Đầu năm 2022, tình trạng phá rừng tự nhiên, khai thác rừng trái pháp luật ở Bắc Giang có dấu hiệu gia tăng. Toàn tỉnh xảy ra 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 14 vụ phá rừng tự nhiên, với diện tích hơn 4,3 ha.
Số vụ vi phạm tăng
Theo Chi cục Kiểm lâm Bắc Giang, từ đầu năm đến ngày 18/4/2022, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 13 vụ so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 14 vụ phá rừng tự nhiên (quy hoạch là rừng sản xuất), diện tích rừng bị phá hơn 4,3 ha. Cụ thể, huyện Lục Ngạn xảy ra 6 vụ, diện tích rừng bị phá hơn 2 ha; Sơn Động 4 vụ (0,3ha) và Lục Nam 4 vụ (hơn 1,6ha).
Số vụ khai thác rừng trái pháp luật 5 vụ, khối lượng gỗ vi phạm hơn 11,6m3. Trong đó, Lục Nam 2 vụ, khối lượng gỗ vi phạm gần 10m3; Lục Ngạn 2 vụ, khối lượng gỗ vi phạm 0,3m3; Sơn Động 1 vụ, khối lượng gỗ vi phạm hơn 1,4m3. Ngoài ra, có 12 vụ vi phạm thủ tục hành chính trong mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản.
Từ số liệu trên thấy tình trạng phá rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng để trồng rừng kinh tế còn xảy ra, một số nơi trở thành điểm nóng, nổi cộm như tại các xã Phong Minh, Sa Lý (Lục Ngạn) và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn (Lục Nam). Tại khu vực rừng tự nhiên thuộc thôn Rãng, xã Sa Lý, giữa tháng 4 vừa qua, hàng chục nghìn mét vuông rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất, đã giao cho các hộ quản lý, bảo vệ, bị đốn hạ ngổn ngang. Sau khi phát và đốt, có hộ đã trồng keo, bạch đàn trên diện tích này.
Theo ông Lâm Văn Quý, Bí thư Đảng uỷ xã Sa Lý, từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, trên địa bàn xã liên tục xảy ra phá rừng tự nhiên lấy đất trồng rừng kinh tế. Ví như, sáng 13/4, UBND xã cử lực lượng công an phối hợp với kiểm lâm địa bàn vào ngăn chặn, yêu cầu gia đình ông Lâm Văn Hùng ở thôn Rãng và một số hộ dân trong thôn dừng hành vi phát, phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế.
Được biết, gia đình ông Hùng đã mua lại một số diện tích rừng tự nhiên giao cho các hộ quản lý, bảo vệ rồi tự ý phá bỏ để trồng rừng kinh tế. Không chỉ những cánh rừng tại thôn Rãng mà rừng ở thôn Đồn Cây Lâm (xã Sa Lý) và một số thôn của các xã Phong Minh, Sơn Hải (Lục Ngạn) cũng bị chặt phá.
Tình trạng phá rừng còn xảy ra tại xã Tuấn Đạo (Sơn Động), xã Lục Sơn (Lục Nam). Đơn cử như chiều 14/4, xảy ra vụ phá, đốt rừng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Mai Sơn quản lý tại thôn Vĩnh Hồng (xã Lục Sơn), đám cháy lan rộng khiến gần 20ha rừng kinh tế của người dân bị thiệt hại nặng.
Xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm của các chủ rừng, khả năng bảo vệ rừng còn hạn chế; lực lượng kiểm lâm trên địa bàn chưa chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương biện pháp ngăn chặn kịp thời; sự vào cuộc của chính quyền địa phương còn thiếu, yếu; công tác tuyên truyền hạn chế về nội dung, hình thức và đối tượng; một số vụ việc không được xử lý kịp thời, không đủ tính răn đe... Một nguyên nhân khác là do lợi ích từ trồng rừng kinh tế lớn nên nhiều người dân lợi dụng dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương tập trung phòng, chống dịch Covid-19, tiến hành phát, phá, đốt để trồng keo, bạch đàn…
Chỉ đạo xử lý nghiêm
Tại Hội nghị bàn biện pháp thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng do Sở Nông nghiệp và PTNT Bác Giang tổ chức mới đây, một số khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng được nêu ra, như: tình trạng trồng chéo quyền sử dụng đất rừng giữa người dân với các chủ rừng, diện tích đất rừng tự nhiên nằm đan xen với diện tích rừng nên khó khăn trong quản lý, nhiều hộ dân chấp nhận nộp phạt để lấy đất trồng rừng kinh tế; lực lượng bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng.
Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, ngày 20/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, tăng cường các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng...
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu UBND huyện Lục Ngạn thành lập ngay Tổ công tác quản lý bảo vệ rừng do đồng chí lãnh đạo huyện là Tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo nhằm tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng phát, phá rừng trái pháp luật trên địa bàn, đặc biệt, tại các xã Phong Minh, Sa Lý và Sơn Hải; đồng thời bố trí đủ lực lượng trực 24/24h để tuần tra, quyết liệt ngăn chặn, không để người dân tiếp tục phát, phá rừng trái pháp luật.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ đối tượng vi phạm, mức độ thiệt hại, kiên quyết khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trong nhân dân. Đồng thời, bảo vệ chặt chẽ, giữ nguyên hiện trạng diện tích đã bị phát, phá, để tái sinh rừng tự nhiên, không được để các đối tượng lợi dụng đốt dọn, trồng cây (cây keo, bạch đàn...) trái phép, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
UBND huyện Sơn Động chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND xã Tuấn Đạo phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động khẩn trương khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng, điều tra, xác minh thiết lập hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Qua đó, bảo vệ chặt chẽ, giữ nguyên hiện trạng diện tích đã bị phát, phá, để tái sinh rừng tự nhiên, không được để các đối tượng lợi dụng đốt dọn, trồng cây (cây keo, bạch đàn...) trái phép, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý.
Ngoài ra, ngày 4/5/2022, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố, chỉ đạo UBND cấp xã trong công tác bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng tại địa phương; tổ chức thực hiện tốt vai trò trách nhiệm bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Nghị quyết số 249-NQ/TU; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tại địa phương nhưng chưa có biện pháp chỉ đạo ngăn chặn xử lý kịp thời, hiệu quả.
Chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với UBND cấp xã khẩn trương lập hồ sơ, khởi tố vụ án hình sự (nếu đủ căn cứ) để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vụ chặt phá rừng; nắm bắt thông tin dư luận, điều tra, xác minh xem có sự bao che, tiếp tay của cán bộ, công chức trong các vụ việc phá rừng hay không, kiên quyết xử lý vi phạm.
Chấn chỉnh lại hoạt động các Tổ công tác của huyện, xã; phân công nhiệm vụ, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên của tổ công tác trong công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý tình trạng phát, phá rừng trên diện tích quản lý. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những cá nhân có thành tích; xem xét xử lý trách nhiệm đối với cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.