Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 18 tháng 6 năm 2020 | 16:55

Cần làm rõ có hay không hành vi “làm luật” ở Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang?

Kinh tế nông thôn nhận được Đơn của chị Bùi Thị Huyền Trang (địa chỉ đội 23, Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) tố hải quan và bộ đội biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang có hành vi tiêu cực khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

'Làm luật' ở cửa khẩu quốc tế Tây Trang - ảnh 2
Ông Phan Văn Huyền được cho là có hành vi nhận tiền làm luật 6 xe hàng. Ảnh cắt từ clip, do chị Trang cung cấp.

 

Người xuất hàng "tố" hải quan, biên phòng có hành vi tiêu cực

Theo đơn của chị Trang, thời gian qua, chị có buôn bán thóc gạo, chít với chị Nguyễn Thị Hải (địa chỉ: Đội 12, xã Noong Luống, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Chị được chị Hải rủ sang Lào xem hàng nên  cũng thường đi lại qua Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên). Chị Hải có hướng dẫn chị Trang về vấn đề thủ tục khi đi qua cửa khẩu đối với cán bộ hải quan và bộ đội biên phòng. Chị Hải cho biết, phải nộp số tiền là 5 triệu đồng cho mỗi xe hàng đi qua cửa khẩu (không cần phải nộp thuế hoặc làm thủ tục gì khác).

Từ ngày 19/8/2019, chị Hải nói với chị Trang phải nộp tăng tiền là 12 triệu đồng cho mỗi xe hàng đi qua cửa khẩu và đưa chị gặp ông Nguyễn Minh (Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang) để xin cho chị Trang được mang gạo sang bên Lào bán. Ông Minh hướng dẫn và nói với chị Trang là “cứ đi đi, người ta đi như thế nào thì mình đi như thế, đều có luật lệ hết rồi, có gì thì cứ liên hệ với ông Phan Văn Huyền (công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang)”.

Sau đó, chị Trang gặp ông Huyền. Ông Huyền nói, theo thủ tục là phải nộp 12 triệu đồng/xe cho bộ phận hải quan và ông Huyền hướng dẫn là bên biên phòng cần gặp ông Nguyễn Mạnh Thắng.

Chị Trang liên hệ với ông Thắng (Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang) thì ông Thắng nói phải nộp 2 triệu đồng/xe cho biên phòng.

Tiếp theo, chị Trang  đi gặp ông Vũ Nguyên Hùng (Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang), ông Hùng hướng dẫn “chỉ cần khai một tờ khai có thể đi được 15 ngày và mỗi ngày đi bao nhiêu xe cũng được, số lượng hàng là bao nhiêu tấn/xe cũng được”; trong khi thực tế hàng ngày, chị có từ 2 - 5 xe hàng đi qua và số tiền nộp dao động từ 24 đến 70 triệu đồng /ngày.

Chị Trang xin giảm số tiền phải nộp nhưng không được cán bộ hải quan và biên phòng đồng ý.

Trong thời gian này, chị Trang đã có nộp tiền một số chuyến hàng như trên cho ông Huyền và ông Thắng; nhưng sau đó chị Trang tính toán thì thấy không có lợi nhuận, làm bao nhiêu chỉ đủ tiền nộp cho hải quan và biên phòng nên chị Trang không tiếp tục đi hàng nữa.

Sau này khi tìm hiểu quy định pháp luật, chị Trang  thấy rằng các hành vi nêu trên của cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang và Bộ đội biên phòng tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang là vi phạm đạo đức cũng như vi phạm quy định của pháp luật.

Vì thế, chị Trang đã gửi đơn tố giác tội phạm nêu trên đến Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Điện Biên, cũng như nhiều cá nhân, cơ quan tổ chức tại trung ương và tỉnh Điện Biên.

 

Cần sớm làm rõ có hay không hành vi “làm luật”?

Phóng viên có buổi trao đổi với luật sư Lê Thị Thương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, về vụ việc trên.

Dưới góc nhìn của người có nhiều kinh nghiệm tham gia trong các vụ án hình sự về tham nhũng, luật sư Lê Thị Thương cho rằng, nếu nội dung mà chị Bùi Thị Huyền Trang cung cấp và trình bày là đúng sự thật thì đây là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, được người dân dũng cảm đứng ra tố giác hành vi phạm tội xảy ra tại Cửa khẩu quốc tế Tây Trang. 

tt.jpg
Cửa khẩu quốc tế Tây Trang (Điện Biên). Ảnh: Long Vân

 

Căn cứ theo quy định tại các điều 143, 144 và 154 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi nhận được đơn tố giác tội phạm của chị Trang, cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác tội phạm (Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân) không được từ chối tiếp nhận tố giác và phải tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời đối với đơn tố giác tội phạm mà chị Trang đã gửi  đến.

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc, phóng viên đã liên hệ và gửi nội dung xác minh đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên và Cục Hải quan Điện Biên. Phía Cục Hải quan Điện Biên hẹn sẽ bố trí làm việc trực tiếp để cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc; còn Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên thông tin lại là đã gửi công văn trả lời theo đường bưu điện cách đây hơn 10 ngày.

Hy vọng  rằng, với tinh thần làm việc có trách nhiệm cũng như các nghiệp vụ xác minh điều tra khoa học, khách quan, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Điện Biên, Cục Hải quan Điện Biên và các cơ quan liên quan sớm làm rõ vấn đề có hay không hành vi “làm luật” nhận tiền của một số cán bộ Chi cục Hải quan tỉnh Điện Biên, Bộ đội Biên phòng xảy ra tại Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đối với các chủ hàng khi làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa?

Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về vụ việc trên.

 

Tháng 11/2019, ông Nguyễn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang; ông Vũ Nguyên Hùng, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang; ông Phan Văn Huyền, công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang bị tạm đình chỉ chức vụ để thực hiện thẩm tra xác minh nội dung báo chí phản ánh về tình trạng "làm luật" ở Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, trong đó nêu rõ người dân, doanh nghiệp muốn muốn đưa hàng hóa qua biên giới sang Lào, mỗi chuyến xe, chủ hàng phải chi hàng triệu đồng cho lực lượng hải quan.

Tổng cục Hải quan khi đó khẳng định: Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, cầu thị và quan điểm không bao che, xử lý nghiêm vi phạm.

 

 

Thái Bình
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top