Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 15 tháng 9 năm 2021 | 0:59

Chặt phá rừng diễn ra như chốn không người, ngành chức năng xử lý ra sao?

Trước thực trạng, hàng chục héc ta rừng phòng hộ bị san ủi, chặt phá nghiêm trọng, ngành chức năng đã vào cuộc chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng trái pháp luật.

Đơn cử như vụ phá rừng tại khu vực Cheng Leng (tiểu khu 1065, xã Hbông, huyện Chư Sê, Gia Lai), sau khi nhận được tin báo từ quần chúng nhân dân, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã phối hợp với Công an huyện Chư Sê, Viện KSND huyện vào cuộc kiểm tra hiện trường. Quá trình kiểm tra, phát hiện tại tiểu khu 1065 (thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, do UBND Hbông quản lý) có 4 vị trí bị ủi, cày phá với tổng diện tích 34,61ha. 
 
Cụ thể, vị trí thứ nhất nằm ở lô 8, 24,25 (khoảnh 2) có diện tích bị chặt phá là 9,960ha với mục đích để trồng bạch đàn. Trên diện tích này, đất rừng đã bị cày xới để trồng khoảng 15.940 cây bạch đàn có chiều cao từ 20 đến 40cm. Thời điểm chặt phá diễn ra vào khoảng tháng 3.
một-vụ-phá-rừng-tại-khu-vực-cheng-leng-xã-hbông.jpg
Một vụ phá rừng tại khu vực Cheng Leng, xã Hbông (Nguồn: Hữu Phúc - Sài Gòn giải phóng)
Vị trí thứ 2 thuộc các lô 19, 24 (khoảnh 2) và lô 1,3,15 (khoảnh 4) với diện tích bị chặt phá là 10,87ha. Mục đích phá rừng để trồng bạch đàn. Vị trí này đã bị cày xới để trồng khoảng 17.392 cây bạch đàn. Thời điểm phá rừng diễn ra vào tháng 3.
 
Vị trí thứ 3 nằm ở các lô 13,17 (khoảnh 2) với diện tích rừng bị phá là 2,2ha. Mục đích phá rừng để lấy đất trồng bạch đàn. Vị trí này đã được cày xới để trồng khoảng 3520 cây bạch đàn. Thời điểm bị phá diễn ra vào khoảng tháng 3.
 
Vị trí thứ 4 nằm ở các lô 15, 27,28, 36 (khoảnh 1) với diện tích chặt phá là 11,58ha. Tại vị trí này, hiện trường đã bị cày xới, có khoảng 200 gốc cây kích thước từ 10 đến 25cm bị ủi, vùi lấp. Diện tích trên đã bị san ủi bằng phẳng. Thời điểm bị phá vào tháng 8. Cơ quan chức năng đang điều tra mục đích phá rừng ở vị trí này.
 
Liên quan đến vụ việc, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê cũng đã có báo cáo vụ phá rừng phòng hộ ở khu vực Cheng Leng (tiểu khu 1065, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) lên Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai.
 
Ngày 14-9 vừa qua, ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê (Gia Lai) cho biết đã chỉ đạo UBND huyện cùng các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra vụ phá rừng ở tiểu khu 1065, xã Hbông (huyện Chư Sê).
 
Hạt Kiểm lâm Huyện Chư Sê cho biết, thời điểm ngành chức năng kiểm tra, chưa xác định cụ thể đối tượng vi phạm. Hiện cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
 
Chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm

Mới đây, Sở NN-PTNT Bình Định vừa có văn bản gửi UBND huyện Tây Sơn đề nghị chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng trái pháp luật tại khoảnh 4 và khoảnh 5, tiểu khu 248 nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn).

Như thông tin đã được báo chí phản ánh, thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn xã, Kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) tổ chức kiểm tra, truy quét rừng tại khu vực có tục danh Hòn Bình thuộc tiểu khu 248 nằm trên địa bàn xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn).

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện 5,06ha diện tích rừng bị phá là trạng thái rừng gỗ tự nhiên, lá rộng thường xanh trung bình (theo bản đồ hiện trạng rừng năm 2020) có chức năng rừng sản xuất, do UBND xã Tây Thuận quản lý.

Vụ vi phạm phá rừng trái pháp luật nêu trên có diện tích vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm. Do đó, Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Tây Sơn tổ chức điều tra, xác minh truy tìm đối tượng vi phạm, xác lập hồ sơ xử lý hoặc tham mưu cấp thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Sở NN-PTNT Bình Định cũng đề nghị UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo Công an huyện Tây Sơn, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn, UBND xã Tây Thuận và các cơ quan có liên quan của huyện phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tây Sơn tiến hành điều tra, xác minh tìm ra đối tượng phá rừng trái pháp luật tại khoảnh 4 và khoảnh 5, tiểu khu 248, xã Tây Thuận.

 

hiện-trường-vụ-phá-rừng-ở-xã-tây-thuậ.jpg
Hiện trường vụ phá rừng ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: KLCC

Đồng thời, UBND xã Tây Thuận và các cơ quan có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát diện tích rừng đã bị phá nêu trên, nếu phát hiện người dân trồng cây hoặc tác động với bất kỳ mục đích gì trên diện tích bị phá thì xác lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, yêu cầu chủ rừng tăng cường phối hợp Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tăng cường tổ chức tuyên truyền trong nhân dân các quy định pháp luật, các chính sách về lâm nghiệp để người dân nâng cao nhận thức, tham gia bảo vệ rừng.

Làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương

Theo thông tin người dân địa phương phản ánh, thời gian qua nhiều diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn xã Phổ Phong bị tàn phá khiến cho người dân vô cùng bức xúc. Cách đường Quốc lộ 24 khoảng 2 km đường rừng, chúng tôi đi bộ khoảng 2 tiếng đồng hồ thì đến được khu vực rừng phòng hộ thuộc thôn Vạn Trung, xã Phổ Phong (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Khi chúng tôi vào đến rừng phòng hộ, chứng kiến cảnh cây rừng bị lâm tặc cưa đổ ngổn ngang mà không khỏi bàng hoàng.

Tại đây xuất hiện nhiều gốc cây bị đốn hạ không thương tiếc, các đối tượng này cũng tự ý mở đường rộng khoảng 3 - 4 mét để vào sâu trong rừng phòng hộ. Qua đó, những cây to với đường kính gần 1 mét cũng bị cưa hạ vẫn còn chảy nhưa, thân cây thì được chia thành nhiều đoạn nằm ngổn ngang trong rừng. Còn những cây có đường kính 20 -30 cm thì bị các đối tượng cưa thành nhiều khúc bằng nhau với chiều dài khoảng 1,5 mét được chất thành từng đống khác nhau chưa kịp chuyển xuống núi.

 

hinh-pha-rung-4-5399.jpg

 

hinh-pha-rung-5-2219.jpg
Dọc đường đi vào rừng có nhiều gốc cây với đường kính từ 30-40 cm bị cưa hạ gỗ còn nằm ngổn ngang. (Nguồn: Văn Phong - Đình Sang/Pháp luật Việt Nam)

Thông tin báo chí, cán bộ Kiểm lâm ở Cụm Kiểm lâm địa bàn liên xã (nằm ở thôn Vạn Lý, xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ) cho biết, việc này đã được báo cáo bằng văn bản gửi cho UBND xã Phổ Phong và Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ, còn cần gì thì cứ liên hệ với cấp trên sẽ cung cấp thông tin đầy đủ.

Được biết, Cụm Kiểm lâm địa bàn liên xã nằm trên đường Quốc lộ 24 chỉ cách nơi phá rừng 2,5 km. Nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên phá rừng phòng hộ.

Trả lời báo chí, ông Phan Tiến Định – Chủ tịch UBND xã Phổ Phong, thị xã Đức Phổ cho biết, "vào tháng 6/2021, UBND xã nhận được báo cáo của Kiểm lâm địa bàn về việc phá rừng phòng hộ trái phép tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319. Số lượng gỗ bị chặt phá là trên 2 khối, hiện nay vẫn chưa xác định được đối tượng phá. Theo thông tin của phóng viên cung cấp, thì gần đây tình trạng phá rừng vẫn tiếp tục được diễn ra, nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được báo cáo của Kiểm lâm địa bàn. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát để phát hiện và xử lý theo quy định".

Trước đó vào tháng 6/2021, tại lô 13, khoảnh 3, tiểu khu 319 xảy ra việc mở đường trái pháp luật vào rừng phòng hộ để khai thác cây rừng tư nhiên trái phép. Chiều dài đoạn đường được mở trái luật là 256 mét, rộng 4 mét, tổng diện tích đoạn đường được mở là 1.060 m2. Tại đây, có 40 gốc cây bị cưa hạ, chủ yếu là cây Dầu rái có đường kính từ 12 đến 60 cm, số lóng cây còn để lại là 42 lóng có đường kính trung bình là 20 cm, chiều dài 1,55 mét với tổng khối lượng là 2,044 m3.

Về vấn đề khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ xã Phổ Phong, ông Võ Văn Trình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Đức Phổ cho biết, chúng tôi sẽ lên hiện trường, chỉ đạo lực lượng phối hợp với Công an xã tiếp tục xác minh điều tra làm rõ vụ việc. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, quản lý khu vực chặt, phá này. Mặt khác, chúng tôi sẽ đi kiểm tra tại các cơ sở thu mua gỗ gần đó và đi kiểm tra tại rừng.

Diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn thị xã Đức Phổ hiện có hơn 2.000 héc ta, rừng trồng khoảng hơn 15.000 héc ta. Thiết nghĩ, nếu các cơ quan chức năng không quản lý rừng chặt chẽ thì tình trạng chảy máu tài nguyên sẽ vẫn tiếp tục xảy ra gây thất thoát một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Đức Phổ và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, có biện pháp xử lý vụ việc (nếu có), không để tình trạng này kéo dài, đồng thời, làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Báo cáo kết quả thực hiện, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo theo thẩm quyền trước ngày 20/9/2021.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top