Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 22 tháng 5 năm 2024 | 11:0

“Vùng khát” Tả Gia Khâu nỗ lực xây dựng NTM

Từ trung tâm huyện Mường Khương (Lào Cai), chúng tôi ngược 30km đèo dốc về Tả Gia Khâu, xã biên giới đặc biệt khó khăn với bốn bề núi đá, nơi cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến nhưng cũng còn lắm gian nan.

Nỗ lực vươn lên

Quả thật, khi đến Tả Gia Khâu, tôi vẫn không thể không hình dung ra những khó khăn, trở ngại, quá trình chinh phục thiên nhiên của bà con các dân tộc: Mông, Phù Lá, Thu Lao, Bố Y... khi chia nhau từng can nước sinh hoạt từ năm này qua năm khác. Vùng đất quanh năm thiếu nước không chỉ khắc nghiệt với điều kiện sinh hoạt của con người mà với cả cây lương thực.

Người dân Tả Gia Khâu chia nhau từng can nước sinh hoạt.

Con đường vào thôn Lao Chải men theo triền núi, hẹp và quanh co, có 67 hộ gồm các dân tộc Phù Lá, Thu Lao, Mông sinh sống. Đi qua hơn chục nóc nhà kiên cố quần tụ trên cung đường chính, chúng tôi rẽ xuống con hẻm dẫn đến gia đình ông Giàng Phủ Sèng, bà Goàng Ngánh Sửu (dân tộc Phù Lá). Bà Sửu không giao tiếp được với khách bằng tiếng Kinh nhưng cũng không giấu nổi những giọt nước mắt khi người trưởng thôn cho biết chúng tôi hỏi về hoàn cảnh gia đình. Bà bảo, gia đình có 5 người con (4 gái, 1 trai). Con gái đã đi lấy chồng hết, ở nhà còn lại cậu út hơn 20 tuổi nhưng bị khuyết tật ở chân, chỉ ngồi một chỗ, không lao động được. Những năm gần đây, 2 cô con gái (chồng chết) đưa con về ở với ông bà ngoại. Một cô đã theo chồng đi nơi khác, để lại con thơ. Gánh nặng kinh tế đè lên vai ông bà và một cô con gái ở lại. Nhìn gương mặt ngây thơ, hồn nhiên của bọn trẻ rồi nhìn quanh căn nhà cũ nát, bà Sửu lại bật khóc: “Nhà trồng được có 6-7 sào  ngô nên ông nhà tôi phải đi phụ vữa kiếm thêm tiền mua gạo”.

Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như gia đình bà Sửu còn không ít ở Lao Chải. Cả thôn mới có 13/67 hộ thoát nghèo. Trưởng thôn Cao Xuân Diu cho biết, tuy gia cảnh khó khăn nhưng bọn trẻ rất tự giác, vui vẻ đến trường. Được hưởng những chính sách dành cho xã biên giới nghèo nên trẻ em học bán trú được thầy cô chăm sóc đến cuối tuần mới về nhà. Thầy, cô giáo như là người cha, người mẹ đúng nghĩa, vừa dạy kiến thức, vừa chăm lo bữa ăn, giấc ngủ, rèn luyện thói quen sinh hoạt nề nếp. Chỉ những ngày các cháu nghỉ hè, gia đình có thêm nhiều khẩu phần nên không đủ ăn. Nhiều năm nay, hộ khá hơn được  phân công san sẻ gạo, ngô, sắn, rau, thức ăn... cho hộ nghèo.

Kể về công cuộc tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi đói nghèo, Bí thư Đảng ủy xã Cao Xuân Phà, chia sẻ: Xã có 8 thôn với 466 hộ , 2778 nhân khẩu. Để bà con có được nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho gia đình và chăn nuôi gia súc, gia cầm, chính quyền các cấp cùng vào cuộc. Đầu tiên là phương án bơm nước từ sông lên. Nhưng do nguồn nước thấp, địa hình xã lại cao nên theo tính toán phải có 4 trạm bơm, mỗi trạm cách nhau 2km, chi phí quá tốn kém, do đó, chưa thực hiện được. Tiếp đến là khảo sát địa chất để khoan giếng, nhưng lại thất bại vì khoan sâu đến 120m mà vẫn không tìm thấy nước. Đến năm 2012, từ chương trình của WB (Ngân hàng thế giới), xã được đầu tư xây dựng 5 bể chứa nước, dung tích mỗi bể 250 khối. Đây là những bể chứa nước mưa, nước hứng từ các mạch núi. Đến thời điểm hiện tại, xã đã xây dựng được 9 bể chứa. Vào mùa khan hiếm nước (từ tháng 9 - tháng 3 năm sau), mỗi gia đình được cấp 8 can nước một ngày.

Chính quyền địa phương chia sẻ khó khăn với gia đình bà Goàng Ngánh Sửu (dân tộc Phù Lá) thôn Lao Chải.

Vấn đề trăn trở không kém là thu nhập chính của bà con vẫn một vụ ngô/năm nhưng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nếu được mùa thì 1ha thu hoạch khoảng 4 tấn. Với giá bán 4.000 đồng/kg, thu về được 16 triệu đồng. Để chuyển đổi cây trồng - vật nuôi, chính quyền địa phương cùng người dân đã nỗ lực thử trồng nhiều loại cây ăn quả như: lê, mận, cam... nhưng hiệu quả rất thấp. Cây cam khi trồng cho quả rất to, đẹp nhưng bổ ra lại không có nước. Nhiều người, nhất là thanh niên đã rời làng bản đi làm thuê ở các tỉnh khác như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...

Để có hướng phát triển kinh tế bền vững hơn, chính quyền các cấp đã quyết liệt triển khai trồng chè theo Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai, toàn xã trồng được 97ha. Đến nay, sau 2 năm, cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, thu hái được 300kg. Bắt đầu từ năm thứ 3, chè mới chính thức được thu hoạch, dự tính thu được 5 tạ chè/ha, với giá bán 6.000 đồng/kg, thu về 30 triệu đồng (cao gấp đôi so với ngô và ít chi phí hơn). Ngoài ra, người dân còn thực hiện trồng cây sa nhân với tổng diện tích 30ha. Trong đó, 20ha đang cho thu hoạch, sản lượng khoảng 500kg/ha, giá bán bình quân 60.000 đồng/kg, ước thu 30 triệu đồng/ha. Xã cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy bà con chăn nuôi trâu, bò, lợn, dê..., đưa tổng đàn gia súc lên trên 3.480 con. Trong đó, đàn trâu 221 con, đàn bò 798 con, đàn lợn 2.326 con, đàn ngựa 10 con; đàn dê 125 con. Đàn gia cầm 13.627 con.

Kiên trì xây dựng NTM

Tả Gia Khâu đã hoàn thành 5/19 tiêu chí NTM, gồm: Giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư. Vẫn còn 14/19 tiêu chí chưa đạt nhưng cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, phải kiên trì thực hiện.

Người dân chung sức mở rộng đường giao thông.

Dù còn nhiều việc phải làm nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cuộc sống người dân Tả Gia Khâu đã vơi bớt nhọc nhằn. Diện mạo bản làng làng thay đổi rõ rệt qua những cung đường bê tông thuận lợi,  kinh tế có sự chuyển dịch mạnh mẽ, người dân dễ dàng được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hoá, giáo dục...

Bí thư Cao Xuân Phà bộc bạch, trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến về quan điểm, chủ trương, giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân. Từ đó tạo thay đổi trong nhận thức cũng như hành động, thói quen canh tác, cách bố trí nguồn lực và sự phối kết hợp đồng bộ trong triển khai thực hiện nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thu nhập cho người nông dân và xây dựng NTM.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top