Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 2 tháng 1 năm 2022 | 15:50

A Mú Sung “hỏi dân” cách làm đường giao thông để XD NTM

Là một xã vùng cao khó khăn của huyện Bát Xát (Lào Cai), tiêu chí giao thông tưởng như phải tiêu tốn nhiều nguồn lực nhất lại được A Mú Sung hoàn thành một cách ngoạn mục từ những cách làm đơn giản nhất.

Trong bảng lảng sương sớm, bản làng của các đồng bào dân tộc dần hiện ra với những nếp nhà sạch vườn đẹp, những con đường bê tông uốn lượn theo từng ngõ xóm. Có đến 95% các hộ gia đình mua được ti vi, xe máy, người dân không chỉ cải thiện về đời sống kinh tế mà cả văn hóa khi phong trào XD NTM được phát động đến từng ngóc ngách của bản làng.

Một năm sau khi A Mú Sung được công nhận đạt chuẩn NTM, đời sống bà con các dân tộc như được bước sang một trang mới. Thật khó để hình dung lại cảnh khó khăn trước đây khi kinh tế của người dân trên địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp, chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, chăn thả hoang dã, giao thương khó khăn do các con đường đất liên thôn nhỏ hẹp, mù bụi vào ngày nắng và trơn trượt, lầy lội vào ngày mưa. Riêng việc đi từ thôn ra trung tâm xã đã mất rất nhiều thời gian và công sức nên chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hay mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế không được người dân mặn mà hưởng ứng.

Vậy mà, những thay đổi ấy lại được thực hiện một cách rất đơn giản khi nghe ông Ma Seo Củi, Chủ tịch UBND xã A Mú Sung chia sẻ: “Khi bắt tay vào XD NTM, chúng tôi thấy tiêu chí nào đặt ra cũng khó so với tình hình của xã. Vì vậy, trước khi lập kế hoạch NTM, chúng tôi đã đến từng thôn để họp dân, đưa ra chủ trương đường lối của chương trình XD NTM để người dân nắm được và quan trọng là để nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân cần gì và như thế nào. Sau đó,  mới xây dựng kế hoạch từ những “câu trả lời” của người dân để từng bước cùng nhau hiện thực hóa”.

Có thể thấy rõ nhất ở tiêu chí đường giao thông, lúc đầu người dân không đồng ý mở rộng đường vì sợ sẽ mất nhiều diện tích đất của gia đình họ hay có người đòi được trả tiền công làm đường... Biết được lý do, BCĐ XD NTM xã đã có kế hoạch tuyên truyền, khi đường giao thông được cải tạo và mở rộng, ô tô mua bán nông sản sẽ vào đến từng nhà tiết kiệm được rất nhiều chi phí hơn hẳn so với bà con tự vận chuyển bằng xe máy, chưa kể số lượng hàng hóa được mua bán cũng nhiều hơn. Kinh phí làm đường giao thông thì rất cao, nhà nước và các ban ngành đã hỗ trợ phần lớn nguyên vật liệu, người dân chỉ phải bỏ công sức ra là biến con đường lầm đất thành đường bê tông sạch sẽ, thuận tiện, nhất là đối với con em đồng bào để các cháu đến trường... Bằng những dẫn chứng cụ thể ở xã khác huyện khác... người dân A Mú Sung đã đồng tình hưởng ứng. Không chỉ thế, nhiều cán bộ đảng viên cũng nêu gương đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường như: Ông Ma Seo Lằng, ở thôn Lũng Pô hiến gần 2650m2 đất nương đang sản xuất để làm con đường nối từ thôn Lũng Pô đến trung tâm xã và  thuyết phục được 13 hộ dân trong thôn nghe theo hiến đất, hộ nhiều thì một hai nghìn m2, hộ ít thì vài trăm m2, tổng cộng lên đến gần 10.000 m2.

 

guong-1.JPG

Ông Ma Seo Lằng bên con đường nối từ thôn Lũng Pô đến trung tâm xã A Mú Sung

 

Đến nay, đường trục xã, liên xã của A Mú Sung đã nhựa hóa đạt 100% KH, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp A, B miền núi. Đường trục thôn, liên thôn đã được bê tông hóa 11,46/14,76 km đạt 77,6 % KH, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp B miền núi. Đường ngõ xóm tổng chiều dài là 9,572 km, đã BTXM: 5,81 km (theo tiêu chuẩn cấp đường C), đạt 60,7 %. Đường trục chính nội đồng tổng chiều dài là 6,5 km đường cấp phối 6,5 km đạt 100% KH.

Trong 9 tháng đầu năm 2021 xã đã bê tông hoá được 1,6975 km đường ngõ xóm theo tiêu chuẩn cấp đường C và thường xuyên, định kỳ tổ chức phát dọn các tuyến đường trục thôn, trục xã. Góp phần đưa tổng chiều dài đường ngõ xóm đạt 7,5075/9,572 km (theo tiêu chuẩn cấp đường C), đạt 78,4%. Tổ chức duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn xã đảm bảo giao thông đi lại được thuận lợi và an toàn.

 

img_1741.JPG

Toàn dân chung tay làm đường giao thông nông thôn

 

Ông Ma Seo Củi cho biết: “Từ lúc bắt tay XD NTM cho đến nay khi xã tiến hành XD NTM kiểu mẫu thì BCĐ không ngừng “hỏi dân” để có cách làm sát với thực tiễn, gần với nguyện vọng của dân nhất. Trong 9 tháng đầu năm 2021, xã đã tổ chức được trên 85 buổi hội nghị, họp thôn tuyên truyền với trên 6.447 lượt người tham gia; cắt dán treo 70 băng zôn, khẩu hiệu, duy trì các cụm pano trên địa bàn; đã sản xuất được 20 chương trình phát thanh địa phương, hệ thống truyền thanh xã phát sóng đều đặn ngày 2 lần vào buổi sáng, chiều. Nội dung các chương trình tiếp sóng, các buổi tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xử lý rác thải xung quanh nhà, tuyên truyền vận động nhân dân trồng cây ăn quả, chăm sóc chè, đôn đốc nhân dân chăm 2 sóc tốt cho cây vụ đông đặc biệt tập trung vào cây khoai tây hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh covid-19, phòng cháy chữa cháy rừng trong thời tiết hanh khô...”

Khi cùng chung tay XD NTM  và thấy được lợi ích từ những kết quả đạt được, người dân A Mú Sung đã hoàn toàn thay đổi nhận thức. Đến nay, Cảnh quan, môi trường  ở A Mú Sung xanh, sạch - đẹp - an toàn. Khu vực công cộng trong các thôn không có hiện tượng vứt rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan. Đường làng, ngõ xóm, hồ, ao, kênh mương được thường xuyên thu dọn vệ sinh (2 lần/tháng). 100% các hộ đã thực hiện cải tạo vườn, xanh hóa tường rào, cổng ngõ không lầy lội.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top