Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 3 tháng 12 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 18 tháng 2 năm 2023 | 10:16

Vị riềng trên đất Nam Hưng

Trên 70% dân số (gần 180 hộ) của xóm Phong Sơn (xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) gửi “niềm tin” vào từng khóm riềng để phát triển kinh tế. Mong mỏi lớn nhất của các hộ dân nơi đây là làm sao đầu ra cho củ riềng luôn ổn định.

Hiệu quả kinh tế cao

Về xã Nam Hưng những ngày này, cái lạnh Giêng  khẽ đưa từng khóm riềng rung rinh trong gió. Dọc Quốc lộ 15A, xóm Phong Sơn dần hiện ra với những bụi riềng tốt tươi. Chúng tôi tìm về nhà xóm trưởng, lân la tìm hiểu “vị riềng” và được dẫn tới thăm gia đình ông Trần Ngọc Hải, một trong những hộ có kinh nghiệm trồng riềng lâu năm tại đây.

Trước mắt chúng tôi là hình ảnh rôm rả trò chuyện với đôi tay thoắn thoắt ngồi cắt rễ riềng của bà con vùng Phong Sơn. Ngồi bệt xuống chiếc ghế gỗ nhỏ, ông Hải tâm sự với chúng tôi rất nhiều về loại cây làm nên “thương hiệu” của người dân vùng này.

Riềng được trồng thành từng bụi, khoảng cách đều nhau 60 - 70cm.

Ông nói, gia đình mình bén duyên với nghề trồng riềng từ hơn 20 năm trước. Đầu tiên, ông đi xin một vài khóm trồng thử xem thế nào, và không biết từ bao giờ, cây riềng “ăn dầm, nằm dề” với gia đình và gần 180 hộ dân trong xóm này.

Đa số người dân xóm Phong Sơn trồng riềng mỡ. Bởi lẽ, riềng mỡ không chỉ dễ trồng, cho năng suất cao, được giá mà còn mềm, dễ thái so với các  giống riềng khác. Riềng mỡ mà ông Hải trồng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình, còn là mô hình kinh tế tiêu biểu của xã Nam Hưng.

Với diện tích 2 sào (1 sào Trung Bộ = 500m2), không biết ở nơi khác thế nào, với kinh nghiệm  trồng riềng của gia đình ông Hải, thì tất cả các tháng trong năm đều có thể trồng được loại cây này.

Trước, riềng được trồng trên đất đồi, chất lượng thơm ngon nhưng năng suất thấp, được 1 - 2 năm là phải trồng lại. Nay đem về trồng trên đất màu, năng suất cao gấp rưỡi, chất lượng hơn và 3 năm vẫn chưa phải trồng lại nên bà con rất phấn khởi.

Các hộ trồng riềng nơi đây cho hay, đầu tư trồng 1ha riềng mất chừng 100 triệu đồng. Sau một năm, riềng cho thu hoạch lứa đầu. Nếu đầu tư tốt, mỗi năm thu được 3 đợt, năng suất bình quân đạt 60 - 70 tấn/ha/năm. Với giá riềng củ ổn định như hiện nay (8.000 đồng/kg), 1ha riềng có thể đem về cả trăm triệu đồng/năm. Đặc biệt, chăm bón tốt, có hộ đạt năng suất 5 tấn/sào/năm (100 tấn/ha/năm).

Toàn xã Nam Hưng trồng khoảng 25 ha riềng, tập trung tại các xóm Cao Sơn, Phong Sơn, Bình Long.

Tạo đầu ra ổn định

Để cây riềng đạt được năng suất cao nhất có thể, theo ông Hải, khi bắt đầu trồng cần chú ý trồng thành từng hàng, bụi, khoảng cách đều nhau 60 - 70cm, mỗi bụi trồng 3 - 4 ngó, và tùy vào chất đất để bón phân cho phù hợp. Nhưng phân chuồng vẫn là tốt nhất, bón phân chuồng càng nhiều đất càng tơi xốp đất, củ càng mau lớn, năng suất càng cao. Đến vụ thu hoạch phải để lại 3 - 4 ngó, tiếp tục chăm sóc, vun gốc, 3 - 4 tháng là được thu hoạch tiếp.

Riềng - loại cây làm nên thương hiệu của bà con nông dân xã Nam Hưng (huyện Nam Đàn, Nghệ An).

Theo ông, việc trồng, chăm bón và thu hoạch riềng không vất vả, nhưng tốn khá nhiều công đoạn. Với nghề này, chỉ cần sự tỉ mỉ, chịu khó sẽ cho thu nhập cao.

Hiện, toàn xã Nam Hưng trồng khoảng 25ha riềng, tập trung tại các xóm Cao Sơn, Phong Sơn, Bình Long. Nhờ cây riềng, người dân đều có công ăn việc làm thường xuyên, tăng thêm thu nhập.

Ông Lê Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hưng, cho biết:  Hội Phụ nữ đã thành lập một tổ thu gom riềng của nông dân trong xã. Cây riềng trồng trên đất màu vừa hiệu quả kinh tế cao, vừa giúp bà con không lo vấn đề nước tưới (cây riềng thích ứng tốt với điều kiện khô hạn ở vùng đất này). Trước mong muốn đầu ra ổn định cho cây riềng, xã đã chủ động liên hệ với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện để tìm cách, làm sao cho củ riềng được mùa nhưng không mất giá.

 

Lưu Khuyên
Ý kiến bạn đọc
Top