KTNT - Ngày 30-6-2014, gần 200 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị “khai tử”.
Trong cuộc họp báo công khai trước đó, lãnh đạo tỉnh này hứa hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động, giúp giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho hàng ngàn công nhân tại các lò gạch. Tuy nhiên, lời hứa từ đó đến nay vẫn còn “treo” lơ lửng mà chưa thấy ai thực hiện.
Tiền hậu bất nhất
Tại buổi họp báo về tình hình xử lý lò gạch Hoffman trên địa bàn được UBND tỉnh Bình Dương tổ chức ngày 13-6-2014, Phó củ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho biết, ngày 30-6 tới, tỉnh sẽ cương quyết đóng cửa tất cả các lò gạch hoffman gây ô nhiễm. Theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28-4-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020 thì lò gạch hoffman không nằm trong diện khuyến khích đầu tư mà phải xây dựng lộ trình chấm dứt từng bước để thay thế bằng vật liệu xây dựng không nung. Đến nay, theo lộ trình, tỉnh Bình Dương đang ráo riết thực hiện các biện pháp chuyển đổi, trong đó kiên quyết chấm dứt hoạt động các lò đốt truyền thống, các lò nung đốt hoffman.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm (đứng) chủ trì cuộc họp báo ngày 13/6 về việc xử lí lò gạch hoffman trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Liêm, tỉnh Bình Dương đã chấp hành nghiêm túc Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ cùng thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng về việc thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động các lò gạch, ngói thủ công gây ô nhiễm, lộ trình chấm dứt hoạt động lò hoffman trên địa bàn tỉnh. Việc thực hiện và triển khai lộ trình này của tỉnh là xuyên suốt, nhất quán từ cấp tỉnh đến các huyện, thị.
Tuy nhiên, đại diện các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho rằng, chủ trương của tỉnh lúc trước và bây giờ không nhất quán nên khiến doanh nghiệp thiệt hại nặng, nhất là trong thời điểm các doanh nghiệp vừa trải qua cơn khủng hoảng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa kịp phục hồi. Chủ các doanh nghiệp cho biết: Năm 2005, thực hiện chủ trương di dời các lò gạch thủ công ra khỏi khu dân cư của tỉnh Bình Dương, hàng trăm cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch thủ công đã chuyển từ các khu đô thị đến khu vực nông thôn, miền núi, phù hợp với quy hoạch. Trong lúc ai nấy đang loay hoay, chưa biết tìm công nghệ sản xuất gạch nào cho phù hợp với số vốn ít ỏi của mình thì vào năm 2009, UBND tỉnh Bình Dương cho thí điểm đầu tư lò gạch theo công nghệ hoffman tại Công ty TNHH MTV Việt Linh (huyện Phú Giáo). Sau một thời gian triển khai, lãnh đạo các sở, ngành đánh giá cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ của địa phương, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng được giải quyết nên đều đồng tình cho triển khai nhân rộng. Ngày 3-12-2010, Sở Xây dựng có Tờ trình 2134/TTr-SXD-KTVL gửi UBND tỉnh, đề nghị thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò hoffman trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với lý do mô hình thí điểm theo công nghệ lò hoffman do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về chất lượng sản phẩm và môi trường. Từ chủ trương này, hàng loạt lò gạch thủ công ở tỉnh Bình Dương đã tìm thấy hướng đầu tư mới và nhiều người đã vay mượn từ 8 đến 10 tỷ đồng để đầu tư xây lò gạch theo công nghệ hoffman. Sản xuất chưa được bao lâu, thì ngày 14-2-2012, UBND tỉnh BD ban hành Công văn số 328/UBND-KTN, ra “tối hậu thư” yêu cầu các cơ sở, doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động các lò gạch áp dụng công nghệ hoffman trước ngày 30-6-2012. Trước nguy cơ hàng loạt lò gạch bị thiệt hại, Bộ Xây dựng đã ra Công văn số 896/BXD-VLXD ngày 1-6-2012, trong đó nêu rõ, với lò hoffman, “không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu… (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều…), tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại”. Tuy nhiên, đến ngày 2-7-2012, UBND tỉnh Bình Dương vẫn kiên quyết ra Thông báo số 169/TB-UBND bắt buộc các lò gạch hoffman ở tỉnh này phải “khai tử” trước ngày 30-6-2014.
Bà Bùi Thị Ngọc Anh, chủ lò gạch Trường Trung, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, bức xúc: “Các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ hoffman đều có quy mô vừa và nhỏ. Việc bỏ chi phí từ 20 đến 30 tỷ đồng để đầu tư xây lò tuynen là quá lớn, chúng tôi không kham nổi. Vì thế, khi tỉnh để mở chủ trương xây lò hoffman, chúng tôi đã vay từ 8 đến 10 tỷ đồng để xây lò hoffman. Sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, các công trình đầu tư xây dựng cơ bản trầm lắng, thị trường vật liệu xây dựng ảm đạm nên đến nay, chúng tôi vẫn chưa thu hồi hết vốn. Bây giờ, tỉnh Bình Dương lại quyết tâm “khai tử” lò gạch hoffman, thì gần 200 cơ sở, doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại cả ngàn tỷ đồng, chưa kể hàng ngàn lao động thủ công cũng mất việc và kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác”.
Vẫn thu thuế cơ sở, doanh nghiệp sai phạm
Tại buổi họp báo ngày 13-6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cho rằng, tỉnh phải cưỡng chế các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ hoffman là do các cơ sở, doanh nghiệp này đều có vi phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: kinh doanh không phép, xây dựng trái phép; vi phạm quy hoạch ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất, vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, điều lạ là trong mấy năm qua, mặc dù đã xác định những “sai phạm” này nhưng tỉnh Bình Dương vẫn đều đặn thu thuế các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất theo công nghệ hoffman. Thậm chí, một số trường hợp, chính quyền đã xử phạt hành chính nhưng sau đó làm ngơ, để doanh nghiệp tiếp tục xây lò, sản xuất, kinh doanh và nộp thuế đầy đủ.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất Nam Dương, cho biết: Năm 2010, khi chúng tôi xây lò, cơ quan chức năng có đến kiểm tra và lập biên bản phạt công ty xây dựng trái phép với số tiền 35 triệu đồng. Sau khi chúng tôi nộp phạt, chính quyền chịu êm, không cưỡng chế và cũng không kiểm tra nữa. Từ đó đến nay, chúng tôi hoạt động bình thường, hàng tháng, hàng năm, cơ quan thuế vẫn thu tiền thuế đầy đủ chứ không phân biệt doanh nghiệp có phép hay không phép.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Lam Nhi, lò gạch của công ty được cấp phép xây dựng đầy đủ, chi cục thuế cũng thu thuế hàng tháng đều đặn, không thiếu đồng nào. “Mặt khác, Lam Nhi cùng một số lò gạch khác hoạt động trên địa bàn Bắc Tân Uyên là huyện miền núi của Bình Dương – huyện được quy hoạch là huyện nông nghiệp, vật liệu xây dựng và khoáng sản, có thị trường tiêu thụ thấp, phù hợp để triển khai lò gạch hoffman (đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng). Vậy tại sao tỉnh vẫn kiên quyết dẹp bỏ mà không xem xét gia hạn cho chúng tôi thêm vài năm để thu hồi vốn?”, ông Hiển thắc mắc.
Như vậy, mặc dù khẳng định là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch hoffman xây dựng bừa, không tuân thủ quy định pháp luật nhưng UBND tỉnh Bình Dương vẫn “tiếp tay” cho các doanh nghiệp, cơ sở này hoạt động thông qua việc cấp điện, nước và đặc biệt là vẫn thu thuế như một đơn vị sản xuất kinh doanh bình thường. Vậy phải chăng, một mặt, tỉnh Bình Dương dằn mặt doanh nghiệp khi kiểm tra, xử phạt ban đầu; mặt khác, vẫn mặc nhiên công nhận sự tồn tại và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây lò gạch hoffman rồi cung cấp gạch cho thị trường, đóng thuế, đem lại nguồn thu cho tỉnh?
Công nhân mất việc vì cơ sở sản xuất gạch hoffman bị đóng cửa.
Chỉ nói...
Liên quan đến việc chuyển đổi ngành nghề cũng như giải quyết việc làm cho các lao động tại các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gạch hoffman, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết, Sở đã kết hợp với các địa phương có lò gạch để mời các doanh nghiệp, các lao động đến trao đổi nhằm chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm. Cụ thể, nếu doanh nghiệp có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động sẽ được xem xét, hỗ trợ giải quyết theo chính sách. Tỉnh Bình Dương cũng có thể giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch hoffman bằng cách chuyển đổi sang các công việc khác phù hợp với điều kiện của họ.
Mặc dù lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương hứa như thế tại cuộc họp báo công khai, thế nhưng hơn 2 tháng qua, các lao động thủ công mất việc sau khi lò gạch hoffman bị “khai tử” vẫn thơ bơ thất bất, không có thu nhập để nuôi sống gia đình, bản thân cũng không biết làm việc gì khác vì đa phần tuổi cao, trình độ không có. Ông Trần Đăng Cao (50 tuổi), một lao động làm việc tại lò gạch hoffman ở huyện Phú Giáo, buồn rầu nói: Hơn 2 tháng nay không có việc làm, tôi phải sống lay lắt qua ngày. Con tôi ở quê phải nghỉ học trước mùa khai trường vì không có tiền nộp học phí. Ở tuổi tôi bây giờ mà mất việc thì biết kiếm việc gì khác bây giờ?
Chị Mai Thị Hiền (34 tuổi) vừa dỗ con khóc, vừa than thở: Chủ lò gạch nói rằng hôm nay là ngày cuối mẹ con tôi có thể ở nhờ tại đây vì họ không còn đủ sức cưu mang ai nữa. Họ cũng hết cách rồi khi chính quyền cứ ép họ vào bước đường cùng như thế. Chỉ khổ cho công nhân lao động chúng tôi, mất việc thì biết sống làm sao? Nghe tỉnh nói sẽ hỗ trợ cho công nhân học nghề, chuyển đổi công việc mà chỉ thấy hứa suông chứ chưa thấy thực hiện. Lãnh đạo ở trên cao nên soi xét cuộc sống khó khăn của dân tình rồi mới quyết định chứ đừng nên làm bừa.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với gạch đất sét nung, không đầu tư các loại lò thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (lò hoffman) sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí). Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các cơ sở đang sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuynel, phải tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải tiến công nghệ để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên; đối với các tỉnh miền Nam khuyến khích đầu tư công nghệ lò tuynen sử dụng nhiên liệu trấu và mùn cưa.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng và ban hành lộ trình chấm dứt hoạt động của các loại lò sử dụng công nghệ lạc hậu. Cụ thể, các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Tùy theo điều kiện cụ thể, khuyến khích các địa phương chấm dứt hoạt động đối với các lò vòng không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các cơ sở sản xuất nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào năm 2020 với lò đứng liên tục”.
Hiện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch hoffman ở tỉnh Bình Dương chỉ mong muốn tỉnh làm đúng lộ trình theo quy hoạch của Chính phủ để họ tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, thu hồi vốn, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động chứ đừng đẩy họ đến bờ vực thẳm rồi gây ra bao hệ lụy xã hội./.
Nhóm PV điều tra
KTNT