Hiện tượng táo Trung Quốc đội lốt táo Hà Giang, nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt... khiến người tiêu dùng hoang mang.
Gần đây, hiện tượng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.
Táo Trung Quốc đội lốt táo Hà Giang
Gần đây, rất nhiều người dân Hà Nội tìm mua một loại táo được gọi là táo đá, được người bán giới thiệu xuất xứ từ Hà Giang. Thực chất, đây là một loại táo Trung Quốc được đội lốt trồng ở Hà Giang, nhằm qua mắt những người mua hàng.
Ghi nhận một vòng quanh chợ Long Biên, nhiều người dừng chân trước những xe đẩy bán táo với lời giới thiệu là táo Hà Giang. Những quả táo đá có hình thức không như các loại táo Mỹ, vỏ sần sùi và hơi ngả đỏ, thậm chí có những quả bị sâu ăn lỗ chỗ. Thịt quả giòn, ngọt và vẫn còn cuống lá.
Chị Hồng Liên, (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, táo Hà Giang mà giá chỉ 12.000 đồng/ký thì quá rẻ. Mua vài ký đem về xay hoặc cắt trộn sữa chua cho cả nhà thì rất ngon.
Chỉ tay tới một thùng táo nặng gần 10kg, chị Linh (Thường Tín, Hà Nội) cũng cho biết đây là thùng táo được một người quen cho. Số táo này được mua lại từ một thương lái với lời khẳng định táo được hái tận tay, còn cả cuống xanh. Hà Giang mùa này vào mùa táo nên trái ngọt và thơm. Vỏ hơi sần sùi do bị sâu ăn nên mình cũng yên tâm là táo sạch, an toàn.
Táo chia làm 3 loại, ngoài mức giá 12.000 đồng/ký, có hình thức không được bắt mắt vì nhỏ thì đắt nhất là loại 50.000 đồng/ký, quả to và đẹp. Táo tầm trung 30.000 đồng/ký - quả chỉ to tầm nắm tay, ít bị sâu.
Người bán khẳng định, táo được trồng ở Quản Bạ (Hà Giang), nhất là được người dân tộc vùng núi trồng giá mới rẻ. Tuy nhiên, vì là táo sạch nên cứ yên tâm để mua. Thêm vào đó, người bán cho biết, mỗi ngày loại táo này đổ về Hà Nội với số lượng lớn. Hàng bán rất chạy nên đôi khi nửa buổi là hết sạch.
Tuy nhiên khi liên hệ với một người ở Quản Bạ, Hà Giang để hỏi về loại táo này, chị Hương Thủy, cũng là một người sành trong việc mua trái cây ở đây, cho biết, Hà Giang không hề trồng táo. Thực chất các loại táo này có xuất xứ từ Trung Quốc, qua biên giới vào Việt Nam để tiêu thụ.
“Sợ bị tẩy chay do là hàng Trung Quốc nên phải gắn mác táo Hà Giang. Hà Giang làm gì trồng được loại táo này”, chị Thủy chia sẻ.
Trong khi đó, những người bán ở các chợ Long Biên thì đưa ra câu trả lời khá mơ hồ. “Thực chất táo này là táo Trung Quốc. Hà Giang thì không hề trồng táo. Nhưng vì trúng mùa, đúng vụ nên táo rất sạch và ngon. Mọi người cứ sợ hàng Trung Quốc nên không dám mua, chứ táo này an toàn lắm”, một tiểu thương nói.
Xác nhận thông tin này, Giám đốc sở NT&PTNN tỉnh Hà Giang ông Nguyễn Đức Vinh khẳng định, Hà Giang hiện tại không trồng bất cứ loại táo nào có tên là táo đá Hà Giang như thị trường, hay các phương tiện truyền thông đưa tin".
Nông sản Trung Quốc đội lốt Đà Lạt
Bôi đất đỏ để biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.
Đà Lạt (Lâm Đồng) là vùng sản xuất rau lớn nhất Việt Nam với sản lượng khoảng 2 triệu tấn rau, củ, quả mỗi năm. Chất lượng đã cao lại tươi ngon nổi tiếng nên nông sản Đà Lạt được người tiêu dùng cả nước ưa chuộng dẫu giá bán thường cao gấp 3- 4 lần so với nông sản cùng loại nhập từ Trung Quốc.
Đáng lưu ý, rau, củ Trung Quốc tuy giá rẻ nhưng hình thức bên ngoài đẹp không kém, thậm chí một số loại còn đẹp hơn của Đà Lạt. Các loại nông sản nhập từ Trung Quốc cũng rất phong phú, từ bắp cải, bông cải, khoai tây, cà rốt, bí đỏ, cà chua; các loại củ như gừng, hành, tỏi; các loại trái cây như cam, quýt, mận, đào, lê, táo, dưa hấu… Ngay cả các loại quả đặc sản của Đà Lạt như hồng, dâu tây vẫn bị đụng hàng Trung Quốc.
Để thu nhiều lợi nhuận, các chủ vựa, tiểu thương đã nhập nhằng thương hiệu để bán nông sản Trung Quốc với giá ngang bằng hoặc chỉ thấp hơn một ít so với nông sản cùng loại của Đà Lạt. Bởi hình thức bên ngoài của nông sản Đà Lạt và Trung Quốc không có sự khác biệt rõ rệt nên bằng kinh nghiệm và mắt thường, chưa chắc người tiêu dùng phân biệt được đâu là hàng Đà Lạt chính hiệu, đâu là hàng Trung Quốc đội lốt. Hậu quả là, người tiêu dùng có thể mua phải những loại nông sản đội lốt nông sản Đà Lạt ở hầu khắp các khu chợ của nước ta.
Cty Dream Incubator (đơn vị được JICA Nhật Bản thuê khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt suốt 2 năm ròng làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Nhật và địa phương này) cũng nhận định nông sản Trung Quốc đang ồ ạt vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt.
Đà Lạt được coi là vựa rau của Việt Nam nhưng do không có đặc điểm phân biệt rõ rệt nên mất dần thị phần. Cụ thể, nông sản Trung Quốc đang chiếm lĩnh hơn 70% thị phần đối với một vài nông sản ôn đới là thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TPHCM, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc.
Kết quả phỏng vấn 40 bà nội trợ, nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy ở TPHCM của Cty Dream Incubator cho thấy khoảng 97,5% số người cho rằng xuất xứ nông sản là tiêu chí quan trọng nhất khi mua rau, củ, quả. Họ thừa nhận không thể phân biệt được xuất xứ, nguồn gốc của các loại nông sản và bày tỏ sự lo lắng về an toàn vệ sinh sức khỏe đối với nông sản Trung Quốc.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, mấu chốt của sự nhập nhằng nói trên là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ. Hơn 80% sản lượng rau Đà Lạt được tiêu thụ ở các chợ truyền thống.
Nông dân và chủ vựa cung ứng các mặt hàng nông sản Đà Lạt đã quen với chuyện nông sản làm ra, gom lại rồi đưa ra thị trường chứ không nghĩ đến chuyện phải gắn nhãn mác. Khi được bày bán chung với nông sản của các tỉnh thành khác và nông sản nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phân biệt dẫn đến mua nhầm và vì thế mà rau Đà lạt đang mất dần thị trường.
Để bảo vệ những nhà nông chân chính và người tiêu dùng; đồng thời bảo vệ thương hiệu rau Đà Lạt vốn đã có bề dày uy tín từ lâu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra lộ trình từ nay đến hết năm 2017, toàn bộ nông sản Đà Lạt và vùng lân cận trước khi xuất đi tiêu thụ buộc phải gắn nhãn mác xuất xứ. Mặt hàng khoai tây được chọn để triển khai trước tiên.
Nguyên nhân nào?
Phía các chuyên gia thị trường nhận định, sở dĩ có hiện tượng này là do chuỗi sản xuất, phân phối nông sản của Việt Nam còn rất lỏng lẻo, biện pháp phòng vệ thương mại còn rất kém. Việc mua bán bằng tiền mặt, thanh toán qua các trung gian, đường đi của hàng hóa lòng vòng qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn mà không được quản lý. Mã số, mã vạch, QR Code…mới chỉ là bắt đầu nên không thể kiểm soát được hết nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm hàng hóa nông sản.
Nguyên nhân khác khiến nông sản Việt Nam dễ dàng bị mất thương hiệu ngay chính trên “sân nhà”, theo giới chuyên gia là do vấn đề sản xuất ở nước ta còn manh mún, nhỏ lẻ quy mô còn ít. Trong đó, kỷ luật thị trường về nông sản còn rất lỏng lẻo khi bản thân người nông dân không thể tổ chức được thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa.
Đặc biệt, sản xuất nông sản chưa xây dựng được chuỗi liên kết giữa sản xuất và phân phối nội địa cũng như xuất khẩu. Nhiều thương hiệu nông sản lại đang tự hại nhau khiến thương hiệu Việt không thể có chỗ đứng tại thị trường trong nước, nhà cung cấp muốn vào siêu thị lại bị ép giá, chiếm dụng vốn nên việc tiếp cận với người tiêu dùng càng khó khăn.
Cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành
Trước hiện tượng nông sản nhập khẩu “đội lốt” hàng Việt có diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã có đề nghị gửi Văn phòng Chính phủ phân tích, đánh giá cũng như đưa ra một số giải pháp nhằm kiểm soát tình trạng này.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nông sản không rõ xuất xứ “đội lốt” hàng Việt Nam thứ nhất là bởi các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa không yêu cầu thương nhân phải ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản và thủy sản bán trực tiếp cho người tiêu dùng.
Thứ hai, các quy định của pháp luật về truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng một cách toàn diện và triệt để đối với nông sản, thủy sản. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm có đưa ra các quy định về truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm (Chương XI) nhưng quy định này chỉ áp dụng đối với sản phẩm “không bảo đảm an toàn”, tức là chỉ khi sản phẩm không đảm bảo an toàn hoặc khi cơ quan nhà nước có yêu cầu thì thương nhân mới phải thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc với thực phẩm.
Thứ ba, pháp luật chưa có quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là sản phẩm của Việt Nam. Pháp luật đã có các quy định chi tiết về cách xác định một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, các quy định này mới được áp dụng cho hàng xuất khẩu, không áp dụng đối với các loại hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam. Do vậy, trong rất nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng không biết phải căn cứ vào đâu để xác định một sản phẩm có phải là sản phẩm “của Việt Nam” hay không.
Theo Bộ Công Thương, do thương nhân có thể bán hàng mà không cần nhãn mác, không cần khai báo xuất xứ và cũng không phải truy xuất nguồn gốc nên các cơ quan chức năng hầu như không thể phát hiện và xử lý trường hợp nông sản nước ngoài “đội lốt” nông sản Việt Nam khi hàng đã vào chợ dân sinh. Thậm chí, ngay cả khi có lý do để nghi ngờ thì cũng không có căn cứ pháp lý để khẳng định một sản phẩm nào đó “không phải là sản phẩm của Việt Nam”.
Do đó, để khắc phục tình trạng nông sản nước ngoài “đột lốt” nông sản Việt, Bộ Công Thương đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét: Giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với nông sản, thủy sản tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ.
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định như thế nào là sản phẩm của Việt Nam để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước nhằm chống gian lận xuất xứ Việt Nam và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát lại các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.