Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 6 năm 2021 | 20:13

Cà Mau đẩy nhanh xây dựng sản phẩm OCOP chất lượng cao

Giai đoạn 2021-2025, ngoài nâng chất 33 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận, tỉnh Cà Mau sẽ xây dựng thêm ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm khác đạt từ 3-4 sao.

Đi lên trong thế khó

Cà Mau ba mặt giáp biển, bờ biển dài 254km, khí hậu, đất đai thích hợp phát triển nông nghiệp nên có nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Sau 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới với 43/82 xã được công nhận đã làm diện mạo nông thôn Cà Mau ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống người dân được nâng cao. Đây là điều kiện tốt để  thực hiện OCOP, nhưng về căn bản, Cà Mau vẫn là tỉnh vùng sâu, vùng xa, sông ngòi chằng chịt, hệ thống thủy lợi chưa hoàn thiện, cần nguồn vốn lớn tu bổ nạo vét hàng năm. Hơn nữa, tổ chức sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún còn nhiều tồn tại, giá trị nông sản còn thấp, chưa ổn định bền vững. Tiêu thụ nông sản chủ yếu ở dạng thô, công nghiệp dịch vụ, ngành nghề nông thôn còn ở mức thấp nên năng lực nhận thức thực hiện OCOP còn  nhiều hạn chế.

Dịch Covid 19 phức tạp, dịch tả lợn châu Phi hoành hành nhưng Cà Mau vẫn nỗ lực vượt bậc trong thực hiện Chương trình OCOP. Năm 2020, tỉnh có 37 sản phẩm được tiêu chuẩn hóa, vượt 48% so với 25 sản phẩm kế hoạch đề ra. Có 33 sản phẩm được công nhận, chứng nhận sản phẩm OCOP, vượt 32% so với 25 sản phẩm của kế hoạch năm 2020. Trong đó, có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 30 sản phẩm đạt 3 sao, vượt 230% so với mục tiêu kế hoạch đặt ra. Các sản phẩm OCOP chủ yếu là thuộc nhóm thực phẩm: cua, tôm, ba khía, thòi lòi, cá khô bổi (cá sặc), ba khía muối, chả cá phi, dưa bồn bồn, bánh phồng hàu, bánh phồng tôm… Đây được xem là các đặc sản nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Trong đó, nhiều nhất là các sản phẩm từ tôm, như: bánh phồng tôm (38% tôm), bánh phồng tôm (tôm sú), bánh phồng tôm (tôm đất), tôm khô, tôm rang, chà bông tôm, tôm khô sinh thái, tôm xẻ, tôm khô tách vỏ,... Các sản phẩm khác từ cua, cá… cũng đang được người tiêu dùng trong, ngoài nước ưa chuộng.

anh-1.jpgSản phẩm OCOP Mật ong RUM CM, được đóng chai từ mật ong tự nhiên rừng U Minh Cà Mau. Chủ thể: Hộ kinh doanh RUM CM. Địa chỉ: Số 29 Nguyễn Thái Học, phường 7, TP. Cà Mau.

 

Đang đà cất cánh

Đạt được những thành công vừa qua là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp và sự ủng hộ của người dân, của các doanh nghiệp địa phương. Nhưng để thực hiện tốt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, cần sự nỗ lực hơn nữa của các ngành các cấp, của người dân.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCO)", UBND tỉnh Cà Mau đã xây dựng lộ trình thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Đề án hiệu quả, góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Qua đó, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP tỉnh Cà Mau, thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

anh-2.jpgDu khách thích thú xem người dân đặt bắt cua tự nhiên tại Trạm dừng chân Tư Tỵ. Đây là mô hình du lịch trải nghiệm mà Cà Mau đưa vào Chương trình OCOP
anh-3.jpgTrạm dừng chân Tư Tỵ, thị trấn Rạch Gốc, nằm trên đường đi Đất Mũi Cà Mau đoạn qua huyện Ngọc Hiển. Đây là 01 trong 05 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tiêu biểu của Cà Mau.
anh-4.jpgSản phẩm OCOP đũa làm bằng cây đước tại điểm trưng bày Công ty TNHH Tư Tỵ. Từ lâu, đũa đước Cà Mau nổi tiếng bền đẹp theo thời gian dù giá rất rẻ.

 

Theo ông Sử, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Cà Mau đưa ra mục tiêu phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao và 90 sản phẩm đạt 3-4 sao. Trong đó, xây dựng và phát triển các mô hình du lịch đưa vào Chương trình OCOP như: du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng...

Trước mắt, trong năm 2021, tỉnh Cà Mau phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, trong đó, công nhận ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3 – 4 sao. Đồng thời nâng hạng ít nhất 3 sản phẩm được công nhận trong năm 2020 từ 3 sao lên 4 sao. Song song đó là phát triển và nâng cấp ít nhất 28 – 30 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. 100% cán bộ OCOP các cấp, 100% cán bộ lãnh đạo đương nhiệm các chủ thể OCOP và 50% người lao động OCOP có trình độ phù hợp cho từng đối tượng.

anh-5.jpgDu khách hào hứng với trải nghiệm lấy tổ ong mật có đường kính hơn 1m trong rừng U Minh tại khu Du lịch Hương Tràm, huyện U Minh Cà Mau. Để du khách trải nghiệm cuộc sống người dân cũng là một sản phẩm OCOP đang được Cà Mau chú trọng xây dựng.
anh-6.jpg Vộp và tôm sú, hai sản vật có nhiều vùng ngập mặn Cà Mau. Với bờ biển dài 254km với nhiều sản vật tôm sò cua cá tự nhiên, Cà Mau có thể mạnh trong xây dựng Chương trình OCOP ngành hàng thực phẩm.

 

Nguồn kinh phí thực hiện giai đoạn 2021 – 2025 là hơn 302 tỷ đồng, trong đó vốn chủ thể tham gia là hơn 102 tỷ đồng. Ngoài ra, còn lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án trên địa bàn, nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác để tập trung phát triển sản xuất.

Trong đó, chú trọng các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể sản xuất phát triển bền vững các sản phẩm OCOP.

Để thực hiện tốt chương trình giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tăng nguồn lực đầu tư cho Chương trình OCOP thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng các tiêu chí cụ thể làm căn cứ phân bổ nguồn vốn đầu tư cho Chương trình OCOP, trong đó cần có các tiêu chí hỗ trợ đặc thù như: xã có diện tích rộng; đơn vị thuộc địa bàn khó khăn, xuất phát điểm thấp, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng có kết cấu hạ tầng không cao. Ngoài ra, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị cần chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ các đối tượng chủ thể tham gia Chương trình OCOP, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết được nhu cầu về vốn, đảm bảo phục vụ Chương trình OCOP đến năm 2025.

 

Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, cho biết, Sở hỗ trợ xây dựng 5 điểm ưu tiên trưng bày giới thiệu và bán 33 sản phẩm OCOP, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020 cấp tỉnh gồm: Công ty TNHH Thương mại - Du lịch Ánh Nguyệt; Phòng trưng bày đặc sản Cà Mau (Trung tâm Khuyến công Cà Mau), Công ty TNHH Năm Phương Đất Mũi, xã Đất Mũi, Công ty TNHH Tư Tỵ, thị trấn Rạch Gốc (Trạm dừng chân Tư Tỵ), Công ty TNHH Xăng dầu Kim Minh (Chi nhánh 2).

Theo ông Nam, để thực hiện thành công kênh phân phối thông qua các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch, chúng tôi rất cần sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp và toàn xã hội, từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Một sự gắn kết trách nhiệm để chăm lo cho nền sản xuất trong nước dựa trên cơ sở hàng hóa có chất lượng, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu; đưa nền kinh tế của Cà Mau phát triển với tốc độ nhanh, bền vững trong tình hình mới.

 

 

 

 

Biểu Quân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top