Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 5 năm 2022 | 16:55

Áp dụng đa giải pháp tạo bước ngoặt trong phát triển chăn nuôi

Từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân nhưng nhờ áp dụng đa giải pháp các trang trại, việc sản xuất quy mô lớn vẫn duy trì và tiêu thụ ổn định.

 

nuoi-ga.jpg
Mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thoan ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn).

 

Hà Nội: Áp dụng đa giải pháp ổn định chăn nuôi

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thoan, hộ chăn nuôi ở xã Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn), nhờ chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi, hiện trung bình mỗi tháng trang trại xuất chuồng khoảng 1.000 con gà, giá bán cao hơn 10-15% so với gà thương phẩm nuôi theo phương thức truyền thống.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai), do chủ động từ con giống tới thức ăn chăn nuôi và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nên trang trại vẫn duy trì 2 khu chăn nuôi lợn với quy mô 100 lợn nái, 600 lợn thịt/lứa và 2 khu nuôi gà đẻ siêu trứng với tổng đàn khoảng 47.000 con. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và khép kín nên hạn chế dịch bệnh, doanh thu mỗi năm của trang trại đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Đánh giá về tình hình chăn nuôi các tháng đầu năm 2022, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân nhưng chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố vẫn phát triển ổn định: Tổng đàn trâu, bò là 169.583 con; đàn lợn gần 1,4 triệu con; đàn gia cầm gần 37 triệu con (tương đương cuối năm 2021).

“Thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Giá thức ăn chăn nuôi tăng 20-40% so với cùng kỳ năm trước; dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát... Tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho các trang trại chăn nuôi lớn áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, từng bước hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn và ổn định chăn nuôi trong mọi tình huống, theo ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa), các hợp tác xã cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, chăn nuôi khép kín theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm thông tin, huyện tiếp tục hỗ trợ về giống, kỹ thuật, hướng dẫn người dân chủ động chăn nuôi có giá trị kinh tế cao và sản xuất căn cứ nhu cầu thị trường. Để ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm, huyện khuyến khích các trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn để nâng cao giá trị trên thị trường.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, cùng với việc hình thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn, an toàn dịch bệnh, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, Hà Nội chú trọng chế biến sâu sản phẩm từ động vật để vừa bảo đảm quản lý chất lượng an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh - vừa góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường giám sát quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi; quản lý việc sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; triển khai các kênh theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu, nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới, giúp người chăn nuôi có biện pháp chủ động nguồn thức ăn thay thế, ổn định sản xuất.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi thông qua tập huấn, hội thảo, xây dựng, triển khai các dự án, mô hình theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tái sử dụng chất thải chăn nuôi..., góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

 

Thanh Hóa: Tạo bước ngoặt trong phát triển chăn nuôi

Huyện miền núi Lang Chánh có quỹ đất tự nhiên hơn 58.560ha, trong đó đất rừng chiếm hơn 50.600 ha, đất sản xuất nông nghiệp gần 4.000ha. Đó chính là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi, nhất là gia súc. Tuy nhiên, nhiều đời nay, chăn nuôi của huyện vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ. Tập quán bán thả rông, chăn nuôi trâu, bò trên rừng vẫn còn phổ biến nên những năm trước, Lang Chánh là một trong những địa phương chịu nhiều tác động tiêu cực của các đợt dịch bệnh trên đàn trâu, bò và lợn.

 

245d1195420t29852l0.jpg
Khu trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao tại xã Giao An vừa đi vào hoạt động.

 

Thời gian gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đã ổn định và có bước phát triển. Thống kê mới nhất từ UBND huyện Lang Chánh vào thời điểm đầu tháng 4 vừa qua, toàn huyện đang có gần 6.000 con trâu, gần 4.000 con bò, hơn 3.600 con dê và đàn lợn hơn 20.500 con. Hệ thống sông suối cùng đất đai rộng lớn cũng giúp Nhân dân trong huyện duy trì được đàn gia cầm hơn 234.000 con, giúp phát triển kinh tế hộ khá hiệu quả. Trong quá trình phát triển các mô hình sản xuất những năm gần đây, Lang Chánh cũng xác định và khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển đàn vật nuôi đặc trưng như lợn cỏ, vịt bầu bản địa, gà ri thả vườn...

Khảng 1 năm trở lại đây, huyện Lang Chánh đã tạo được bước ngoặt trong chăn nuôi với việc kêu gọi được các doanh nghiệp lớn đầu tư các trang trại tập trung để nuôi lợn theo hướng công nghệ cao. Tính đến tháng 5–2022 này, đã có 6 dự án chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại, quy mô lớn đang hoàn thiện hoặc đã đi vào hoạt động. Đầu tiên là dự án trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao TIGER ở xã Trí Nang đã đi vào hoạt động từ những tháng đầu năm, hiện đang nuôi 1.100 lợn bố mẹ và trung bình 2.000 lợn con/tháng. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Chăn nuôi TIGER triển khai theo Quyết định 2787/QĐ-UBND cho thuê đất của UBND tỉnh, với diện tích hơn 6.000m2. Tại khu vực vùng núi của xã Giao An, khu chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao RTD của Công ty TNHH MTV RTD cũng đã đi vào hoạt động từ nhiều tháng qua với quy mô 1.050 lợn bố mẹ, trung bình 1.800 lợn con và 4.000 lợn thịt/tháng.

Cũng tại xã Giao An, 3 trang trại công nghệ cao khác là quần thể các khu chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao tập trung APPE AC của Công ty TNHH MTV Đầu tư APPE AC đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động trên diện tích hơn 6.100m2. Cách đó không xa, dự án chăn nuôi APPE nuôi lợn hậu bị mới đi vào hoạt động thử nghiệm, hiện đã nuôi 800 con. Đây đều là những trang trại lớn, được xây dựng biệt lập ở những thung lũng với các dãy núi bao bọc, đều xa các khu dân cư để hạn chế vấn đề ảnh hưởng môi trường.

Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất cho Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri – Vina tại xã Tân Phúc. Theo đó, dự án dự kiến sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 40 ha, các bên liên quan đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

Để đồng hành cùng các chủ đầu tư, huyện Lang Chánh đã và đang tích cực trong khâu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ mở đường giao thông và các điều kiện liên quan cho các dự án hoạt động.

 

Bắc Ninh: Đa dạng đàn vật nuôi và đầu mối tiêu thụ

Đầu tư gần 10 tỷ đồng để hình thành nên trang trại chăn nuôi tổng hợp, anh Nguyễn Văn Đỉnh, thôn Chi Long (Long Châu, Yên Phong) luôn tính toán để tìm được đầu ra kịp thời, nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc đa dạng đàn nuôi và đầu mối tiêu thụ.

2a.jpg
Mỗi năm, anh Đỉnh xuất bán ổn định được 8-9 lứa vịt thương phẩm.

 

Năm 2016, anh thuê hơn 8.000 m2 đất và mua 1.000 con lợn giống về chăn nuôi. Thế nhưng, ngay ở thời kỳ đầu khởi nghiệp, đàn lợn gặp đợt dịch bệnh lở mồm long móng, chết gần hết. Sau khi tái đàn với số lượng ít hơn, anh tiếp tục thất bại khi dịch tả lợn Châu Phi bùng phát mạnh. Dẫu vậy, với tâm thế không nản lòng, đầu năm 2018, anh được giới thiệu về giống vịt siêu thịt (super) và bắt đầu nuôi thử 3.000-4.000 con. Khi ấy, từ chuồng nuôi lợn, anh cải tạo hệ thống làm mát, lắp đặt sàn lưới và xây các bể biogas để giảm ô nhiễm môi trường. Cùng với việc làm chủ kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng bệnh, đến nay, đàn vịt siêu thịt của anh Đỉnh với hơn 12.000 con cho năng suất, chất lượng ổn định. Cứ khoảng 35-42 ngày, anh xuất bán một lứa vịt lông ngắn giá bình quân khoảng 40-41.000 đồng/ kg, 50 ngày bán một lứa vịt bơ cánh, giá hơn 50.000 đồng/kg.

Vì số lượng mỗi lần xuất chuồng khá lớn, việc tiêu thụ sản phẩm được anh tính toán kỹ lưỡng. Ngoài 3 thương lái thân thiết thường đến tận nơi mua, anh chủ động liên hệ một số lò mổ tại địa phương. Những khi thương lái chưa kịp mua, hoặc ép giá, anh có thể cung ứng cho lò mổ được 30-40 con/ ngày. Giao cho tiểu thương ở các chợ giải quyết thời điểm việc tiêu thụ, tránh tồn đọng, ùn ứ hàng gây áp lực về thức ăn chăn nuôi. 

Với suy nghĩ lấy ngắn nuôi dài, mở rộng nguồn cung cho thị trường, năm 2020, anh tìm hiểu và nhận thấy vùng đất ven đê rất phù hợp để nuôi vỗ gia súc. Anh tiếp tục xây dựng chuồng trại, bắt 550 con dê giống Thái Lan trọng lượng khoảng 20 kg/con. Sau 3 tháng nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn thô xanh cỏ voi, thân cây ngô kết hợp ủ bã mía… dê tăng trọng lên đạt khoảng 40-45kg là có thể xuất bán, với giá thịt thương phẩm là 135.000 đồng/kg. Theo anh, nuôi dê chi phí không lớn nhờ tận dụng được thức ăn thô, trong khi đó vẫn là loại thịt đặc sản, dễ bán cho các nhà hàng hoặc xuất khẩu đi Trung Quốc. Nuôi vỗ béo tại chuồng có ưu điểm hơn chăn thả tự do là dễ kiểm soát được dịch bệnh, dê tăng trọng tốt.

Cùng thời điểm này, anh cũng xuống giống 1 ao cá nuôi theo hình thức thâm canh. Anh Đỉnh nhấn mạnh: “Trong bối cảnh dịch bệnh, các nhà hàng, quán ăn hoạt động cầm chừng, mình phải đa dạng đàn nuôi để tiện xoay sở. Khi đó, người chăn nuôi   phải chủ động tìm tòi kiến thức chăm sóc, phòng bệnh, bổ sung dinh dưỡng, bảo đảm môi trường nuôi mới có thể nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra, cần tính toán số lượng, thời gian xuống giống để nuôi gối vụ đem lại hiệu quả”.

Do nhu cầu thức ăn của trang trại khá lớn, bình quân 2 tấn/ ngày, anh mua nguyên liệu và đặt hàng với một số cơ sở có dây chuyền sản xuất hiện đại đóng gói riêng. Nhờ vậy, anh chủ động được nguồn cung, kiểm soát được hàm lượng dinh dưỡng phù hợp cho từng loại gia cầm, gia súc. Đàn vịt, đàn dê được vỗ béo đúng tiêu chuẩn nên có sự tăng trọng khá, chất lượng thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hình thức thuê sản xuất cám như vậy vừa giúp trang trại tiết kiệm được 10-15% chi phí so với mua cám từ các đại lý, vừa bảo đảm doanh thu bình quân của trang trại đạt 18-20 tỷ đồng/ năm.

Thời gian tới, khi thị trường sôi động trở lại, nhu cầu của các nhà hàng, quán ăn là khá lớn, anh Đỉnh dự định mở rộng quy mô đàn vịt lên 20.000 con, đàn dê lên 1.000 con. Lúc này, anh mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để cải tạo cơ sở hạ tầng, nhập thêm nguyên liệu làm thức ăn. Đồng thời, được hỗ trợ để kết nối với các kênh tiêu thụ chuyên nghiệp ổn định như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch./.

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top