Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) đã mạnh dạn triển khai mô hình trồng hành lá xuất khẩu tại 2 xã Cao Đức và Lãng Ngâm với tổng diện tích hơn 5ha.
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng hành lá của gia đình ông Nguyễn Văn Lực ở thôn Kênh Phố, xã Cao Đức vào đúng ngày thu hoạch. Bên các luống hành xanh tốt, dọc to, lan tỏa mùi thơm đặc trưng, hàng chục nhân công đang hăng say cắt hành.
Nông dân xã Cao Đức tất bật thu hoạch hành lá.
Ông Lực cho biết, gia đình ông có gần 10ha đất bãi, trước đây chủ yếu trồng cà rốt. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cà rốt bấp bênh, ông có ý định chuyển đổi sang cây màu khác. Cuối năm 2015, được sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi 3ha sang trồng hành lá cung cấp cho Công ty cổ phần thương mại VietRAP. Nhờ thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, toàn bộ 3ha hành lá của gia đình ông đều sinh trưởng, phát triển khá tốt. Sau 40- 45 ngày xuống giống, đã thu hoạch lứa hành đầu tiên, năng suất bình quân đạt 8 - 10 tạ/lứa/sào (1 sào = 360m2). Với giá bán tại ruộng là 5.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 2 triệu đồng/sào. Dọc hành sau khi thu hoạch chuyển về công ty sẽ được sấy khô và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Singapore…
Tiến sỹ nông học Nguyễn Minh, cán bộ Công ty VietRAP, cho biết: “Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, công ty đã cử cán bộ kỹ thuật về hướng dẫn nông dân từ công đoạn làm đất, xuống giống đến theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, sử dụng phân bón. Sau khi thu hoạch, sản phẩm sẽ được cấp giấy chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP”.
TS.Nguyễn Minh chia sẻ thêm: “Cây hành lá không kén đất trồng, có thể trồng trên chân đất sét pha thịt, đất thịt hoặc đất thịt pha cát và được trồng quanh năm. Trồng vào vụ xuân thì cây hành sẽ cho năng suất cao hơn vụ đông, năng suất bình quân 8 - 10 tạ/lứa/sào. Điều đặc biệt ở giống hành lá là nông dân chỉ cần xuống giống một lần, sau 40 - 45 ngày sẽ được thu hoạch lứa dọc hành đầu tiên, còn lại gốc hành sẽ tiếp tục đâm chồi, nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch thêm 2 - 3 lứa nữa. Lứa đầu tiên, phải trừ chi phí giống nên nông dân chỉ lãi 2 triệu đồng/sào, nhưng từ lứa thứ 2, không mất tiền giống nên sẽ lãi 3 triệu đồng/sào. Hành được trồng quanh năm, mỗi năm chỉ xuống giống 3 lần, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch, đầu ra được công ty bao tiêu nên nguồn thu nhập ổn định và cao hơn nhiều cây trồng khác. Bình quân trong 1 năm thu hoạch 6 - 9 lứa hành, trừ chi phí, nông dân có thể lãi tới 20 triệu đồng/sào.
Từ hiệu quả bước đầu này, có thể thấy, hành lá là một trong những loại cây màu mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Bà Trần Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Bình, cho biết: Thời gian tới, Hội và ngành nông nghiệp huyện sẽ đẩy mạnh việc hợp tác với Công ty VietRAP mở rộng mô hình trồng hành lá xuất khẩu đến các địa phương khác trong huyện. Tuy nhiên, vấn đề còn vướng mắc hiện nay là sự tích tụ ruộng đất ở Gia Bình còn hạn chế. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa rất cần những mô hình lớn có diện tích từ 5ha trở lên, các HTX cần tuyên truyền, vận động nông dân đổi đất để gom thành những cánh đồng chuyên canh có diện tích lớn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư đưa máy móc vào làm đất, tưới tiêu và thu hoạch sản phẩm.
Với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và sự tạo điều kiện hỗ trợ của địa phương cũng như có công ty bao tiêu sản phẩm, tin tưởng rằng trong thời gian tới diện tích cây hành lá xuất khẩu sẽ mở rộng, tạo thêm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Gia Bình, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.
Lê Hà
Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.
Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…