Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 17 tháng 5 năm 2022 | 16:23

Chính quyền “lúng túng” trong xử lý khai thác đất trái phép

Ngang nhiên đưa máy móc, phương tiện vào các khu vực đồi núi khai thác đất trái phép, gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, chính quyền nhiều địa phương lại “lúng túng” trong cách xử lý vi phạm.

Xẻ đồi, lấp ruộng làm du lịch
 
Thị trấn Mang Đen (Kon Plôn - Kon Tum) được ví như “Đà Lạt 2” của Tây Nguyên. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, thị trấn trở thành điểm đến lý tưởng mà các nhà đầu tư từ khắp cả nước đổ về tìm kiếm cơ hội làm ăn trong lĩnh vực bất động sản.
Chính vì vậy, tạo nên “cơn sốt” đất, giá được thổi lên cao gấp 4-5 lần. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư luôn sẵn sàng vung tiền gom đất, khiến đất đắt đỏ, khan hiếm.
 
Đặc biệt, những khu đất quanh thị trấn Mang Đen có hồ, ruộng được nhiều người săn đón. Cũng bởi nhu cầu sử dụng đất tăng cao, nhiều “cò đất” tìm đến địa phương “săn lùng”, mua lại diện tích đất lúa của người địa phương, đổ đất, san ủi làm nền rao bán.
111.jpg
Diện tích ruộng lúa của người dân tại làng du lịch Kon Pring, thị trấn Măng Đen bị san lấp trái quy định để làm du lịch.
Thực trạng thấy được, ngay bên tuyến Quốc lộ 24, đoạn qua làng du lịch Kon Pring, thị trấn Măng Đen, từ làng nhìn ra là một con suối uốn lượn, bao quanh khu ruộng lúa xanh mướt của người dân.
Khu vực này "view" đẹp được săn đón, khiến nhiều diện tịch ruộng lúa của người dân trong làng đã chuyển nhượng cho những cá nhân khác.
Ngay tại đầu làng Kon Pring đang có khu đất ruộng lúa với diện tích khoảng 500m2 bị lấp để trồng hoa, tạo cảnh quan trang trại.
Từ những cánh đồng để trồng lúa, một số cá nhân dùng khối lượng đất lớn để cải tạo, nâng lên cao bằng mặt đường Quốc lộ 24. Bởi nhu cầu san lấp mặt bằng để làm nền tạo view, nhiều cá nhân nắm bắt cơ hội khai thác đất trái phép đem bán.
Thực thế, một quả đồi nằm bên đường Quốc lộ 24, đầu làng du lịch  Kon Pring, thị trấn Măng Đen,  đang bị san ủi lấy đất phục vụ việc san lấp nền. Trên đồi cao một chiếc máy múc đang đào đất, dưới chân núi, hàng nghìn mét khối đất đã bị xúc và vận chuyển trái phép đi nơi khác.
Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Bá Công, cán bộ địa chính UBND thị trấn Măng Đen, cho biết, ngay khi phát hiện chuyện san, gạt đất, mở đường trên diện tích đất rẫy thuộc làng Kon Pring, chính quyền đã lập biên bản và yêu cầu tạm dừng hoạt động này để xử lý theo quy định của pháp luật.
222.jpg
Khu vực đồi bị khai thác hơn 4.000m3 đất trái phép để phục vụ việc san lấp.
Tại hiện trường, xã yêu cầu tài xế lái máy xúc là ông Phạm Thiện Anh dừng ngay mọi hoạt động khai thác đất trái phép. Xác minh đo đạc tại hiện trường có khoảng 4000m3 đất bị múc và vận chuyển đi nơi khác. Làm việc với tài xế, người này cho biết được ông Trần Cảnh Toàn thuê múc đất.
Theo ông Công, xã đã nhiều lần mời ông Trần Cảnh Toàn lên để làm việc nhưng người này không chấp hành. Với số lượng đất khai thác trái phép lớn không thuộc thẩm quyền giải quyết, xã báo cáo UBND huyện tiến hành xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, đặc biệt là thị trấn Măng Đen, liên tục để xảy ra nhiều sai phạm đất đai liên quan đến các dự án.
Trước những sai phạm này, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Kon Plông.

 

Xuyên đêm khai thác đất 

Người dân các xã Hà Linh, Phúc Trạch, Hương Trạch…(huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) phản ánh tình trạng các chủ máy đào, xe tải thường xuyên lợi dụng đêm tối, đưa phương tiện đến các quả đồi trên địa bàn đào trộm đất, chở đi nơi khác.

“Cứ chập tối đến tận 2 giờ sáng hôm sau là hàng chục xe tải chở đầy đất, không che bạt, chạy ầm ầm khiến người dân đi qua rất bất an. Có hôm có đến 3 máy múc và gần 20 chiếc xe tải cùng làm. Đến sáng khu vực khai thác được rào lại, dọc đường chỉ toàn là bụi đất rơi vãi”, một người dân xã Hà Linh cho hay.

Người dân địa phương cho biết tình trạng khai thác trộm đất xảy ra nhiều ngày qua, chưa có dấu hiệu bị xử lý hay dừng lại. Họ lo lắng việc khai thác trộm đất liên tục không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và nhất là làm mất an toàn cho người dân lưu thông trên các tuyến đường này.

3444.gif
Khai thác trộm đất liên tục xảy ra không chỉ gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường và nhất là làm mất an toàn cho người dân lưu thông trên các tuyến đường này.

Được biết, tại khu vực đồi núi thuộc nghĩa trang thôn 5, xã Hà Linh (huyện Hương Khê). Tại đây, ghi nhận thực tế trên quả đồi cách quốc lộ 15A khoảng 500m có 3 máy xúc cùng hàng chục xe tải đang khai thác đất rầm rộ.

Từng đoàn xe tải sau khi chở đầy đất, cao hơn thành thùng, không đậy bạt, liên tục chạy băng qua quốc lộ 15A rồi đổ đất cho khu vực nền đất cạnh đường.

Tại các khu vực đồi ở thôn 11, xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê), tình trạng khai thác đất trộm cũng diễn ra rầm rộ. Hai máy múc cùng nhiều xe tải liên tục chở trộm đất mang ra ngoài. Khi phát hiện người lạ, họ tạm dừng khai thác và đưa máy xúc, xe tải rời hiện trường.

Công an địa phương sau khi nhận thông tin phản ánh đã có mặt và cho biết sẽ điều tra, làm rõ vụ việc.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) Trần Quốc Khánh cho biết, xã đã nắm được thông tin và đang chỉ đạo lực lượng công an xã, cán bộ địa chính xác minh làm rõ nhóm người khai thác trộm đất như báo chí phản ánh.

“Đầu năm đến nay, lực lượng chức năng từng nhiều lần lập biên bản, xử phạt hành chính các trường hợp lợi dụng cải tạo vườn rồi khai thác trộm đất, chở đi nơi khác. Tuy nhiên, khu vực khai thác đất có người cảnh giới và thường hoạt động ban đêm hoặc ngày cuối tuần nên việc bắt quả tang, xử lý gặp khó khăn”, ông Trần Quốc Khánh nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Hà Linh (huyện Hương Khê) Bùi Ngọc Du cho rằng, khu vực báo chí phản ánh là khu nghĩa trang của xã. Một hộ dân có đất nghĩa trang ở đó đã thuê máy, xe tải về đào hạ nền và mang đi đổ ở khu vực đất khác của gia đình. Tuy nhiên, việc khai thác đất này là vi phạm vì chưa có đầy đủ thủ tục, không báo cáo xã.

4444.gif
Nhiều xe, máy rầm rộ khai thác đất vào ban đêm tại xã Hà Linh.

“Phía công an báo cáo đã lập biên bản và đình chỉ, làm rõ hành vi khai thác đất trên, song chưa có văn bản cụ thể, chưa trình lên. Xã cũng yêu cầu cán bộ chuyên môn kiểm tra rõ số liệu cụ thể để báo cáo lên huyện”, ông Bùi Ngọc Du nói và cho biết ngoài vị trí mà báo chí phản ánh, trên địa bàn còn có một số vị trí khác người dân cải tạo vườn, làm nền nhà song xã không đồng ý cho việc này.

Ông Nguyễn Xuân Quyền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hương Khê, cho biết, phòng đã nắm được sự việc và đang giao cho các xã xuất hiện tình trạng khai thác đất báo cáo cụ thể.

“Phòng có nhận thông tin phản ánh các xã Hà Linh, Phúc Trạch, Hương Trạch… gần đây xuất hiện tình trạng khai thác đất lậu và đang yêu cầu báo cáo. Ngoài ra, cán bộ đơn vị cũng phối hợp ngành liên quan đến các khu vực có tình trạng trên để làm rõ, xử phạt vi phạm chủ đất để xảy ra vấn nạn này. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, nhiều núi đồi và việc khai thác thường diễn ra ban đêm nên khó phát hiện, xử lý”, ông Nguyễn Xuân Quyền nói.

Không gia hạn giấy phép với tổ chức… nhiều lần vi phạm về khoáng sản

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường không tham mưu gia hạn giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường nhiều lần do lỗi chủ quan đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý;

Đồng thời tiến hành rà soát, tham mưu dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, không thực hiện nghiêm túc đánh giá tác động môi trường, vi phạm pháp luật.

Đây là nội dung Chỉ thị tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai do UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết và kinh doanh khoáng sản tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực và từng bước đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho sản xuất, các công trình, dự án, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động khoáng sản tại Lào Cai thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý quy hoạch khoáng sản, quản lý đất đai liên quan đến khoáng sản chưa đồng bộ; thiếu nguyên liệu cho sản xuất, chế biến sâu; quản lý sản lượng khai thác chưa chặt chẽ; bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản.

Tiến độ các dự án chậm chủ yếu do đền bù, giải phóng mặt bằng; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời; chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý đối với lĩnh vực khoáng sản theo địa bàn và chuyên ngành.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan, song nguyên nhân chủ yếu là do sự chỉ đạo thiếu kiên quyết của một số ngành, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.

Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại nêu trên, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo quy định.

Sở thường xuyên rà soát hệ số quy đổi quặng thành phẩm ra quặng nguyên khai đảm bảo đúng quy định, không thất thoát; yêu cầu tất cả các chủ đầu tư lắp đầy đủ trạm cân, camera (phải được kết nối với cơ quan quản lý cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện) trước khi tiến hành khai thác.

55555.jpg
Hoạt động khoáng sản tại Lào Cai thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Ảnh minh họa: TTXVN

Công tác quản lý đất đai phải đảm bảo 100% các dự án khoáng sản được thuê đất trước khi hoạt động khai thác đối với diện tích được sử dụng. Các dự án sau khi hoàn nguyên phải được bàn giao đất về cơ quan có thẩm quyền theo kế hoạch quản lý quỹ đất công.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ (ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng) của các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tiến hành giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; xây dựng đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh các vi phạm trong hoạt động khoáng sản;

Chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi hoàn thành các thủ tục theo quy định. Đồng thời chịu trách nhiệm trong việc để xảy ra vi phạm tải trọng, xe quá khổ khi doanh nghiệp vận chuyển khoáng sản trên địa bàn quản lý.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải lắp đặt bảng thông báo, công khai thông tin về tọa độ, diện tích khu vực khai thác, thời gian khai thác, thời gian hoạt động trong ngày, tên phương tiện, thiết bị sử dụng thực hiện khai thác để chính quyền địa phương, người dân biết, giám sát và chịu hoàn toàn trách nhiệm các sự việc xảy ra trong phạm vi khai thác đã được cấp phép.

Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ công tác đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường và đất đai ngay sau khai giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top