được làm mới bằng chính những người nông dân chất phác, chăm chỉ, nhiều sáng tạo và không ngừng đổi mới, học hỏi.
Truyền thông mở những “con đường”
Vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, trước đây, chúng ta coi báo chí là công cụ tuyên truyền một chiều (từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài). Nhưng bây giờ, báo chí là kênh truyền dẫn thông tin hai chiều; kênh truyền dẫn thông tin từ cuộc sống để dẫn dắt sự điều chỉnh của các nhà lãnh đạo. Nếu kênh truyền dẫn đó bị tắc sẽ là bi kịch của nhà lãnh đạo, bởi họ không còn nghe được tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống.
“Gần đây, sứ mạng của báo chí tiếp tục được nâng cao hơn nữa. Báo chí không chỉ là công cụ tuyên truyền, không chỉ là kênh truyền dẫn thông tin mà đã trở thành truyền thông tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngòi bút của nhà báo, tâm huyết và trí tuệ của nhà báo có thể kích hoạt cả một xã hội, một giai tầng và thay đổi cả một mô thức để hình thành những hệ giá trị cao hơn.
Sự đồng hành, nhiệt huyết, đam mê, trách nhiệm trong tuyên truyền của đội ngũ báo chí có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của các chiến lược, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà các bộ, ngành, trung ương và địa phương đề ra”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, nhà báo khi đặt bút viết làm sao để khơi gợi, chuyển tải được năng lượng tích cực trong mỗi con người, bà con nông dân mình thấy rằng trong cái khó vẫn tìm thấy được con đường đi.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, khi các nhà báo tác nghiệp, đừng chỉ nhìn vào đám ruộng, bờ ao… mà hãy nhìn vào người nông dân, hãy so sánh người nông dân ở chỗ này ở chỗ khác. Lý giải tại sao có những người trong cùng một điều kiện như nhau nhưng có người lại giàu có lên, có người lại tụt hậu. Chúng ta cần đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi ấy. Khi người nông dân lo ngại trước khó khăn, thì tức là họ đang bị tảng đá đè lên chân.
Báo chí phải góp phần “khiêng” tảng đá ra khỏi bước chân người nông dân. Tất nhiên chúng ta không chỉ tô hồng, chúng ta vẫn phải phản ánh hiện thực khách quan nhưng cuối cùng vẫn phải mở một con đường tạo niềm tin xã hội.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh nhấn mạnh, báo chí phải mang tính dẫn dắt.
“Trong thời đại hiện nay, trong kỷ nguyên số, muốn đạt mục tiêu cao của đất nước, hướng tới một dấu mốc là nước phát triển thì báo chí phải làm nhiều hơn nữa, hơn là thuần tuý chỉ phản ánh những gì đang diễn ra. Báo chí phải mang tính dẫn dắt. Mỗi nhà báo, mỗi tờ báo, cả hệ thống báo chí cách mạng Việt Nam nói chung phải nghĩ đến kỹ năng, biện pháp hàng ngày, hàng giờ, của ngày hôm nay, của ngày mai, của năm tới để bồi dưỡng, nâng cao, tự hoàn thiện mình. Đó có thể là kỹ năng kể chuyện, kỹ năng báo chí, kỹ năng công nghệ còn thiếu để khát vọng dễ trở thành hiện thực”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho hay.
Tự hào là nhà báo của nhà nông
Nói đến báo chí, Bác Hồ từng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ Nhân dân, phục vụ cách mạng”. Muốn phục vụ Nhân dân, Người căn dặn, người làm báo phải gắn bó với Nhân dân. Trong bức thư gửi lớp đào tạo báo chí ở Trường Huỳnh Thúc Kháng, Bác chỉ ra rằng, muốn viết báo thì phải đến với Nhân dân, nếu “cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực”.
Và trên hành trình sự nghiệp của mình được Ban Biên tập tin tưởng, giao nhiệm vụ viết bài phản ánh về các lĩnh vực trên mặt trận nông nghiệp, gắn với mình sứ mệnh nhà báo của nhà nông, dù khó khăn vất vả, nhưng tôi luôn nỗ lực hết mình để sát cánh cùng nhà nông, nhà vườn, góp phần nhân lên những niềm vui từ những mùa vụ bội thu, chia sẻ vơi bớt những khó khăn cùng với bà con khi chẳng may gặp điều kiện không thuận lợi…
Để phác họa nên chân dung những người nông dân hạnh phúc, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, những nhà báo nhà nông như chúng tôi luôn mang trong tim mình tình yêu tha thiết, gắn bó với những con người chất phác giản dị, những miền quê yên bình, và gắn với đó là niềm khát khao cháy bỏng làm sao để “nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, “nông dân ta giàu thì nước ta giàu”. Những người làm báo lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi vẫn thường nói, nếu được chọn lại, vẫn muốn được là phóng viên viết về nông nghiệp. Và tôi luôn luôn tự hào khi được là nhà báo của nhà nông.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.