Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 16 tháng 11 năm 2021 | 14:40

“Báo động đỏ” khai thác đất trái phép ở khu vực nông thôn

Hàng loạt trường hợp khai thác đất trái phép, sai so với giấy phép được cấp vừa bị cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm… đây là một báo động đỏ đối với những địa phương trong công tác quản lý tài nguyên đất.

Địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 19 mỏ đất được cơ quan chức năng cấp phép cho doanh nghiệp (DN) khai thác làm vật liệu san lấp với tổng diện tích hơn 141ha. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, vì lợi nhuận cộng với sự buông lỏng quản lý của các đơn vị chức năng nên nhiều DN đã vi phạm trong khai thác mỏ.
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên-Huế, với 19 mỏ đất được cấp phép nói trên, các DN được khai thác với trữ lượng hơn 10 triệu m³, công suất khai thác hơn 2,3 triệu m³/năm. Ngoài ra, địa bàn tỉnh còn có 8 vị trí mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép cho DN khai thác khoáng sản đi kèm là đất tầng phủ với tổng công suất đất san lấp hàng năm khoảng hơn 500.000m³.
 
 
e6d3199a5dd8b486edc9.jpg
Công ty Minh Nhật khai thác mỏ đất tại đồi Trốc Voi 2 vi phạm về bảo vệ môi trường.
Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, tại Điều 42 chỉ rõ: “Việc xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế được thực hiện trên cơ sở các thông tin, số liệu của sổ sách, chứng từ, tài liệu quy định. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan”.
 
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Đại Lân, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế, đối với các mỏ do Bộ TN&MT cấp phép, hiện các chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt trạm cân và camera. Riêng các mỏ đất làm vật liệu san lấp thuộc thẩm quyền UBND tỉnh cấp, phần lớn các chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện đầy đủ việc lắp đặt các thiết bị này.
 
Ông Lân còn cho biết, trước thực trạng các DN có nhiều vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là tại các mỏ đất làm vật liệu san lấp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, qua đó phát hiện nhiều DN vi phạm các quy định trong khai thác mỏ, vi phạm quy định bảo vệ môi trường…
 
Điển hình như mới đây, qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện Công ty TNHH Xây dựng vận tải Minh Nhật (gọi tắt Công ty Minh Nhật) có trụ sở chính tại cụm công nghiệp Thủy Phương, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định trong trường hợp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh khi thực hiện dự án khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp thuộc khu vực đồi Trốc Voi 2, phường Thủy Phương. Do đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Minh Nhật 240 triệu đồng. Ngoài ra, DN này phải chịu hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động cơ sở 3 tháng để khắc phục vi phạm; phải xây lắp, vận hành công trình bảo vệ môi trường và lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận theo quy định.
 
Tương tự, qua kiểm tra, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế phát hiện Công ty TNHH Hoàng Ngọc, trụ sở 133 Bùi Thị Xuân, TP Huế thực hiện khai thác đất san lấp tại mỏ đất khu vực Trốc Voi (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) khi không có giấy phép khai thác khoáng sản. Tổng khối lượng khoáng sản mà DN này khai thác tại thời điểm phát hiện vi phạm là 25.516m³. Với vi phạm này, Công ty Hoàng Ngọc bị xử phạt hành chính 90 triệu đồng; tịch thu toàn bộ khoáng sản mà DN thu lợi bất hợp pháp được quy đổi bằng tiền hơn 655,7 triệu đồng; yêu cầu DN chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định và đo đạc 51,6 triệu đồng và buộc cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác.
 
Hay như Công ty TNHH Xây dựng Đồng Tâm (trụ sở tại cụm công nghiệp Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) khai thác mỏ đất khu vực đồi Khe Quan (phường Thủy Phương) nhưng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép gần 0,5ha, bị lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định xử phạt 120 triệu đồng; buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp hơn 266,4 triệu đồng và yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép…
 
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thời gian qua, Sở này đã tích cực phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh tiến hành làm việc với các chủ mỏ khoáng sản trên địa bàn, các Ban quản lý dự án, qua đó yêu cầu DN nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật về môi trường, an toàn giao thông, đảm bảo phương tiện chuyên chở đất, đá đúng trọng tải, không để rơi vãi xuống đường trong quá trình vận chuyển. Thời gian tới, Sở TN&MT và các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các DN, đặc biệt là tại các mỏ đất khai thác làm vật liệu san lấp.

Thanh tra việc khai thác đất

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ giao Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, UBND huyện Yên Lập và các cơ quan có liên quan thành lập đoàn thanh tra, tiến hành thanh tra Cty Ngọc Đồng. Thời gian báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ trong tháng 12/2021.

Được biết, Cty Ngọc Đồng được thành lập vào năm 2011 tại khu 2, xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Cty Ngọc Đồng được giao quản lý 178ha để thực hiện dự án cải tạo giống chè.

Trước đó, như Ngày Nay đã thông tin người dân tại huyện Yên Lập đã phản ánh về việc suốt thời gian dài, tình trạng khai thác, vận chuyển đất trái phép trên diện tích đất do Cty Ngọc Đồng quản lý diễn ra rầm rộ, công khai.

Thông tin cho thấy, Ngày 5/2/2021, UBND huyện Yên Lập có Văn bản số 175/UBND-TN&MT do Phó Chủ tịch Nguyễn Kim Ngọc ký, chấp thuận cho Cty Ngọc Đồng được vận chuyển đất dư thừa khi thi công san gạt, cải tạo mặt bằng hạ cốt nền đối với đất trồng cây lâu năm được giao để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao tại xã Ngọc Đồng, huyện Yên Lập.

 

eb3bd7576a15834bda04.jpg
Tiến hành thanh tra Cty Ngọc Đồng.

Nội dung văn bản xin phép cho thấy Ngọc Đồng được hạ độ cao từ cốt +50,6m xuống cốt thiết kế +47m (hạ 3,6m) trên diện tích 5.148,3m2 với khối lượng 8815,8m3, trong thời gian 60 ngày (kể từ ngày ký văn bản). Đất ở đây chỉ sử dụng để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao. Có điều, nội dung văn bản không nêu căn cứ đất trồng cây lâu năm được Nhà nước giao để thực hiện dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến chè công nghệ cao tại xã Ngọc Đồng.

Ngày 11/6/2021, UBND huyện Yên Lập đã có Văn bản 824/UBND-TNMT gửi Phòng TN&MT, Công an huyện, UBND xã Ngọc Đồng và Cty Ngọc Đồng dừng việc san gạt, hạ cốt nền và vận chuyển đất trái phép.

Huyện Yên Lập giao Phòng TN&MT chủ trì, phối hợp Công an huyện, UBND xã kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và giám sát việc khắc phục sai phạm, báo cáo kết quả với huyện trước ngày 18/6.

Tuy nhiên, cuối tháng 6/2021, tại một số vị trí khai thác đất, việc hoàn nguyên của Cty Ngọc Đồng vẫn chưa được thực hiện; việc xử lý và báo cáo kết quả với huyện của Phòng TN&MT cũng chưa được thực hiện.

Khởi tố 2 đối tượng khai thác đất trái phép

Theo đó, ngày 10/11, Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Trọng Thắng (SN 1975), trú tổ 4, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) và khởi tố bị can đối với Trần Văn Lợi (SN 1963), trú tổ 3, thị trấn Sông Mã về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”.

 

img_3845-1516.jpg
Một trong 2 đối tượng vừa bị khởi tố vì khai thác đất sét trái phép ở Sơn La. Ảnh: Công an Sơn La

Cụ thể, Công an xác định, từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021, Lợi đã cùng Thắng chỉ đạo, vận hành khai thác đất sét khi chưa được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cho phép để sản xuất và đã bán ra thị trường hơn 29 triệu viên gạch (tồn kho hơn 1 triệu viên gạch, khối lượng đất trong kho lưu trữ hơn 1800m3).

Tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác trái phép hơn 40.600m3 có giá trị hơn 2,1 tỷ đồng. Hiện, vụ việc vẫn đang được Công an tỉnh Sơn La tiếp tục điều tra, làm rõ.

 

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top