Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 10 năm 2021 | 22:16

Bắt, xử phạt nhiều vụ phân bón giả, kém chất lượng

Trong lúc giá phân bón trong nước tăng cao khiến nông dân điêu đứng thì lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh phân bón kém chất lượng, vi phạm về nhãn, thậm chí là phân bón giả. Nhiều đối tượng đã bị xử phạt hành chính.

Bắt 150 tấn phân bón không rõ nguồn gốc

Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cần Thạnh, BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vào 0 giờ 5 phút ngày 30/9, tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh và Đội đặc nhiệm thuộc Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh) tiến hành tổ chức tuần tra trên biển. Khi đến khu vực Vịnh Đồng Tranh thuộc vùng biển Cần Giờ tổ công tác phát hiện phương tiện mang biển kiểm soát LA08008 đang hành trình theo hướng từ Vịnh Đồng Tranh vào cửa sông Soài Rạp có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra.

 

 Phương tiện mang biển kiểm soát LA08008 vận chuyển trái phép khoảng 150 tấn phân bón đang bị lực lượng chức năng tạm giữ (Ảnh Đức Thắng).

 

Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện LA08008 có chứa khoảng 150 tấn phân bón. Người điều khiển phương tiện là ông Nguyễn Ngọc Sĩ, ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An không xuất trình được giấy tờ chứng minh được tính hợp pháp của số hàng hóa nói trên, cũng không xuất trình được giấy tờ liên quan đến phương tiện và người làm việc trên phương tiện.

Ông Sĩ khai số phân bón này được mua từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vận chuyển về thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ. Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện nói trên để tiếp tục điều tra, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.

An Giang phát hiện, xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm

Mới đây, Tổ công tác liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang đóng tại địa huyện Tịnh Biên tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Phúc Hưng, ở địa chỉ tổ 5, ấp Phú Hòa, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang), do ông Lưu Tư Trí, làm chủ.

Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện có trên 15.700 chai, gói các loại thuốc trừ bệnh, trừ cỏ, thuốc diệt chuột và phân bón lá có xuất xứ nước ngoài với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên.

 

Ngay sau đó, Tổ công tác đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở về hành vi “kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ” và tạm giữ số hàng trên. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an huyện Tịnh Biên tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.

Cục QLTT An Giang cũng vừa phát hiện cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm về nhãn hàng hoá. Theo đó, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Trương Văn Sắt do ông Trương Hoàng Lâm làm đại diện, ở ấp Bình An, xã Bình Phú, (Châu Phú, An Giang).

Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh đảm bảo đầy đủ các điều kiện buôn bán phân bón theo quy định, tuy nhiên chưa xuất trình được hóa đơn 9,5 tấn phân bón đối với các mặt hàng phân bón D.A.P 18-46 và phân bón cao cấp Canada 16-16-8+TE. Cả hai loại phân bón nêu trên, có nhãn không đủ nội dung theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa là không ghi mã số phân bón. Trị giá hàng hóa 108,6 triệu đồng. Đoàn kiểm tra lấy mẫu phân bón D.A.P 18-46 để kiểm tra một số chỉ tiêu chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón.

Cũng tại An Giang, đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN) thuộc Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang đã kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Phú, địa chỉ ấp Bình Hòa (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú), lấy 3 mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng.

 

 Sản phẩm phân bón giả của Công ty TNHH Thiên Phú bị đoàn kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (Thanh tra Sở NN&PTNT An Giang) kiểm tra.

 

Kết quả thử nghiệm chất lượng cho thấy, 2 sản phẩm phân bón lá NPK có chất điều hòa sinh trưởng “TP05” (sản xuất ngày 1/3/2021) và phân bón vi lượng “TP-ComBi”, cùng do Công ty TNHH Thiên Phú (sản xuất ngày 1/3/2021) là hàng giả giá trị sử dụng, công dụng.

Cụ thể, phân bón lá NPK có chất điều hòa sinh trưởng “TP05” có hàm lượng đạm tổng số (Nts) đăng ký là 7%, kết quả thử nghiệm 3,14%, tỷ lệ đạt 45%; hàm lượng Kali hữu hiệu (K20hh) đăng ký là 10%, kết quả thử nghiệm 5,93%, tỷ lệ đạt 59,3%; hàm lượng canxi (Ca) đăng ký là 3,5%, kết quả thử nghiệm 1,44%, tỷ lệ đạt 41%. Đối với phân bón vi lượng “TP-ComBi”, hàm lượng kẽm đăng ký là 15.000ppm, kết quả thử nghiệm 9,37x103ppm, tỷ lệ đạt 62%.

Với hành vi sản xuất phân bón giả giá trị sử dụng, công dụng, UBND tỉnh An Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Thiên Phú với số tiền 160 triệu đồng; tịch thu công cụ, máy móc được sử dụng để sản xuất hàng giả và buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm.

Kinh doanh phân bón giả Lâm Đồng phạt hơn 1 tỷ đồng

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy hơn 16 tấn phân bón giả, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường; đồng thời thu hồi buộc tái chế trên 43 tấn phân bón kém chất lượng.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt các cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, không có giấy phép lưu hành tổng số tiền hơn 1,038 tỷ đồng, buộc các đối tượng vi phạm nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp, đồng thời tổ chức tiêu hủy số hàng hóa này.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 3 đã kiểm tra, xử lý 2 vụ mua bán phân bón giả, phân bón không có quyết định công bố lưu hành gồm: phân bón hỗn hợp NPK CONCOC 21-4-4, phân bón hỗn hợp NPK cao cấp 20-5-5+Bo+Đồng+Kẽm+TE, phân bón hỗn hợp NPK cao cấp 19-9-19+TE…Đội đã lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hơn 260 triệu đồng và buộc các đối tượng vi phạm tiêu hủy toàn bộ số phân bón trị giá hơn 100 triệu đồng.

 

 Lâm Đồng xử phạt hơn 1 tỷ đồng các cơ sở kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng.

 

Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng, ngoài 2 vụ trên, các đội Quản lý thị trường ở Lâm Đồng còn phát hiện hàng chục vụ tương tự, xử phạt các cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm với tổng số tiền hơn 1,038 tỷ đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 37 triệu đồng.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lâm Đồng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt quy trình kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đặc biệt là việc giám sát các đối tượng vi phạm thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan tới kinh doanh phân bón quá hạn sử dụng, kém chất lượng. Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp) đã tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Tín Mai, địa chỉ 432 ấp Tân Hòa, xã Tân Phú, (Châu Thành, Đồng Tháp), do ông Nguyễn Trọng Tín làm chủ. Qua kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 2.847 đơn vị sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật và 1.450 đơn vị sản phẩm phân bón quá hạn sử dụng, tổng trị giá tang vật gần 153 triệu đồng. Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã tiến hành lập biên bản làm cơ sở xử lý theo quy định.

 

 Lực lượng QLTT Đồng Tháp phát hiện một cơ sở bày bán hơn 4.000 đơn vị sản phẩm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hết hạn sử dụng.

 

Trước đó, Tổng cục QLTT đã có Công văn số 1634/TCQLTT-CNV về việc tăng cường kiểm tra, giám sát mặt hàng phân bón. Trong đó, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành có liên quan tại địa phương xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón. Thời gian kiểm tra từ ngày 1/8 đến ngày 12/12/2021.

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top