Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 25 tháng 9 năm 2019 | 14:20

Bài 4: Oan sai, tăng hình phạt đối với các bị cáo

Đúng hẹn, sáng 26/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án "buôn lậu" gỗ trắc, tuyên tăng mức hình phạt đối với các bị cáo.

unnamed.jpg
Các bị cáo tại tòa.

Cả hội trường xử án im phắc không một tiếng ồn nào lọt vào, khác thường với những ngày xử trước khác. Chủ tọa Phạm Việt Cường đọc bản án phúc thẩm, bác kháng cáo kêu oan của 4 bị cáo và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng là tăng hình phạt với 2 bị cáo, tịch thu một phần lô gỗ.

Những bản án vô lý?

Cụ thể, về tội “Buôn lậu” phạt bị cáo Trương Huy Liệu 7 năm tù (án sơ thẩm phạt 1 năm 16 ngày tù, bằng thời gian tạm giam); bị cáo Trần Thị Dung 3 năm tù treo (án sơ thẩm phạt 9 tháng tù treo). Về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” phạt bị cáo Đỗ Lý Nhi và Lê Xuân Thành mỗi người 9 tháng tù treo (như án sơ thẩm).

Bản án phúc thẩm công nhận kết luận giám định số 783/STTNSV ngày 26/11/2012 xác định lô gỗ có 614,671 m3 (gồm 590,943 m3 gỗ trắc và 23,828 m3 gỗ giáng hương) như kháng nghị để luận tội. Tuy nhiên, nếu kháng nghị cáo buộc hành vi “buôn lậu” cả lô gỗ và tịch thu toàn bộ thì án phúc thẩm trừ đi số gỗ Công ty Ngọc Hưng đã kê khai là 535,8 m3 để kết tội 'buôn lậu' và tịch thu chỉ 78,871 m3 (714,671 – 535,8).

Với số gỗ 535,8 m3 không kết tội “buôn lậu”, án phúc thẩm tuyên chuyển sang Tổng cục Hải quan để xử lý hành chính hành vi khai sai. Vì lô gỗ vật chứng đã bị C44 Bộ Công an bán mất vào tháng 01/2014 trong quá trình điều tra được 63.826.060.000 đồng nên chỉ chuyển phần tiền tương đương là 59.689.806.000 đồng sang Tổng cục Hải quan, còn phần 'buôn lậu' 4.136.254.000 đồng tịch thu vào ngân sách.

Theo phán xét trên thì hành vi 'thiếu trách nhiệm…' của bị cáo Nhi và Thành cũng sẽ nghiêm trọng hơn án sơ thẩm (án sơ thẩm công nhận biên bản giám định số 151/VSTNSV ngày 12/3/2012 lô gỗ có 453,104 m3, và phạt hành vi 'buôn lậu' chỉ với 21,506 m3 gỗ giáng hương) nhưng kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng không đề cập nên tòa phúc thẩm không xét xử. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét giám đốc thẩm để tăng hình phạt với bị cáo Nhi và Thành.

Các cáo buộc của kháng nghị là bị cáo Liệu và Dung làm giả hồ sơ để nhập khẩu, xuất khẩu lô gỗ đã bị bản án phúc thẩm bác bỏ. Án phúc thẩm nhận định, Công ty Ngọc Hưng nhập và xuất khẩu lô gỗ có hồ sơ giấy tờ, nộp thuế đúng pháp luật. Nhận định này nếu căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật thì Công ty Ngọc Hưng không có hành vi buôn lậu. Như thế, giữa nhận định và kết luận, bản án phúc thẩm đã có mâu thuẫn.

Những lời bào chữa ấm ức từ luật sư

Luật sư Lê Văn Khiển (Công ty Luật Lê Văn Hiến, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Trị) bào chữa cho vợ chồng bị cáo Liệu phân tích thêm, bản án công nhận Kết luận giám định số 783 để cho rằng có hành vi khai không đúng hàng hóa, buộc tội “buôn lậu”. Thế nhưng, căn cứ các quy định của pháp luật, nếu khai không đúng hàng hóa thì cũng chỉ có thể phạt hành chính, không xử lý hình sự (phải buôn bán từ 7 m3 gỗ của rừng tự nhiên trong nước trở lên mới xử hình sự). Và phạt hành chính cũng chỉ với hành vi khai không đúng để nộp thiếu thuế. Còn ở đây, cả lô gỗ nhập khẩu được làm thủ tục xuất khẩu sau hai ngày, không phải nộp thuế xuất nhập khẩu, còn thuế giá trị gia tăng nộp khi nhập được hoàn lại khi xuất. Nghĩa là, không gây hậu quả thiếu thuế ở vụ này dù có khai sai.

“Còn chuyển phần lớn lô gỗ vật chứng sang Tổng cục Hải quan để xử phạt vi phạm hành chính thì còn thời hiệu hay không? Bởi quy định xử phạt vi phạm hành chính chỉ trong vòng 02 năm, hành vi được bản án phán xét ở đây diễn ra trong tháng 12/2011”, Luật sư Khiển nói.

Lời từ chối cuối cùng của Kiểm lâm vùng II

Nguyên nhân để Tòa tuyên án tội buôn lậu đối với ông Trương Huy Liệu là vấn đề lớn nhất của Kết luận giám định số 783 là giá trị pháp lý của nó. Trong những ngày xét xử cho thấy, C44 Bộ Công an trưng cầu Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định nhưng Viện chỉ có chức năng phân loại gỗ, không có chức năng đo khối lượng gỗ. Theo quy định của pháp luật, trong trường hợp này Viện phải từ chối. Thế nhưng, Viện nhận và cùng Kiểm lâm Vùng II tham gia để đo khối lượng gỗ. Hơn thế nữa, pháp luật thời điểm đó quy định, phải đo để tính khối lượng nhưng Kiểm lâm Vùng II lại tính từ cân để quy đổi ra khối lượng (cứ 1 tấn quy đổi ra thành 1 m3), rất thiếu chính xác.

Trước lúc Tòa tuyên, đại diện Kiểm lâm Vùng II khai: “Chúng tôi cung cấp số liệu cho Cơ quan CSĐT để tham khảo, không trực tiếp quy đổi như thực hiện trong giám định 783 và không liên quan gì cả”.

Căn cứ pháp lý quá yếu cho một bản giám định “sinh tử”, đã gây tranh cãi nhiều trong thời gian xét xử.

Bản án phúc thẩm không làm sáng tỏ được gì thêm, còn đặt ra nhiều mâu thuẫn khác. Ngay khi tuyên án kết thúc, cả phòng xử án vang lên nhiều tiếng đồng thanh kêu oan!

 

Nhóm PV miền Trung

Ý kiến bạn đọc
Top