Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022 | 10:57

Các hợp tác xã ở Hà Tĩnh nỗ lực “nâng chất” sản phẩm OCOP

Tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước số hóa là “chìa khóa” giúp nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Hà Tĩnh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại

HTX Mật ong Cường Nga ở xã Quang Diệm (Hương Sơn) chuyên cung cấp ong giống và mật ong ra thị trường, có quy mô liên kết sản xuất với 48 thành viên. HTX đã thành công trong ứng dụng công nghệ, số hóa vào quá trình quảng bá sản phẩm.

z3464867686592_292019e18d2f50c8effee2636b3f49fc.jpgSản phẩm mật ong của HTX Mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) đã được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

  

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX Mật ong Cường Nga, thông qua smartphone hay máy tính có kết nối internet, các thành viên của HTX đã nỗ lực kết nối với khách hàng trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Nhờ vậy mà năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song doanh thu bán ra của HTX vẫn tăng trưởng khá, đạt trên 5,1 tỷ đồng từ sản phẩm ong và mật ong.

Là đơn vị tiên phong trồng dưa lưới trong nhà màng ở Hà Tĩnh, năm 2018, HTX Nga Hải (Xuân Mỹ, Nghi Xuân) đã chi 2.000 USD/tháng để thuê chuyên gia nông nghiệp người Israel về trực tiếp “cầm tay chỉ việc” trong 3 tháng liên tục.

Ông Lê Văn Bình, Giám đốc HTX Nga Hải, cho hay: “Tất cả chế độ dinh dưỡng cung cấp cho dưa lưới đều được tự động hóa. Công nhân chỉ cần thao thác trên thiết bị, cứ đến giờ là máy sẽ tự động chăm sóc dưa. Việc kiểm tra độ ngọt của dưa cũng do máy móc đảm nhận. Nhờ vậy, thương hiệu dưa lưới Nga Hải luôn thơm ngọt, được thị trường ưa chuộng. Với quy mô 4 nhà màng, mỗi năm đơn vị trồng 3 lứa dưa, sản lượng 12 - 15 tấn/lứa, thu lãi trên 500 triệu đồng/năm”.

Thực tế cho thấy, không chỉ ứng dụng công nghệ, số hóa trong sản xuất mà khu vực kinh tế tập thể còn chú trọng phát triển thị trường, tiêu thụ sản phẩm nhờ quy trình số hóa. Giờ đây, lên mạng xã hội bán hàng, tham gia sàn thương mại điện tử đã trở thành câu chuyện quen thuộc của nhiều HTX.

Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn Trần Đình Chiến cho biết, từ khi tỉnh Hà Tĩnh có chủ trương triển khai chuyển đổi số trong Chương trình OCOP, công ty đã nhanh chóng tiếp cận và dẫn đầu trong việc xúc tiến quảng cáo, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các gian hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu nông sản Hương Sơn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn thì việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo... đã tạo thêm nhiều kênh tiếp cận với người tiêu dùng, góp phần đưa các sản vật của địa phương đến gần hơn với khách hàng. Đồng thời, đây cũng là cách chủ động tìm đầu ra bền vững, hạn chế việc quá phụ thuộc vào kênh tiêu thụ truyền thống. Vì thế, trong tương lai, việc chuyển đổi số là tất yếu để các sản phẩm OCOP Hương Sơn có thêm nhiều cơ hội “bay xa” hơn nữa”, ông Chiến cho hay.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Tháng 12/2021, sản phẩm gà tươi của HTX Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hiền Tâm (Sơn Lễ, Hương Sơn) được công nhận danh hiệu OCOP 3 sao cấp tỉnh đã mở ra cơ hội phát triển về quy mô lẫn thị trường.

z3464867703828_cec32114b1fe0f6262f8819699709e99.jpgQuá trình sơ chế gà tươi Hiền Tâm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc HTX Hiền Tâm, cho biết: “Từ lâu chúng tôi đã cung cấp gà tươi ra thị trường nhưng giá cả và nhu cầu không ổn định. Nỗ lực chinh phục OCOP 3 sao cấp tỉnh giúp cho sản phẩm gà đồi tươi sạch của vùng đất Sơn Lễ được nhiều bạn hàng biết đến. Với chất lượng thơm ngon, quá trình sơ chế đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gà tươi Hiền Tâm giờ đã là mặt hàng quen thuộc tại các đại lý, siêu thị mini ở nhiều huyện, thành, thị trong tỉnh và TP. Vinh (Nghệ An). Không chỉ mở rộng thị trường mà mức giá cũng được nâng lên 200.000 đồng/kg (trước đây chỉ 180.000 đồng/kg)”.

Lâu nay, HTX Hiền Tâm đã liên kết với Tổ hợp tác chăn nuôi gà Sơn Lễ để cung cấp gà sạch ra thị trường. Hiện nay, nhu cầu gia tăng, HTX đã động viên các thành viên tổ hợp tác mạnh dạn tăng quy mô đàn nuôi. Bên cạnh đó, HTX đang tính mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ nuôi gà đồi trên địa bàn gắn với các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi theo hướng VietGAP. Nếu như năm 2021, HTX bao tiêu hơn 10.000 con gà cho bà con với doanh thu đạt khoảng 1,8 tỷ đồng thì năm nay HTX phấn đấu thu mua trên 13.000 con gà, doanh thu đạt 2,5 tỷ đồng.

Chị Cao Thị Vân (thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ), thành viên Tổ hợp tác chăn nuôi gà Sơn Lễ, cho biết: “Gà của tổ hợp tác đã đạt tiêu chuẩn VietGAHP, song trước đây do không có đầu ra ổn định nên giá cả cũng bấp bênh.Hai năm nay, được HTX Hiền Tâm bao tiêu với giá 110.000 đồng/kg nên gia đình mạnh dạn tăng quy mô đàn lên trên 500 con/lứa”.

Ông Lê Đăng Phúc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh, phấn khởi: “Kinh tế tập thể, HTX đã khẳng định được vai trò hỗ trợ các thành viên trong khâu sản xuất, đồng nhất quy trình kỹ thuật chăm sóc để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lương và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Việc các HTX, tổ hợp tác tham gia vào “sân chơi” OCOP vừa giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, vừa phát huy được lợi thế  của từng địa phương”.

Hà Tĩnh hiện có hơn 1.000 HTX hoạt động đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Để tạo sức bật cho khu vực kinh tế tập thể, tính riêng từ năm 2017 đến nay, Hà Tĩnh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ các HTX đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các hạng mục: hỗ trợ phát triển công nghệ sinh học, hỗ trợ thiết kế và đăng ký xác lập quyền bảo hộ công nghiệp…

Nắm bắt cơ hội, hiện nay đã có trên 30% HTX ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất kinh doanh. Qua kiểm tra, đánh giá, các đơn vị này đã từng bước làm chủ công nghệ, chủ động phương án sản xuất kinh doanh, giảm tải sức lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và gia tăng hiệu quả kinh tế.

“Ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa vào sản xuất kinh doanh là xu thế tất yếu để phát triển bền vững. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng cây ăn quả, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy hải sản… đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Đây kết quả tích cực của quá trình nghiên cứu, thay đổi tư duy làm kinh tế.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho các HTX về nội dung ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số vào quá trình sản xuất cũng như quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm ra thị trường, kết nối và hội nhập”, ông Phúc cho biết thêm.

 

Trà Giang
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top