Trạm dừng nghỉ Đông Hiếu chưa thể triển khai xây dựng do hai hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp (số 275 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được cấp phép xây dựng điểm đấu nối Trạm dừng nghỉ với đường mòn Hồ Chí Minh, đoạn qua xã Đông Hiếu (TX. Thái Hoà, tỉnh Nghệ An) năm 2015. Song, hiện vẫn còn 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, khiến việc thi công xây dựng trạm gặp nhiều khó khăn.
Giấy phép được thi công của Cục Quản lý đường bộ II cấp phép thi công đường đấu nối vào Trạm dừng nghỉ Đông Hiếu cho Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp.
Vướng giải phóng mặt bằng
Trạm dừng nghỉ Đông Hiếu (TX. Thái Hoà) là 1/57 trạm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh từ Bắc vào Nam, đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt quy hoạch từ năm 2014, tại Quyết định số 1594/QĐ- BGTVT; kinh phí thực hiện theo hình thức xã hội hoá.
Năm 2015, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp được Bộ GTVT chấp nhận cho phép đầu tư Trạm dừng nghỉ Thái Hoà theo hình thức xã hội hoá. Sau khi có chủ trương của Bộ GTVT, một số tỉnh, thành phố đã hưởng ứng, trong đó có Nghệ An. Đồng thời, trên cơ sở báo cáo của Công ty, UBND tỉnh Nghệ An có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ GTVT, xác định rõ vị trí, quy mô Trạm dừng nghỉ, để làm cơ sở cho phép đầu tư.
Ngày 15/6/2017, tỉnh Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng (lần 1) tại Quyết định số 2584/ QĐ – UBND, vị trí tiếp giáp: Phía Bắc giáp đất nông nghiệp, giáp đường vực Giồng, khe Sơn; phía Đông giáp hành lang đường Hồ Chí Minh; phía Tây giáp đường giao thông dân cư.
Vị trí khu đất thuộc xã Đông Hiếu (TX. Thái Hoà). Đồng thời, giao chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp thi công; tổng diện tích quy hoạch 29.949,33m2, với 20 hạng mục khác nhau. Trong đó, có 2 hạng mục do tỉnh Nghệ An phải đầu tư: Nhà vệ sinh công cộng và bãi đỗ xe. Song, hiện tại, Công ty đang bỏ vốn 100%, tỉnh Nghệ An chưa có nguồn hỗ trợ như một số tỉnh khác.
Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Xây dựng công bố công khai quy hoạch chi tiết, đã được phê duyệt tại quyết định này. Các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; GTVT; Công an tỉnh (Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy); UBND TX. Thái Hoà, UBND xã Đông Hiếu chịu trách nhiệm hướng dẫn, giám sát việc thực hiện quy hoạch, và các nghĩa vụ đối với Nhà nước, đầu tư xây dựng, sử dụng đất đai và hoạt động kinh doanh đúng quy định pháp luật.
Được biết, trước khi khởi công xây dựng Trạm dừng nghỉ Thái Hòa, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại và Xuất nhập khẩu tổng hợp đã phối hợp với xã Đông Hiếu, UBND TX. Thái Hoà, Công ty Cà phê – Cao su Nghệ An trong việc giải phóng mặt bằng (GPMB). Bởi đây là diện tích đất thuộc sự quản lý của Nông trường Đông Hiếu cũ (nay là Công ty Cà phê - Cao su Nghệ An), cho các hộ dân thuê đất để sản xuất, từ khi xóa bao cấp đến nay. Có 6 hộ dân nhận khoán trên khu vực quy hoạch của trạm, sau khi có chủ trương GPMB, 4 hộ chấp hành nghiêm túc quy định của Nhà nước, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, trạm dừng nghỉ vẫn còn vướng mắc, chưa thi công được, do 2 hộ dân chưa bàn giao mặt bàng, đó là hộ ông Võ Văn Điều và hộ ông Võ Văn Hùng, thuộc xóm Đông Mỹ, xã Đông Hiếu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hứa Văn Anh, Giám đốc Công ty Cà phê – Cao su Nghệ An, cho biết: “Diện tích đất của 2 hộ trên thuộc Công ty quản lý và đang thu hồi để trả lại cho tỉnh Nghệ An. Song, đến thời điểm này vẫn chưa bàn giao được mặt bằng, do 2 hộ đòi giá bồi thường cây cối trong vườn quá cao so với đơn giá quy định của Nhà nước. Ví dụ: 1 cây bưởi đòi đền bù 3 triệu đồng. Chưa kể, ông Hùng còn xây dựng nhà 2 tầng kiên cố trong khu đất sản xuất, đã bị chính quyền địa phương và xã Đông Hiếu cưỡng chế năm 2017 - 2018”.
Ngoài ra, ông Anh còn cho biết thêm, Công ty đang tiếp tục phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Thái Hoà để xử lý dứt điểm vụ việc. Mặt khác, Công ty Cà phê – cao su Nghệ An có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng với 2 hộ dân nói trên, theo quy định của pháp luật.
Vì sao 2 hộ chưa nhận đền bù?
Về việc 2 hộ dân chưa nhận đền bù, ông Hoàng Nghĩa Thái, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX. Thái Hoà, cho biết: “Hộ ông Võ Văn Điền có diện tích 5.436,5m2, được nhận tổng số tiền bồi thường 684.541.000 đồng; hộ ông Võ Văn Hùng có diện tích 1.333,3m2, được hỗ trợ 667.703.000 đồng. Đây là diện tích đất nhận khoán của Nông trường Đông Hiếu cũ.
Sau khi lên phương án GPMB, TX. Thái Hoà đã tổ chức đối thoại, phân tích, vận động bà con, chấp hành chủ trương, chính sách khi Nhà nước thu hồi đất. Mặt khác, tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 8754/UBND - CV ngày 15/11/2018; Tổng cục Đường bộ cũng đã có Công văn số 3677 về vấn đề trên. Song 2 hộ vẫn chưa nhất trí, lý do: giá cây cối trong vườn bồi thường chưa thoả đáng. Các hộ cho rằng, bưởi phải có giá 3 triệu đồng/cây, trong khi Nhà nước chỉ đền bù 250.000 đồng/cây”.
Bà Nguyễn Thị Lộc, Chủ tịch UBND xã Đông Hiếu, cho biết: Ông Hùng tự ý xây dựng nhà trái phép trên đất nhận khoán là vi phạm Luật Đất đai. Mặt khác, khi đền bù GPMB, Chủ tịch xã mời họp, nhưng 2 hộ không đến, đích thân Chủ tịch UBND xã phải đến nhà dân để họp, nhưng vẫn không thành. Vấn đề xây dựng trái phép, phải làm đúng theo quy định của pháp luật, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
“Hiện, diện tích đất nhận khoán này nằm trong hành lang giao thông, quy hoạch Trạm dừng nghỉ trên đường Hồ Chí Minh. Quan điểm của xã là, địa phương đã thu hút được nhà đầu tư về xây dựng tại Đông Hiếu (miền Tây Nghệ An), nếu các hộ không chấp nhận, gây cản trở, sẽ cưỡng chế”, bà Lộc nói.
Sau khi làm việc với các cấp chính quyền ở Thái Hoà, chúng tôi cũng đã gặp 2 hộ dân nói trên, và cũng nhận được câu trả lời: “Nhất trí GPMB như chính quyền địa phương đã thông báo, song chưa đồng ý do giá đền bù cây cối trong vườn thấp”.
Giám đốc Ban quản lý Dự án Trạm dừng nghỉ Đông Hiếu (TX. Thái Hoà) Lê Văn Thân cho biết: “Sau khi nghe tin 2 hộ dân nói trên chưa nhận đền bù theo mức giá của Nhà nước, làm chậm tiến độ thi công của Công ty, chúng tôi đã có “nhã ý” hỗ trợ thêm mỗi gia đình 100 triệu đồng tiền mặt. Song, đáng tiếc, 2 hộ vẫn không chấp nhận. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết dứt điểm sự việc trên, để Công ty hoàn thành công việc đúng tiến độ”.
Rất mong các bên sớm tìm được tiếng nói chung, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, chia sẻ khó khăn cùng nhà đầu tư để Trạm dừng nghỉ Đông Hiếu sớm được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của lái xe, hành khách và phương tiện tham gia giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác đường Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.