Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 19 tháng 11 năm 2019 | 15:8

Cần khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn theo hình thức PPP

Sáng nay (19/11), Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

000.jpg
Đại biểu nguyễn Anh Trí (Hà Nội)

 

Các đại biểu cho rằng, cần phải sớm ban hành Luật này để phù hợp với thông lệ quốc tế, thu hút và lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực nhằm giảm bớt gánh nặng cho đầu tư công.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư mang tính đặc thù, phản ảnh bản chất của mối quan hệ đối tác công và tư; khắc phục những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý ổn định, nâng cao hiệu quả thực hiện, tính khả thi của các dự án PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, cũng như tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho biết, việc đầu tư theo hình thức đối tác công tư thời gian qua đã góp phần quan trọng trong phát triển các công trình lớn của đất nước, đã có hơn 300 dự án, huy động hơn 1 triệu tỷ đồng vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có những quy định cụ thể, chặt chẽ về mặt pháp lý trong hoạt động này, vì vậy việc ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Hiện, quy mô tổng mức đầu tư của dự án theo quy định trong dự thảo Luật không thấp hơn 200 tỷ đồng là không hợp lý, khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia nhiều hơn vào các dự án. Đề nghị cân nhắc quy định này.

Bên cạnh đó, theo quy định trong dự thảo luật, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn của Nhà nước trong dự án như đầu tư các công trình phụ lợi, hỗ trợ tái định cư... Các đại biểu Quốc hội cho rằng quy định như vậy là không hợp lý vì như vậy rất khó quản lý những rủi ro trong quá trình thực hiện dự án. Các đại biểu cho rằng, tài sản hình thành từ các dự án là tài sản công nên phải được quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo đúng quy định và phải thuộc phạm vi của kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Lan cho rằng, việc để Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ dự án PPP giúp cho Nhà nước có thêm kênh giám sát hiệu quả hơn và chắc chắn không làm ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư.

“Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), việc áp dụng đầu tư theo hình thức đối tác công tư ở Việt Nam mặc dù là đã muộn nhưng vẫn kịp thời nếu được triển khai hiệu quả, binh bạch. Tuy nhiên, điều quan trọng hiện nay là làm sao để ban hành được một bộ luật về lĩnh vực này với những điều khoản, quy định cụ thể, khoa học vì thời gian qua đã xảy ra nhiều bất cập trong hoạt động đầu tư theo hình thức này, điển hình như cách thức, thời gian và mức thu phí trong các dự án BOT chưa xác định được rõ ràng.

Các công trình công sau khi đã khai thác xong và bàn giao vẫn phải đảm bảo có giá trị chứ không thể để xảy ra hư hỏng, mất giá trị như hiện nay. Vì vậy, dự thảo luật phải có những quy định rõ ràng, vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân, không gây thiệt hại cho Nhà nước mà vẫn tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút các nhà đầu tư.

 

D.T
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top