Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 22 tháng 9 năm 2020 | 14:0

Cách làm OCOP ở Điện Biên

Hiện, Điện Biên đã có 26 sản phẩm của 11 chủ thể được UBND tỉnh quyết định công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

ocop.jpg
Hiện nay, Tủa Chùa mới có chè Tuyết Shan là sản phẩm OCOP. Trong ảnh: Người dân xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa thu hoạch chè. Ảnh: Báo Điện Biên Phủ

 

Năm 2020, song song với việc tiếp tục xây dựng các sản phẩm đặc trưng địa phương đạt chuẩn OCOP, ngành chức năng chú trọng công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP năm 2019 nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu.

Tủa Chùa gặp nhiều khó khăn

Khi bắt đầu triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), huyện Tủa Chùa dự kiến xây dựng 7 sản phẩm đặc trưng, có lợi thế giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, bao gồm: chè Tuyết Shan, rượu mông pê, gà đen, dê núi, khoai sọ tím, du lịch hang động Pê Răng Ky, du lịch tham quan và hái chè cây cao Sín Chải. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, bất cập.

Bà Vũ Thị Ngọc Ánh, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tủa Chùa cho biết: Là huyện vùng cao, Tủa Chùa có nhiều nông sản đặc trưng, sản phẩm có thế mạnh để phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP đồng thời gắn với phát triển về du lịch. Triển khai thực hiện chương trình OCOP, huyện đã xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển; vận động hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất, thực hiện hỗ trợ xúc tiến thương mại để người dân thấy được hiệu quả trong việc tham gia chương trình OCOP.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn do hoạt động sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản của huyện rất hạn chế, chủ yếu sơ chế, chế biến đơn giản ở dạng thô, chưa có chế biến theo chiều sâu; nguồn nguyên liệu chưa ổn định, mang tính thời vụ, cung cấp chủ yếu tại địa phương. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm tương đối cao, các chủ thể còn vướng ở khâu làm hồ sơ công nhận; một số chủ thể thiếu vốn để sản xuất.

Hiện nay, số lượng hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp rất ít, chính vì vậy nhiều sản phẩm chưa có chủ thể để xây dựng phát triển sản phẩm. Ðơn cử như sản phẩm rượu Mông Pê chưa có chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm nên sản xuất quy mô nhỏ lẻ; dê núi chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có chủ thể phát triển sản phẩm…

Ðối với các sản phẩm gắn với du lịch như: 3 hang động đã được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia; văn hóa chợ phiên, thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Mông... thì hạ tầng giao thông còn hạn chế, đi lại khó khăn nên khó phát triển.

Ðể tháo gỡ những khó khăn, xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình; tạo điều kiện, hỗ trợ cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản phẩm lợi thế.

Trong 2 năm 2019 - 2020 huyện đã triển khai và thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sử dụng nguồn vốn tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo Quyết định số 45/2018/QÐ-UBND tại xã Trung Thu. Qua đó, năm 2019 thực hiện dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm su su trên diện tích 2ha với 15 hộ tham gia, tổng vốn đầu tư 70 triệu đồng; năm 2020 thực hiện 3 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo, bí đỏ, khoai sọ trên tổng diện tích 18,7ha với 71 hộ tham gia, tổng vốn gần 1 tỷ đồng.

OCOP ở Mường Ảng

 

ocop1.jpg

Gia đình anh Ðỗ Xuân Ðệ, bản Cáy, xã Ngối Cáy thu hoạch cây sả để sản xuất tinh dầu.

 

Là một trong những người mạnh dạn đăng ký chương trình OCOP với sản phẩm tinh dầu sả, anh Ðỗ Xuân Ðệ, bản Cáy, xã Ngối Cáy cho biết: “Tôi sản xuất tinh dầu sả từ nhiều năm nay, sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao, tuy nhiên chỉ sản xuất quy mô nhỏ, lượng tiêu thụ ít, chủ yếu là bán lẻ cho người dân và một số cửa hàng trên địa bàn huyện. Tôi cũng muốn mở rộng thị trường, nhưng do sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa có tổ chức nào đánh giá và công nhận chất lượng sản phẩm thương mại nên rất khó phát triển dù nguồn nguyên liệu dồi dào; sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá tốt với công dụng đa dạng như: Xịt phòng, xông hơi, gội đầu, khử mùi tự nhiên…

Sau khi được cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, định hướng tham gia chương trình OCOP, tôi nhận thấy đây là cơ hội để quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường nên đã mạnh dạn đăng ký. Hiện nay gia đình trồng trên 4ha cây xả, cùng với hệ thống máy móc hiện đại, hi vọng sản phẩm tinh dầu xả nguyên chất của gia đình sớm được cơ quan chức năng đánh giá đạt chuẩn “sao””.

Gia đình chị Vũ Thị Ngân, ở xã Ẳng Nưa cũng đăng ký tham gia chương trình OCOP với sản phẩm bưởi da xanh. Hiện nay gia đình chị có hơn 2ha bưởi da xanh chuẩn bị cho thu hoạch. “Tôi mong sản phẩm đạt chất lượng, được hội đồng chuyên môn công nhận. Khi nông sản đã có thương hiệu thì việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn”, chị Ngân bày tỏ.

Năm 2019, trên cơ sở đăng ký sản phẩm của các cá nhân, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP, sau khi đánh giá, phân hạng cấp huyện, UBND huyện Mường Ảng đã đề nghị Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 sản phẩm: Cà phê pha phin Arabica Mường Ảng - Ðiện Biên; Cà phê phin giấy Mon black coffee drip bag và Cà phê túi nhúng Smile single bar coffee. Kết quả cả 3 sản phẩm đều được công nhận đạt “3 sao”, là 3 trong số 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP năm 2019 của tỉnh.

Ông Lù Văn Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường Ảng cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, UBND huyện đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ đến các xã, thị trấn; chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực, như: Cà phê, bưởi da xanh, cam Vinh, vịt cổ ngắn... nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.

Huyện đã tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành chương trình OCOP cấp huyện, xã  và các đơn vị, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký tham gia chương trình về chuyên môn, phương thức quản lý, kinh doanh, chiến lược phát triển sản phẩm với tổng kinh phí  thực hiện trên 200 triệu đồng.

Theo ông Lù Văn Cường, dù đã có những kết quả nhất định trong thực hiện Chương trình OCOP song còn nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông ngiệp chưa thực sự mặn mà tham gia vào chương trình, chủ yếu vẫn là do chính quyền, cơ quan chuyên môn vận động chứ chưa có sự tự nguyện.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại 

 

ocop2.jpg

Sản phẩm Diệp Thanh Trà (Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên) tham gia Hội chợ Thương mại sản phẩm OCOP các tỉnh phía Bắc.

 

Ông Trịnh Huy Ðông, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí, giao Sở Công Thương trực tiếp thực hiện công tác xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP. Sở Công Thương đang triển khai đồng thời 2 vực lĩnh vực: Kênh bán hàng truyền thống và thương mại điện tử.

Hiện, Sở đã xây dựng xong kế hoạch và đề án các chương trình xúc tiến thương mại năm 2020 và đang từng bước triển khai thực hiện. Mặc dù năm nay hoạt động xúc tiến thương mại bị ảnh hưởng lớn do dịch Covid-19 song Sở vẫn cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch đề ra.

Ðối với kênh bán hàng truyền thống, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Năm 2020, dự kiến tỉnh sẽ tham gia 4 hội chợ thương mại lớn về các sản phẩm OCOP tại các tỉnh: Ðà Nẵng, Thái Nguyên, Hải Phòng và Lào Cai. Tại các hội chợ này, tỉnh ta sẽ tham gia 4 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán 26 sản phẩm OCOP. Tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí gian hàng, trang trí, vận chuyển hàng hóa và công tác phí cho 2 chủ thể của sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức ký kết các chương trình hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm OCOP với các địa phương trong cả nước, điển hình là việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện trong phát triển sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh.

Chị Nguyễn Mỹ Linh, Giám đốc Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Ðiện Biên cho biết: Năm 2019, đơn vị có 2 dòng sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao. Từ khi sản phẩm được xây dựng đạt chuẩn, đơn vị đã được Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương và Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới mời tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: Hội chợ thương mại, giới thiệu đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị tại thị trường các tỉnh… Bên cạnh các kênh của tỉnh, huyện, Công ty cũng có chiến lược xúc tiến thương mại riêng cho từng dòng sản phẩm tương ứng với từng thị trường thích hợp. Hiện nay, sản phẩm của Công ty đã thâm nhập được một số thị trường lớn, tiềm năng và được khách hàng đón nhận, phản hồi tích cực.

Năm 2020, Điện Biên bắt đầu triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ số, thương mại điện tử. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại Ðiện tử (Bộ Công Thương) tổ chức 1 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã về lĩnh vực thương mại điện tử.

Hiện nay, Sở Công Thương đang thực hiện Ðề án “Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Ðiện Biên xúc tiến bán hàng online bằng phương tiện tiếp thị đa kênh”. Phần mềm tiếp thị đa kênh được kỳ vọng giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp, nắm bắt cơ hội kinh doanh, tăng lượng khách hàng tiềm năng cũng như chăm sóc, giữ chân các khách hàng truyền thống và là bước đệm quan trọng để các doanh nghiệp khai thác sâu và hiệu quả hơn trên nền tảng thương mại điện tử.

Liên kết cùng phát triển

Với việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh và tham gia nhiều triển lãm, hội chợ, sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP được kỳ vọng sẽ đưa các sản phẩm của Điện Biên vươn tới các thị trường lớn.

 

ocop-3.jpg

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Điện Biên tại Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc vừa tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Báo Điện Biên

 

Điện Biên hiện có 26 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được Hội đồng xét duyệt tỉnh công nhận (vượt 15 sản phẩm so với kế hoạch); gồm 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 24 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Năm 2019, doanh thu từ sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đạt 32,842 tỷ đồng, nhóm đồ uống đạt 12,579 tỷ đồng.

Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chương trình OCOP đã mang lại luồng sinh khí mới cho các nhà đầu tư. Sản phẩm được nâng tầm, giúp họ tự tin đưa sản phẩm thế mạnh của tỉnh hòa nhập thị trường với các thông số, nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn rõ ràng. Đặc biệt, mới đây việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP với tỉnh Quảng Ninh là dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng chương trình OCOP của tỉnh.

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều kinh nghiệm thực hiện chương trình OCOP với sự tham gia tích cực của nhân dân, doanh nghiệp để nghiên cứu, học hỏi. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, Quảng Ninh đã phát triển mới được 70 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm tham gia chương trình OCOP lên 435 sản phẩm. Trong đó, có 191 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 - 5 sao; nhiều sản phẩm có uy tín, chất lượng cao được thị trường quốc tế ưa chuộng.

Việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ là cơ hội giúp Điện Biên có cầu nối giao thương sản phẩm OCOP với một thị trường tiềm năng. Điện Biên có thể thường xuyên chia sẻ thông tin về nhu cầu thị trường để hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối tiêu thụ sản phẩm. Theo quan điểm “ký kết là hợp tác cùng phát triển”, hằng năm, khi tổ chức các hội chợ OCOP hoặc hội chợ về nông nghiệp, các đơn vị điều phối nông thôn mới hai tỉnh sẽ đề xuất ban tổ chức mời các doanh nghiệp hai bên tham gia với chi phí ưu đãi nhất để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top