Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 26 tháng 3 năm 2024 | 10:52

Yên Bái tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với XDNTM

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành nông nghiệp Yên Bái vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh.

Song song, tỉnh cũng tập trung vào phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện đại, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Văn Yên hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái

Dù còn khá mới lạ, nhưng tại huyện Văn Yên đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp canh tác theo hướng sinh thái mang lại những sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch và bảo vệ môi trường cũng như chính sức khỏe người nông dân.

Mô hình canh tác theo hướng nông nghiệp sinh thái của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.

Đi vào hoạt động được hơn 4 năm, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp hữu cơ Trung Thành, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên được biết đến là một trong những cơ sở chuyên cung cấp nông sản sạch trên địa bàn. Các sản phẩm rau, củ, quả của Hợp tác xã được trồng trên diện tích 1.600 m2 nhà màng, giãn cách với khí hậu, môi trường bên ngoài nên hạn chế được sâu bệnh, đặc biệt là không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Dẫn chúng tôi đi tham quan cơ sở sản xuất, bà Dương Thị Yến - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đang có 1.000 gốc cà chua Vô hạn của Úc cho thu hoạch với năng suất 7 - 10kg/cây. Do được gieo cấy trong nhà màng nên quả không bị nấm mốc và héo xanh như bên ngoài, năng suất và thời gian thu hái cũng kéo dài hơn. Sau khoảng 8 tháng, chúng tôi tận dụng thân, lá ủ phân vi sinh để quay vòng cho những lần gieo cấy tiếp theo”.

Theo ghi nhận, việc canh tác trong nhà màng của Hợp tác xã với hệ thống tưới nhỏ giọt đã giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm nhân công, giảm thời gian và tăng sản lượng gấp 2 - 3 lần so với canh tác truyền thống. Được biết, hiện nay, Hợp tác xã đang trồng thêm 500 m2 giống cà chua bi kết hợp với du lịch thăm quan thu hái tại vườn, vừa cắt bỏ được khâu đưa đi bán vừa tạo nên không gian trải nghiệm cho du khách.

Còn tại Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông - lâm nghiệp Cường Vui, xã Yên Hợp, toàn bộ hoạt động trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, bảo quản đã thực hiện theo quy trình hữu cơ, sinh thái. Anh Nguyễn Cao Cường - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Hợp tác xã đã áp dụng các quy trình kỹ thuật từ việc cày ải, phơi đất, diệt nguồn bệnh, tạo độ thoáng cho đất giúp vi sinh vật phát triển thuận lợi; trồng cây theo hàng lối, mỗi gốc chỉ để 1 cây mẹ và từ 1 - 2 cây con khỏe mạnh phân đều về các phía. Phân bón cho chuối là phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục. Phần thân, lá cây sau khi thu hoạch được chặt nhỏ bỏ vào gốc vừa làm phân bón vừa có tác dụng giữ ẩm cho đất mà không xả rác thải ra môi trường. 

Hiện, toàn xã có khoảng 12 ha chuối ngự tiến vua, bà con chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học đảm bảo theo nguyên tắc: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách. Cỏ dại trong vườn được phát quang bằng máy để tạo độ thoáng, giúp tiêu diệt mầm bệnh”. 

Được biết, năm 2021, sản phẩm chuối ngự của Hợp tác xã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao với cam kết "4 không” gồm: không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không dư lượng phân bón hóa học, không chất bảo quản, không chất kích thích tăng trưởng.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay, trên địa bàn huyện Văn Yên đã xây dựng được vùng quế hữu cơ trên 7.200 ha. Đi cùng với đó là các mô hình canh tác xen canh như: quế - ngô, quế - sắn hoặc nuôi lợn, nuôi gà dưới tán quế. Bên cạnh đó, huyện cũng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ, sinh thái... 

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái là phương pháp canh tác không sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV mà sử dụng hoàn toàn bằng phân bón vi sinh từ động, thực vật nên mang lại nguồn lương thực, thực phẩm sạch. Phương pháp canh tác này còn nâng cao sản lượng, tiết kiệm chi phí, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái đã tạo sự chuyển biến rõ nét về năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm sản, góp phần từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống của dân cư nông thôn".

Thời gian qua, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất hàng hóa hiệu quả và bền vững; tăng cường phổ biến, chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật canh tác sinh thái cho nông dân; xây dựng, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp tập trung và các mô hình điểm về nông nghiệp sinh thái; tăng cường xây dựng các chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh triển khai xây dựng, duy trì các sản phẩm OCOP...

Nhờ đó, kết thúc năm 2023, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản toàn huyện đạt trên 2.798 tỷ đồng, bằng  100,4% so với kế hoạch, tổng sản lượng lương thực có hạt 58.125 tấn, bằng 101,2%  so với kế hoạch; toàn huyện có 48 sản phẩm được chứng nhận OCOP; trong đó, 45 sản phẩm OCOP 3 sao và 3 sản phẩm 4 sao...

Với mục tiêu, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, thời gian tới, huyện Văn Yên triển khai thực hiện hiệu quả các dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện; tìm kiếm thị trường đầu ra bền vững cho nông sản, bảo đảm hầu hết các sản phẩm chủ lực và đặc sản của huyện đều có doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết tiêu thụ; củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu... Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh chuyển giao khoa học, kỹ thuật; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp sinh thái...

Nghĩa Lộ phát triển cây ăn quả hướng hàng hóa

Những năm gần đây, thị xã Nghĩa Lộ tập trung phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa mang tính bền vững; trong đó, tập trung chú trọng phát triển các cây ăn quả chủ lực, có tiếng trên thị trường, dần hình thành các thôn sản xuất cây ăn quả chuyên canh.

Ông Đặng Văn Chung, thôn Chanh, xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình bà Phạm Thị Lệ, thôn Chanh, xã Phù Nham được biết đến là một trong những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả tại địa phương. Với diện tích hơn 2 ha, từ nhiều năm trước, gia đình bà đã đưa cây bưởi đường, cây táo vào trồng. "Ban đầu, gặp nhiều khó khăn về quy trình chăm sóc, đầu ra của sản phẩm nhưng từ 5 năm trở lại đây, nhờ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật do các cấp tổ chức; tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc và phát triển cây ăn quả theo hướng an toàn… nên sản phẩm bưởi, táo của gia đình có vị ngọt đậm, mẫu mã đẹp, được người tiêu dùng đón nhận, đem lại thu nhập khá tốt. Riêng năm 2023 vừa qua, gia đình thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí” - bà Lệ cho biết.

Cũng giống như bà Lệ, gia đình ông Đặng Văn Chung cùng ở thôn Chanh cũng lựa chọn hướng phát triển cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Ông Chung cho biết: "Năm 2017, gia đình tôi chuyển đổi toàn bộ hơn 4.000 m2 đất vườn tạp sang trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi đường. Trong quá trình trồng, tôi tìm hiểu sách, báo và đến thăm một số mô hình trồng bưởi ở các địa phương bạn về áp dụng. Đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả an toàn do thị xã và các đơn vị chuyên môn tổ chức nên diện tích cây ăn quả phát triển khá tốt và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình”. 

Ông Lưu Minh Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết, địa phương hiện có gần 130 ha cây quả. Ngoài một số loại cây chủ lực đã có tiếng trên thị trường như: bưởi Diễn, bưởi da xanh, bưởi Đoan Hùng..., những năm qua, xã cũng chủ động khai thác và đưa những cây mới có giá trị kinh tế góp phần làm phong phú tập đoàn cây ăn quả của thị xã như: táo, thanh long, chanh leo… Nhờ đó, 100% hộ tham gia trồng cây ăn quả tại xã đều là hộ khá và giàu. 

Cùng với xã Phù Nham, những năm qua, cây ăn quả cũng là cây trồng chủ lực của xã Nghĩa Lộ. Bà Vũ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết: "Toàn xã có 245 ha cây ăn quả; trong đó, cây cam gần 10 ha, bưởi gần 33 ha, thanh long ruột đỏ 17,5 ha, nhãn trên 54 ha, mận 33,5 ha, táo gần 9 ha và nhiều loại cây ăn quả khác đang cho thu hoạch. Sản lượng năm 2023 từ cây ăn quả ước đạt 623 tấn; 400 hộ dân trồng cây ăn quả mỗi năm thu về trên 12 tỷ đồng. Thời gian tới, xã tiếp tục khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ...”. 

Theo số liệu thống kê, thị xã Nghĩa Lộ hiện có 545 ha cây ăn quả, với đa dạng các loại như: bưởi, thanh long, nhãn, ổi..., sản lượng hàng năm ước đạt 970 tấn. Ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để duy trì diện tích cây ăn quả này, thị xã chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm; đồng thời, xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ cây ăn quả với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị xã tập trung xây dựng các vùng canh tác cây ăn quả tập trung; trong đó, chú trọng phát triển các cây ăn quả có giá trị kinh tế như: mận, xoài, thanh long, cam, bưởi... góp phần mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân”.

Phát huy kết quả đó, thời gian tới, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục rà soát, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: dưa hấu, dưa lê… nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các trang thông tin điện tử của xã, thôn và các trang Facebook cá nhân của các hộ dân… hướng tới phát triển cây ăn quả bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn quả có chất lượng; xây dựng khu trải nghiệm, tham quan khám phá cây ăn quả cho du khách khi đến với địa phương, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2025 giá trị thu nhập trên một hecta đất canh tác của người dân đạt 220 triệu đồng. 

Tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Yên Bái có mặt tại các siêu thị lớn tại Hà Nội.

Từ sau đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình bất ổn ở một số nơi trên thế giới; giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao; biến đổi khí hậu; thiên tai dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ tác động trực tiếp đến sản xuất. Trong bối cánh đó, ngành đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, bám sát thực tiễn, phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật. 

Trong đó, năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 5,29%; đứng trong TOP 10 toàn quốc và thứ 3 trong 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; cơ cấu tổng sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. 

Đây là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế của địa phương này và tăng trên 1,4 lần so với bình quân chung cả nước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Một trong những điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp là chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực, đặc sản không ngừng được nâng cao. 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 37 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; cấp 50 mã số vùng trồng cho các sản phẩm chủ lực với diện tích trên 329 ha phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; cấp chứng chỉ rừng bền vững, chứng nhận quế hữu cơ cho 19.309,6 ha rừng; đã đưa 4.857 lượt sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn với 9.992 đơn hàng giao dịch thành công... 

Những sự thay đổi này, góp phần chuyển tiếp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc chuẩn hóa nông sản để phục vụ xuất khẩu cũng được quan tâm khi đến nay đã có trên 23.096,2 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC; quế hữu cơ; cấp được 77 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu; trong đó, 40 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 33 mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa trên cây ăn quả có múi, chè, thanh long, lúa, rau cùng nhiều nông sản được áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic, góp phần nâng cao giá trị chất lượng cho sản phẩm nông sản… 

Năm 2024 là năm ngành nông nghiệp tỉnh phải nỗ lực bứt phá để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện đại, bền vững; đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. 

Cụ thể, toàn tỉnh phấn đấu có 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 huyện hoàn thành NTM nâng cao; đồng thời, phấn đấu ngành nông lâm, thủy sản tăng từ 3 - 3,5% so với năm 2023; giữ ổn định tỷ lệ che phủ cây xanh 52%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt 84,5%... 

Để thực hiện mục tiêu này, ngành nông nghiệp bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình hành động 188 của Tỉnh ủy, các nghị quyết của HĐND, quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh để cụ thể hóa bằng kế hoạch cụ thể; xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành; phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 5,55%.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả chương trình xây dựng NTM; đặc biệt quan tâm đến phát triển các mô hình du lịch trong NTM; xây dựng mô hình thí điểm phát triển chuỗi sản phẩm OCOP xanh gắn với mục tiêu phát triển cộng đồng trong quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học; thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp. 

Cùng đó, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; đồng thời, tìm kiếm các thị trường xuất khẩu tiềm năng nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Theo baoyenbai.com.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

  • Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Nâng cao chất lượng để tăng trưởng bền vững

    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý 2/2024 đạt 6,93%, tính chung nửa đầu năm nay GDP cả nước tăng 6,42% so với cùng kỳ năm trước.

Top