Nước ta có nhiều nông dân dù không được đào tạo bài bản nhưng đã tự mày mò sáng chế ra nhiều loại máy giúp cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Máy lên luống và trồng khoai tây của anh Hát.
Những nhà phát minh “không bằng cấp”
Một nhà phát minh có thể được xếp vào bậc tài năng nhất trong các nhà phát minh nông dân ở Việt Nam, từng được người Mỹ mời về làm việc với mức lương hơn trăm triệu mỗi tháng, đó là anh Phạm Văn Hát, sinh năm 1972 ở Tứ Kỳ (Hải Dương). Anh Hát chỉ học hết lớp 7 rồi lên thành phố xin vào một xưởng cơ khí vừa học vừa làm. Sau thất bại dự án trồng rau sạch, anh liều mượn thêm 200 triệu đồng nữa để đi xuất khẩu lao động, với hy vọng học hỏi công nghệ trồng rau sạch ở quốc gia có trình độ nông nghiệp tiên tiến như Israel.
Sang Israel làm thuê ở một trang trại, thấy việc làm nông ở quốc gia rất hiện đại vẫn còn nhiều công đoạn thủ công và một người phải làm việc đến 10 tiếng, anh Hát đề xuất với ông chủ trang trại ý định chế tạo một chiếc máy rải phân. Được ông chủ đồng ý và cấp vốn nghiên cứu, chỉ sau vài tháng, anh Hát sáng chế thành công máy rải phân đạt hiệu quả khá tốt khi thử nghiệm trên các cánh đồng ở Israel. Anh được thưởng hơn 200 triệu đồng Việt Nam và sáng chế của anh được chính phủ Israel ghi nhận, mua bản quyền sản xuất hàng loạt cho nông dân toàn quốc.
Sau đó, anh Hát sáng chế thêm một số loại máy khác như máy dọn rau, máy cắt rau, cắt hành, máy phân chia luống…, tất cả đều đạt kết quả tốt khi đưa vào hoạt động. Anh được chủ tăng lương nhưng lúc đó thì anh quyết định quay về Việt Nam để theo đuổi đam mê sáng chế máy nông nghiệp phục vụ quê hương.
Sau khi về nước, anh Hát đã sáng chế thêm nhiều loại máy khác cũng rất thành công trong sản xuất nông nghiệp. Tiêu biểu như máy đặt hạt giúp giảm tải ngày công lao động, đồng thời nâng cao năng suất gieo hạt, vì vậy, còn được gọi là robot đặt hạt. Tùy vào từng cánh đồng, robot có thể đặt hạt chính xác ở khoảng cách 2 hoặc 3cm và thay thế cho khoảng 40 người làm việc. Robot này được anh Hát bán với giá 35-40 triệu đồng (rẻ hơn nhiều so với các thiết bị nhập khẩu có chức năng tương tự), xuất sang 14 nước như Đức, Mỹ..., các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan... Robot đặt hạt đã giúp anh Hát giành giải cao tại các hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Hải Dương và toàn quốc những năm 2012, 2013, nhận Huân chương Lao động tại Đại hội Nông dân toàn quốc lần IV giai đoạn 2010-2015.
Anh Hát thống kê, mình đã sáng chế và cải tiến được trên 15 loại máy móc, ngoài các máy nêu trên còn có những máy như: máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân…
Một điều đặc biệt ở anh Hát là dù chưa học hết cấp 2 nhưng anh đã có nhiều sáng chế để đời và luôn mong muốn đóng góp ngay trên quê hương, giúp đỡ các nông dân khác cùng đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Ngoài các nông dân có nền tảng kinh nghiệm cơ khí nhất định như anh Hát thì cũng có nhiều trường hợp “kỹ sư” nông dân hoàn toàn không bằng cấp, không kinh nghiệm chuyên môn mà dấn thân vào chế tạo máy móc và thành công trong lĩnh vực mới. Như ông Nguyễn Văn Chế, sinh năm 1962 ở huyện Nam Sách (Hải Dương), chỉ học hết lớp 7/10 (hệ 10 năm), chưa từng được đào tạo về cơ khí nhưng cũng đã có nhiều sáng chế hữu ích. Sáng chế nổi tiếng của ông Chế là lưỡi cày lên luống được ra đời sau một năm nghiên cứu từ 2008-2009.
Lưỡi cày của ông Chế là lưỡi cày đa năng, vừa cày, vừa lên luống với những luống đều nhau được tạo ra khi sử dụng cùng với máy cày lật đất. Lưỡi cày có thể được điều chỉnh nâng lên, hạ xuống cho phù hợp với độ cao thấp của luống đất. Theo thống kê, lưỡi cày đa năng của ông Chế giúp nông dân giảm 50-60% chi phí làm đất (200.000 - 210.000 đồng/sào - 1 sào Bắc Bộ = 360m2), giảm nhân công, thời gian làm đất trong vụ đông. Mỗi năm, xã Nam Trung quê ông Chế trồng gần 200ha cây vụ đông thì có thể tiết kiệm trên 1 tỉ đồng công lao động, rút ngắn thời gian làm đất 10-15 ngày/vụ khi sử dụng lưỡi cày mới. Nhờ vậy, sản phẩm này rất phổ biến ở các tỉnh có phong trào làm vụ đông mạnh như Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hòa Bình... và đến nay đã xuất hiện trên tất cả 63 tỉnh, thành với giá 1 triệu đồng/cái. Lưỡi cày đa năng đã được nhận các giải thưởng Khoa học công nghệ, giải thưởng trong Hội nghị khoa học kỹ thuật của tỉnh Hải Dương.
Ngoài lưỡi cày lên luống, ông Chế còn có những sáng chế khác góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cho bà con nông dân như: Máy phay thái hành tỏi, máy sử dụng quạt gió tỏa nhiệt giúp cho việc sơ chế hành tỏi… Những phát minh thiết thực này không chỉ đem lại cho ông Chế danh hiệu “vua sáng chế” trong mắt bà con nông dân mà còn giúp ông mở được xưởng sản xuất tại nhà, tạo việc làm cho 8 lao động với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng.
Sáng chế “siêu sao” ăn đứt hàng ngoại
Tự mày mò, nghiên cứu sáng chế ra máy bào thẳm dọc và lò hấp gỗ “khủng” với công suất bằng cả 20 - 30 người làm, “nhà sáng chế chân đất” dân tộc Sán Dìu khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.
Anh Thủy bên chiếc máy xẻ gỗ do anh sáng chế.
Đó là anh Trương Văn Thủy (thôn Còi Mò, xã Tân Tiến, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn). Anh bảo, giờ làm gì cũng phải tính đến năng suất và giá thành. Máy bào thẳm dọc của Hàn Quốc lúc đó có giá 150 triệu đồng, nếu mua về sử dụng thực sự rất khó thu hồi vốn. “Bào thẳm bằng tay, dù có cật lực thì năng suất và độ chính xác đều không đạt, mình phải tăng năng suất, giảm giá thành bằng cách sáng chế ra máy bào thẳm dọc”, anh Thủy nghĩ.
Chỉ trong 1 tháng, máy bào thẳm dọc hoàn thành. Khi đưa vào sử dụng, một ngày vận hành máy năng suất bằng 15-30 người làm mà chi phí thực hiện chỉ có 5 triệu đồng. “Độ chính xác gần như tuyệt đối, sản phẩm đã dọc bào thẳm bằng máy này có thể ráp khít 99,9%, không thể phát hiện dù chưa qua xử lý. Độ an toàn hơn cả máy của Hàn Quốc”, anh Thủy nói.
Khi có máy bào thẳm dọc thì nguyên liệu gỗ lại không đủ cho máy hoạt động, để mua lò hấp phải mất 300 triệu đồng. Chỉ cái lò hấp gỗ trong xưởng mộc, Thủy bảo, may năm 2018 trong một lần đi dự hội nghị tại Hà Nội, lúc giải lao, mình vô tình thấy một ông có cái hộp hút thuốc lào, mình đã mượn để xem.
Khi mình đổ nước trong hộp đi, cả ông ấy và mình đều không hút nổi, sau mình cho nước từng mức thấy hút êm hơn, mình lóe lên ý tưởng làm lò hấp gỗ hơi nước từ chính chiếc hộp hút thuốc này. Khi về đến nhà, mình thức một đêm để nghiên cứu, tính toán, sáng hôm sau bắt tay vào thực hiện luôn. Chỉ sau 3 ngày, lò hấp gỗ đã ra đời.
Sáng chế lò hấp gỗ không khói có thể cho ra 7m3 gỗ trong 7 ngày, thay vì phải đợi khô tự nhiên từ 2-5 tháng, ý tưởng được hình thành từ chiếc hộp hút thuốc lào. Chất lượng gỗ khi qua lò đảm bảo không vênh, không co ngót.
Cơ chế hoạt động của lò hấp: Lửa sẽ đốt bình nước có vách điều dẫn khói tỏa xuống, trộn với hơi nước trong bình khi sôi và bốc lên khoang hấp gỗ, tại đây, gỗ sẽ hút hết khói và hơi, do đó, lò sẽ không có khói khi vận hành.
Thành công với lò hấp gỗ, “nhà sáng chế chân đất” Trương Văn Thủy tiếp tục nung nấu ý tưởng sáng chế lò đốt rác không khói. Theo anh Thủy, những lò đốt rác trên địa bàn Bắc Kạn đang hoạt động không hiệu quả, khói nhiều mà mùi cũng rất đáng sợ mỗi khi đốt. Anh đang nghiên cứu sáng chế lò đốt rác không khói, có thể đặt ở các cơ quan, các trung tâm xã, phường hoặc thôn bản mà không gây mùi, không ô nhiễm.
“Tôi đã thử nghiệm rồi, cả tôn, cả rác thải y tế cũng đều tan chảy được. Cái khó là kinh phí thực hiện, tôi mong có sự đồng hành tạo điều kiện của chính quyền, các cơ quan ban, ngành để tôi vay vốn ưu đãi đầu tư cho nghiên cứu. Khi có sản phẩm, đề nghị các cơ quan chuyên môn thẩm định, đánh giá, và có thể đưa vào sử dụng trong toàn tỉnh”, anh Thủy chia sẻ.
Máy lọc nước mặn thành nước ngọt phát huy hiệu quả trong ứng phó hạn, mặn
Những tuần gần đây, nhà vườn trồng sầu riêng ở Cai Lậy (Tiền Giang) đứng ngồi không yên vì nước mặn tăng quá cao. Nghe người dân xung quanh truyền tai nhau hiệu quả của chiếc máy lọc nước mặn do anh Huỳnh Công Thành chế tạo, nhiều người dân ở đây không ngại đầu tư.
Hiện một chiếc máy lọc nước mặn công suất 500 lít/giờ được anh Thành bán với giá 40 triệu đồng. Còn loại có công suất gấp đôi thì có giá 70 triệu đồng.
Nước mặn sau khi lọc, nếu muốn sử dụng cho việc ăn uống, theo anh Thành, chỉ cần lấp đặt thêm thiết bị sát khuẩn nước. Hiện máy lắp không kịp cho nhu cầu. Thời gian tới, anh Thành sẽ cải tiến máy lọc được nhiều nước hơn, đảm bảo cho việc tưới tiêu vườn sầu riêng và “cứu” nhiều loại cây trồng khác trong vùng.
Hầu hết các nhà sáng chế “chân đất” đều xuất phát từ ý tưởng sáng tạo ra những chiếc máy thay thế sức lao động của con người và khơi nguồn từ những công việc thường ngày của họ, chính bản thân họ cũng chưa từng nghĩ có ngày trở nên nổi tiếng nhờ những chiếc máy mà các anh thường đùa là “đơn giản tới không ngờ”. Vì vốn dĩ, đó là những sáng tạo, mày mò xuất phát từ đam mê và nhu cầu thực tiễn, chính bởi vậy mà mang lại hiệu quả thiết thực nhất.
Trong bối cảnh những sáng chế của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học ít có tính ứng dụng trong thực tế thì nhiều sáng chế của nông dân có tính thực tiễn cao nhưng gặp phải rào cản chậm chễ trong việc đăng ký bản quyền để thương mại hóa sản phẩm.
Thực tế nhiều sáng chế đã cho hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên để những sáng chế này được đưa vào sản xuất thương mại và sử dụng rộng rãi thì những “nhà sángchế nông dân” cần có biện pháp tháo gỡ cơ chế để phát triển công nghiệp cơ khí và những thông tin hiểu biết về thị trường, về các thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký bản quyền. Đó là sự liên kết giữa nhà khoa học, nhà nước, nhà băng, doanh nghiệp và nông dân, cùng tạo nên chìa khóa phát triển nông nghiệp trong tương lai.
Bài 5: Tháo gỡ thể chế phát triển công nghiệp cơ khí
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.