Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 10 tháng 10 năm 2021 | 22:20

Bộ Công an cảnh báo tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo

Gần đây, lực lượng chức năng phát hiện, phá thành công nhiều đường dây đánh bạc doanh số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Công an đã phải cảnh báo về tội phạm sử dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới.

Hà Nội triệt phá đường dây đánh bạc 1.500 tỷ đồng

Mới đây, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), đã triệt phá thành công đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc quy mô hàng ngàn tỷ đồng. Theo đó, vào khoảng giữa tháng 7/2021, Đội Cảnh sát Hình sự Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện một đường dây đánh bạc qua mạng đặc biệt lớn dưới hình thức chơi game mua, bán điểm, đổi thưởng. Ngay sau đó, Công an quận đã xác lập chuyên án để đấu tranh làm rõ.

 

 Nguyễn Minh Thành và những chiếc siêu xe tang vật bị lực lượng chức năng thu giữ.

 

Rạng sáng 18/8/2021, tổ công tác Đội CSHS kiểm tra hành chính 2 nam thanh niên tên Nguyễn Văn Thành và Hoàng Văn Trọng cùng ở tại phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) đang điều khiển xe máy, phát hiện trong túi của Thành có 800 triệu đồng. Lúc này, Thành không chứng minh được nguồn gốc số tiền trên, tổ công tác đã lập biên bản đưa về trụ sở cơ quan Công an để đấu tranh làm rõ.

Qua đấu tranh xác định, đây là 2 chân rết làm nhiệm vụ đi rút tiền tại các cây ATM và phụ giúp các công việc trong đường dây đánh bạc trên mạng do Nguyễn Minh Thành ở phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), cầm đầu. Ngay sau đó, ban chuyên án đã bắt giữ Nguyễn Minh Thành để tiếp tục điều tra.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, khoảng cuối năm 2019, qua tìm hiểu các thông tin trên mạng Internet, Thành nhận thấy nhiều người thích chơi các game bài qua mạng nên đã nảy sinh ý định tổ chức đánh bạc bằng hình thức game nên đã tìm mua 1 mã nguồn game sau đó thuê Vũ Tiến Duy, ở phường Mỹ Đình 1 (Nam Từ Liêm), và Bùi Nhật Anh, ở phường Hàng Bông (Hoàn Kiếm), cùng xây dựng, chỉnh sửa phần mềm game bài và lấy tên là “SOCVIP”.

Thành thuê Nguyễn Trường Sơn, ở xã Hùng Tiến, Nam Đàn, Nghệ An chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút người chơi tham gia đánh bạc trên ứng dụng. Thành rủ thêm Trần Đức Cường, ở phường Lộc Hòa, TP Nam Định, tỉnh Nam Định và Phạm Trung Thành, ở phường Phúc La (Hà Đông, Hà Nội), quản lý phần mềm game bài trên các nền tảng điện thoại và máy tính.

Đến đầu năm 2020, nhóm của Thành chính thức đưa game bài “SOCVIP” vào hoạt động, sau đổi tên game bài từ “SOCVIP” thành “SUMVIP”, mở thêm 1 game bài mới đặt tên là “VUACLUB” hoạt động đồng thời với mô hình như trên, dưới sự quản lý và vận hành của nhóm Thành.

 

 Lấy lời khai các đối tượng số tiền tang vật hàng chục tỷ đồng thu giữ từ game bài.

 

Cơ quan điều tra đã xác định được 160 đại lý cấp 1 và cấp 2 của 2 game bài phụ trách việc mua, bán đổi thưởng cho các con bạc. Các đối tượng thỏa thuận chia đều lợi nhuận kiếm được từ game bài. Theo lời khai của Thành, ban đầu nhóm chỉ kiếm được dưới 100 triệu đồng/tháng nhưng từ tháng 6/2021- 8/2021, doanh thu từ game bài tăng đột biến, lên tới gần chục tỷ đồng/tháng.

Để được tham gia chơi game bài, người chơi phải nạp tiền để mua “SUM” của SUMVIP, mua “VUA” của VUACLUB (SUM, VUA là đơn vị tiền ảo quy đổi để sử dụng đánh bạc trong game) bằng các phương thức như nạp thẻ viễn thông; thanh toán ví điện tử (Momo). Dòng tiền trên Thành sẽ chuyển thành tiền mặt bằng 2 cách qua thẻ sim điện thoại và các ví điện tử. Thống kê bước đầu cho thấy, 2 game bài do các đối tượng tạo ra đã thu hút hơn 6 triệu tài khoản tham gia đánh bạc, ước tính số tiền giao dịch lên tới khoảng 1.500 tỷ đồng.

Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở và làm việc của các đối tượng, Cơ quan điều tra thu giữ 13 xe ô tô; 1 xe máy; hơn 9,3 tỷ đồng; 20.000 USD; 3 bộ trái phiếu của một công ty trị giá khoảng 5 tỷ đồng; 23 cây máy tính, 26 màn hình các loại và 4 laptop; hơn 2 vạn thẻ sim điện thoại; 12 bộ thiết bị đầu cuối GSM; phong tỏa các tài khoản ngân hàng với số tiền khoảng 10 tỷ đồng, kê biên tài sản 6 căn hộ của các đối tượng đang điều tra trong vụ án.

Ban chuyên án đã bắt giữ 18 đối tượng liên quan với 3 nhóm tội danh. Trong đó, “ông trùm” Nguyễn Minh Thành và 9 đối tượng bị Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm khởi tố tội danh tổ chức đánh bạc; 7 đối tượng tội danh đánh bạc và 1 đối tượng tội danh đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

An Giang phá đường dây đánh bạc 2.000 tỷ đồng

Trước đó, ngày 31/8/2021, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã khởi tố 17 bị can trong đường dây đánh bạc hơn 2.000 tỷ đồng tại TP Long Xuyên do Nguyễn Thị Thủy Liên cầm đầu.

Theo điều tra, đường dây cờ bạc này do các bị can Nguyễn Thị Thủy Liên, Dương Văn Hoàng và Huỳnh Sĩ Nguyên tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang. Trong đó, nhóm người này tổ chức ăn thua bằng hình thức lô đề.

 

 Hai nghi phạm Tuấn Thanh và Hạnh bị khởi tố, bắt giam (Ảnh: Tiến Tầm).

 

Cơ quan điều tra xác định, đường dây hoạt động nhiều năm trên địa tỉnh An Giang. Số tiền giao dịch lên tới hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là vụ án có quy mô lớn, nhiều đối tượng tham gia. Ngoài 17 can bị khởi tố, còn 25 người khác đã đến cơ quan điều tra đầu thú.

Khám xét nơi ở các nghi can, cảnh sát đã thu giữ nhiều tài liệu, tang vật có liên quan gồm 100 điện thoại di động, máy fax, máy in, laptop. Bước đầu thu giữ tại nơi ở của các đối tượng số lượng tiền mặt hơn 5 tỷ đồng. Qua kiểm tra tài khoản 1 tài khoản của bà Liên, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm bị triệt phá, số tiền tham gia đánh bạc đã lên đến hơn 50 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã phong tỏa 70 tài khoản liên quan đến đường dây cờ bạc này.

 

 Công an khám xét nhà các nghi can trong đường dây đánh bạc này và thu giữ các tang vật có liên quan (Ảnh Công an An Giang).

 

Đến cuối tháng 9/2021, Công an tỉnh An Giang tiếp tục khởi tố thêm 7 nghi phạm trong đường dây đánh bạc do Nguyễn Thị Thủy Liên cầm đầu. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, Công an tỉnh An Giang khởi tố 24 nghi phạm, trong đó tạm giam 11 và cho tại ngoại 13 người.

Bộ Công an cảnh báo về tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo

Mới đây, Bộ Công an cho biết, thời gian gần đây tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn.

Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục “nhà cái” ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web, tên miền, số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày. Trong khi đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam; gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng.

 

 Bộ Công an cảnh báo tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới.

 

Hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng - P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.

Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao chủ yếu là công dân nước ngoài đang dịch chuyển mạnh địa bàn hoạt động sang Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch, vùng ven biển có vị trí chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. 

Tình trạng các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ để rút tiền vẫn tiếp diễn; xuất hiện thủ đoạn “hủy đảo giao dịch”, lợi dụng hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS của một số ngân hàng thương mại có lỗi để thực hiện giao dịch khống, chiếm đoạt tài sản. Hoạt động thanh toán xuyên biên giới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh kinh tế, gây thất thoát nguồn thu thuế của nhà nước, đặc biệt là tình trạng khách du lịch nước ngoài sử dụng ví điện tử Alipay hoặc Wechatpay để thanh toán hàng hoá dịch vụ tại một số địa phương.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top