Dư luận đang rất bức xúc và không khỏi lo lắng trước thông tin báo chí phản ánh phát hiện cơ sở chế biến cà phê ở tỉnh Đắk Nông trộn lõi pin vào cà phê. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến thương hiệu cà phê Việt Nam và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết sẽ đề nghị xử nghiêm hành vi trộn lõi pin vào cà phê vừa bị phát hiện tại tỉnh Đắk Nông.
Liên quan đến vụ việc dùng lõi pin hòa với nước nhuộm màu cà phê vừa được Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện trên địa bàn huyện Đắk R’Lấp, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, sự việc cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, việc cơ sở chế biến cà phê ở tỉnh Đắk Nông trộn lõi pin vào cà phê là hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ người tiêu dùng, rất đáng lên án. Vụ việc không chỉ tạo tâm lý lo ngại, ác cảm của người tiêu dùng đối với sản phẩm cà phê mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu, danh tiếng của cà phê Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị phải xử lý nghiêm cơ sở chế biến cà phê trộn lõi pin để tạo sức răn đe, không để tái diễn các vụ việc tương tự.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, hành động pha tạp chất vào cà phê không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như thương hiệu cà phê của Việt Nam mà còn làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Vụ việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng. Cần lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật không để tình trạng này xảy ra.
Dù chưa có kết luận chính xác liệu số cà phê trộn với bột pin này có được sử dụng cho người hay không, theo các nghiên cứu khoa học, bột pin trộn với cà phê gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Trước đó, vào ngày 17/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Nông vẫn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm đếm khối lượng cà phê bẩn tại cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp).
Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục tấn cà phê “bẩn” cùng đất, đá được tập kết ở kho, trong đó có 12 tấn cà phê đã được nhuộm đen bằng lõi pin, cùng nhiều nguyên liệu, phụ gia để thực hiện quá trình này. Bước đầu, chủ cơ sở khai nhận, trong thời gian qua, đã thu mua các loại cà phê kém chất lượng từ các đại lý, sau đó pha trộn lõi pin, các loại hóa chất để làm đẹp. Số cà phê sau khi được nhuộm đen bằng pin được đóng gói rồi bán ra thị trường.
Vi phạm về lĩnh vực phân bón có thể bị xử phạt đến 200 triệu đồng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 55/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng.
Trong đó, với hành vi vi phạm quy định về sản xuất phân bón, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện báo cáo tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu phân bón định kỳ hàng năm. Và phạt nặng hành vi sản xuất phân bón không được công nhận lưu hành.
Cụ thể: Phạt tiền từ 60 - 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón có yếu tố hạn chế vượt mức giới hạn tối đa. Mức phạt tiền đến 80 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón/Giấy phép sản xuất phân bón cao.
Phạt tiền từ 80 - 90 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị dưới 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100 triệu đồng trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình.
Đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định; trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90 - 100 triệu đồng.
Nguy cơ lây bệnh từ gà giá rẻ không rõ nguồn gốc
Gần đây, tại khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Cà Mau, xuất hiện nhiều trường hợp bán “gà dạo” với giá rất rẻ, chỉ khoảng 45 – 50 ngàn đồng/kg. Với lời rao bán rất êm tai, nhằm đánh vào tâm lý của người tiêu dùng: “Gà đây, gà nòi lai ăn thịt thơm ngon đây. 50 chục ngàn 1kg gà nòi lai”.
Cũng vì cuộc sống, hoàn cảnh khó khăn nên nhiều người đã làm liều. Họ chọn cách mua gia cầm giá rẻ, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm khi chưa qua kiểm dịch của cơ quan chuyên môn, rồi mang đi bán lại cho người tiêu dùng để kiếm lời. Việc làm này đã gián tiếp mang mầm bệnh từ bên ngoài vào địa phương, khiến cho cơ quan thú y rất khó quản lý và xử lý vi phạm.
Kỹ sư Trương Thị Như Sương, cán bộ Trạm Thú y huyện Ngọc Hiển cho biết: “Địa phương đã ghi nhận rất nhiều trường hợp rao bán gà dạo, giá rẻ không rõ nguồn gốc. Vấn đề này, tôi đã có báo cáo để có hướng xử lý, ngăn chặn. Bà con không nên mua loại gà này để ăn, tránh làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình”.
Cắt giảm gần 70% ĐKKD bất hợp lý, tháo gỡ rào cản cho DN
Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, hiện Bộ đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 241 điều kiện đầu tư kinh doanh (ĐKKD) trong tổng số 345 điều kiện, tương đương 69,8% ĐKKD được cắt giảm.
Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết ngành nông nghiệp hiện có 33 ngành, nghề với 345 ĐKKD, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã rà soát tổng thể và đề xuất cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hoá 241 điều kiện, bảo đảm đáp ứng 69,8% ĐKKD được cắt giảm.
Cụ thể, 131 điều kiện trong số 172 ĐKKD về thú y, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen hiện đang quy định tại 4 Nghị định (Nghị định 35/2016/NĐ-CP; Nghị định 66/2016/NĐ-CP; Nghị định số 39/2017/NĐ-CP; Nghị định 69/2010/NĐ-CP), sẽ được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về ĐKKD trong lĩnh vực nông nghiệp mà Bộ đang xây dựng và thực hiện lấy ý kiến rộng rãi.
Cùng với đó, nhiều ĐKKD đã được cắt giảm tại Luật Thủy sản. Bộ sẽ tiếp tục rà soát cắt giảm tại các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2019); tại dự án Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi và các Nghị định hướng dẫn thi hành 2 Luật này.
Tham gia góp ý kiến tại Hội thảo, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực trong việc cắt giảm những ĐKKD bất hợp lý, tháo gỡ rào cản cho DN. Tuy nhiên, ông Tường cho rằng, cũng cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm cụ thể, rõ ràng để DN dễ dàng tuân thủ và phục vụ cho việc chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường
Theo Quyết định 1369/QĐ-BNN-CBTTNS phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 mà Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định 300.000ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn; sản lượng đường 2 triệu tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn.
Ngoài ra, nâng tỉ lệ đường tinh luyện; tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường.
Về định hướng sản xuất đường, Bộ Nông ngiệp và PTNT nêu rõ: Đến năm 2020, trong 2 triệu tấn đường có 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác. Theo đó, sẽ không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày.
Đồng, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy (cụm nhà máy) có công suất trên 4.000 tấn mía/ ngày; rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ.
Đến 2030, tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,6 triệu tấn, đường trắng và các loại đường khác 0,9 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy (cụm nhà máy) đạt công suất từ 4.000 tấn/mía ngày trở lên.
Bàn giải pháp “đầu ra” cho vải, nhãn được mùa nhưng không mất giá
Vải nhãn được dự báo được mùa, gây áp lực lớn cho vùng trồng trọng điểm thuộc các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Sơn La trong khâu tiêu thụ. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ nhãn, vải các tỉnh trọng điểm phía bắc niên vụ 2018.
Năm nay, sản lượng vải 3 tỉnh ước đạt trên 217.000 tấn (Bắc Giang 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn) với nhãn sản lượng khoảng 80.000 tấn (Hưng Yên 41.000 tấn, Sơn La 38.000 tấn).
Trong đó, tỉ lệ tiêu thụ vải, nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TPHCM. Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã sang tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, ASEAN, Trung Đông…
Đối với thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Quảng Tây thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhậu khẩu, trong đó có Việt Nam. Từ 1/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc phải xin giấy phép nhập khẩu và cung cấp hình ảnh bao bì truy xuất nguồn gốc. Do vậy, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, sẽ tạo điều kiện để các tỉnh tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội như tại Hội chợ ở Hoàng Quốc Việt. Đồng thời, lưu ý các tỉnh quan tâm tới thị trường phía Nam. Với thị trường Trung Quốc, “Chúng ta đã cử người sang Quang Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh. Không được chủ quan trong khâu thị trường. Mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân, được mùa nhưng không được mất giá”.
Lô xoài đầu tiên sẽ được xuất sang Mỹ vào đầu tháng 5
Việc Mỹ chính thức cho phép nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam và dự kiến đầu tháng 5 tới lô xoài đầu tiên sẽ được xuất sang Mỹ, hứa hẹn tương lai tươi sáng cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Được biết, sản lượng xoài cả nước hiện đạt 700.000 tấn/năm, Đồng Tháp khoảng 90.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở huyện Cao Lãnh và TP. Cao Lãnh. Thị trường xuất khẩu chính của trái xoài là Trung Quốc, còn việc hướng đến những thị trường khác vẫn gặp nhiều khó khăn.
Để chuẩn bị cho trái xoài bay sang Mỹ, bắt buộc bà con trồng xoài phải tuân thủ các quy định như sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, xử lý chiếu xạ, phải được kiểm dịch, không có nấm bệnh hay sinh vật có hại.
Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh khẳng định: “Bây giờ đến cả thị trường khá dễ tính như Trung Quốc cũng bắt đầu đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải có xuất xứ nguồn gốc nên buộc chúng tôi phải liên kết và đi vào sản xuất theo quy trình bài bản. Tất cả mọi yêu cầu của doanh nghiệp về kỹ thuật sản xuất, muốn mẫu mã, chất lượng trái cây như thế nào bà con chúng tôi đều có thể đáp ứng được hết”.
Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh Nguyễn Hồng Sự cũng cho rằng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài thông qua HTX, tổ hợp tác với DN sẽ giúp sản phẩm xoài tiêu thụ trong nước ổn định và hướng đến xuất khẩu.
Nhiều chính sách phát triển ngành nghề nông thôn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn.
Nghị định quy định một số nội dung, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề. Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình hoạt động theo quy định của pháp luật; các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định công nhận; các tổ chức, cá nhân có liên quan tới công tác quản lý ngành nghề nông thôn (cả trung ương và địa phương).
Theo Nghị định, 7 hoạt động ngành nghề nông thôn bao gồm: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn.
Giá lợn hơi giảm theo xu hướng giảm giá của Trung Quốc
Giá lợn hơi hôm nay tiếp tục giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg tại nhiều địa phương, song vẫn ở mức cao khoảng 38.000 - 39.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc giá lợn hơi giảm tới 2.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Phú Thọ giảm 2.000 đồng/kg còn 36.000 đồng. Tại Hà Nam, giá lợn hơi cũng giảm 2.000 đồng xuống 39.000 đồng/kg; Thái Nguyên xuống còn 37.000 đồng/kg.
Một số địa phương như Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang giá lợn hơi giảm 1.000 đ/kg. Còn lại giá lợn hơi không đổi so với ngày hôm qua ở Sơn La, Hà Nội 39.000 - 40.000 đồng/kg; Bắc Giang 38.000 đồng/kg. Hiện giá lợn hơi miền Bắc đang được thu mua trong khoảng 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, Tây Nguyên có nơi giá lợn giảm tới 3.000 đồng. Lâm Đồng là tỉnh giá lợn hơi giảm tới 3.000 đồng/kg so với ngày hôm qua xuống 38.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Quảng Ngãi giảm ít hơn, 2.000 đồng/kg.
Mặc dù vậy, giá lợn hơi tại Quảng Bình và Quảng Trị vẫn tăng 1.000 đồng/kg lên 41.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại giá lợn không đổi so với ngày hôm qua. Nhìn chung giá lợn hơi trong khu vực vẫn ở mức tốt, 36.000 - 41.000 đồng/kg.
Tại miền Nam giá lợn biến động trái chiều. Trong khi các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang và Bạc Liêu đồng loạt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên khoảng 36.000 - 38.000 đồng; giá lợn hơi tại TP HCM và An Giang giảm 2.000 đồng xuống lần lượt 38.000 đồng và 36.000 đồng/kg. Còn lại, giá lợn hơi không đổi so với hôm qua. Hiện, giá lợn hơi trong khu vực đang dao động trong mức 33.000 - 40.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại Trung Quốc tiếp tục giảm. Giá lợn hơi hôm nay tại Trung Quốc bình quân giảm còn 10,31 nhân dân tệ/kg (tương đương 37.485,37 đồng/kg), so với tuần trước giảm 0,08 nhân dân tệ/kg.
Mâu thuẫn giữa cung - cầu trên thị trường vẫn rõ rệt và hiện tượng dư cung lớn khiến giá lợn tiếp tục giảm. Thời gian qua, giá lợn vẫn tăng nhẹ chủ yếu là nhờ yếu tố ổn định, chứ chưa có cơ sở vững chắc.
Do giá nguyên liệu tăng cao, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi buộc phải nâng giá thành phẩm. Vì vậy, theo các chuyên gia, nếu người chăn nuôi lựa chọn bán ra miễn cường vào thời điểm hiện tại, thì sẽ không phải là một sự lựa chọn khôn ngoan.
Ngoài ra, với tình hình thời tiết chuyển nóng, tiêu thụ lợn sẽ dần bước vào giai đoạn tiêu dùng truyền thống. Các chuyên gia gợi ý người dân tự chủ động giết mổ ở những nơi giá lợn được cải thiện trong tháng 4, 5./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.