Dấu hiệu “lợi ích nhóm” của lãnh đạo và kế toán trưởng thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động - Bắc Giang) thể hiện qua những hợp đồng “ngầm” khiến cho ngân sách Nhà nước bị “bốc hơi” hàng trăm triệu đồng!?
Qua đường dây nóng, Báo Kinh tế nông thôn nhận được phản ánh về việc ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn cùng bà Vi Thị Khanh, Kế toán trưởng và bà Bàn Thị Quỳnh, cán bộ Văn phòng - Thống kê đã “vẽ” ra hàng loạt hợp đồng mua sắm, sửa chữa trang thiết bị để rút gần 300 triệu đồng từ Kho bạc Nhà nước huyện Sơn Động.
Tìm hiểu được biết, chỉ trong năm 2017, ông Thắng đã ký hợp đồng mua hóa chất diệt côn trùng với bà Vũ Thị Lan ở xã Phạm Kha (Thanh Miện - Hải Dương) với tổng số tiền 113 triệu đồng, thể hiện bằng Hợp đồng số 32/HĐMB ngày 28/3/2017 và Hợp đồng số 60/HĐMB ngày 13/9/2017.
Điều kỳ lạ, mặc dù bỏ ra một số tiền lớn như vậy song hợp đồng ký kết không thể hiện là loại hóa chất diệt côn trùng có tên là gì mà chỉ tính theo lít. Không những vậy, việc mua bán này không có nghị quyết của tập thể, tất cả quy trình từ khi ký hợp đồng mua bán, bàn giao, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đều chỉ có ông Thắng và bà Lan biết với nhau (?)
Ngoài ra, năm 2017, UBND thị trấn Thanh Sơn đã chuyển khoản hơn 80 triệu đồng cho bà Lê Thị Thanh Tân ở thôn Chợ (thị trấn Thanh Sơn) để trả tiền mua hàng hóa, thiết bị phục vụ hoạt động của ủy ban.
Đơn cử, ngày 22/12/2017, UBND thị trấn Thanh Sơn rút số tiền 18.650.000 đồng thanh toán tiền mua bồn nước Tân Á bằng hình thức chuyển khoản cho bà Tân.
Thế nhưng, qua trao đổi với các cán bộ đang làm việc tại UBND thị trấn được biết, từ nhiều năm nay, chỉ có duy nhất 02 bồn nước được mua từ đời Chủ tịch cũ, trong đó có một bồn nước trên đỉnh nhà văn hóa được lắp đặt theo dự án xây dựng nhà văn hóa; một bồn nước được mua từ năm 2011 và sử dụng tới bây giờ, được lắp đặt sau trụ sở UBND xã.
Điều tra thêm được biết, ông Thắng còn ký hợp đồng mua bán với chính con dâu của mình là bà Nguyễn Thị Khanh, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ và đã chuyển khoản cho bà Khanh số tiền hơn 46 triệu đồng.
Trong đó, ngày 10/7, chuyển khoản cho bà Khanh hơn 28 triệu đồng tiền mua văn phòng phẩm, vật tư văn phòng và đường điện cấp thoát nước.
Thế nhưng, qua ghi nhận thực tế và hỏi cán bộ tại UBND thị trấn thì các thiết bị nhà vệ sinh hoàn toàn không thấy sửa chữa hay thay thế.
Bên cạnh đó, ngày 12/5/2017, sau khi thành lập Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, bà Bàn Thị Quỳnh, cán bộ Văn phòng - Thống kê lập phiếu đề nghị mua quần áo mưa Rando, mũ cối, ủng đi mưa, đèn pin với số tiền hơn 17 triệu đồng để cấp phát cho các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và ngày 8/8/2017 đã rút số tiền này thể hiện bằng giấy rút tiền dự toán ngân sách số CKKB 053.
Tuy nhiên, tại danh sách cấp phát đồ cho Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão, hầu hết đều là chữ ký giả. Kỳ lạ hơn, người bán những trang thiết bị này lại là bà Khanh.
Bằng các hợp đồng mua, sửa chữa thiết bị truyền thanh với 2 đơn vị ở thị trấn An Châu (huyện Sơn Động) là Cửa hàng văn phòng phẩm - máy tính Vi Thị Vân và Cửa hàng máy tính Duy Hưng, UBND thị trấn Thanh Sơn đã chuyển hơn 76 triệu cho 2 chủ cửa hàng này.
Theo điều tra của nhóm PV, để hợp thức hóa việc rút tiền từ Kho bạc Nhà nước bằng những vụ mua bán như trên thì từ khi ký kết hợp đồng cho đến nghiệm thu, thanh lý đồng đều phải “trích” lại cho chủ cửa hàng 5% giá trị hợp đồng thì họ (chủ cửa hàng - PV) mới xuất hóa đơn. Không những vậy, các hợp đồng ký kết giữa 2 bên đều rất lỏng lẻo, không có chữ ký đầy đủ. Từ việc sửa chữa, giao hàng, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng đều được “khép kín”, ít người được biết.
Quy chế làm việc số 02-QC/ĐU của Đảng ủy thị trấn Thanh Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 quy định: UBND thị trấn và Chủ tịch UBND thị trấn khi quyết định chi các khoản trên 5 triệu đồng phải báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy; chi trên 10 triệu đồng phải báo cáo Đảng ủy để thống nhất trước khi chi (trừ nhiệm vụ đột xuất không tổ chức hội nghị được).
Có thể thấy, hàng loạt những mập mờ trong quy trình ký kết hợp đồng mua trang thiết bị giữa UBND Thị trấn Thanh Sơn với đại diện là ông Phạm Văn Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn với các cá nhân, đơn vị liệu có đúng luật hay đây chỉ là các hợp đồng ma để “lách luật” nhằm hợp thức hóa việc rút ngân sách Nhà nước?
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, cho biết, đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc điều tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm của Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Sơn. Xác nhận việc này, ông Đinh Quang Hiệp, Trưởng công an huyện Sơn Động, cho biết, đã chỉ đạo Đội cảnh sát kinh tế vào cuộc điều tra làm rõ những vi phạm của ông Phạm Văn Thắng cùng cán bộ liên quan. Trước đó, ông Nghiêm Xuân Hưởng, Bí thư Huyện ủy Sơn Động, đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy về kiểm tra, làm rõ những dấu hiệu vi phạm đối UBND thị trấn Thanh Sơn. |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.