Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, trong Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tỉnh đã sử dụng 12.278 lít hóa chất, 627 tấn vôi bột để tiêu độc khử trùng các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, buôn bán động vật, cơ sở ấp nở, sản xuất giống.
Các huyện, thành phố ở Bắc Giang đã đồng loạt triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tỉnh đã hỗ trợ 2.000 lít hóa chất cho các địa phương; các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí ngân sách mua thêm vật tư, hóa chất và thành lập các tổ, đội vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng.
Trong Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng, 12.278 lít hóa chất và 627 tấn vôi bột đã được sử dụng để tiêu độc khử trừng cho các cơ sở chăn nuôi, các điểm giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, cơ sở ấp nở, sản xuất giống, khu tập kết thu gom động vật, sản phẩm động vật, các ổ dịch cũ, các bãi rác, các tuyến đường giao thông…
Toàn tỉnh cũng đã huy động được hơn 44 nghìn lượt người tham dự; 100% số xã, thị trấn đã triển khai thực hiện; hàng nghìn kilômét đường giao thông nông thôn được quét dọn, vệ sinh; hàng trăm kilômét cống rãnh được khơi thông; thu gom rác thải, xác động vật và xử lý.
Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng được xác định là tháng cao điểm trong phòng, chống dịch bệnh bởi thực hiện đồng loạt tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng sẽ góp phần hạn chế virus, vi khuẩn phát sinh lây lan trong môi trường, hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh góp phần đảm bảo môi trường sản xuất an toàn, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là giai đoạn thời tiết bước vào giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi tăng cao, đồng thời tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục bố trí nhân lực, vật lực tăng cường thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường, nhất là khu vực chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi tập kết gia súc, gia cầm, các tuyến đường thường xuyên vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, các ổ dịch cũ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý triệt để khi dịch bệnh mới phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vứt xác động vật không đúng nơi quy định.