Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 11 năm 2020 | 12:55

Chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều: Không thể làm theo kiểu chắp vá, đối phó!

Ngày 15/11, Nhà xuất bản ĐH Sư Phạm TP.HCM công khai tài liệu chỉnh sửa SGK Cánh Diều, đưa lên mạng internet để xin ý kiến giáo viên, các nhà khoa học và xã hội.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, NXB không nên làm chắp vá “đối phó cho qua chuyện” như thế này.

 

1.jpg

Có làm cho qua chuyện?

Trao đổi với cô N.T.T, Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở một huyện miền núi của tỉnh Sơn La, người được phỏng vấn trong bài viết “Chương trình tiếng Việt lớp 1 khiến dư luận “đau đầu”: Đâu là hướng giải quyết?” cho biết, chúng tôi vừa nhận được văn bản chỉ đạo của Sở và Phòng GD&ĐT về việc đóng góp ý kiến vào tài liệu chỉnh sửa cho bộ SGK Cánh Diều, nhưng cũng phải nói thật, việc này là tăng thêm áp lực cho giáo viên. Nếu làm cho qua chuyện là vô trách nhiệm với học trò và xã hội; còn làm một cách nghiêm túc thì cần phải có thời gian chứ không thể vài ngày là xong.

Theo cô N.T.T, muốn đóng góp một cách chính xác, chúng tôi phải tổ chức nghiên cứu tài liệu đã được chỉnh sửa, tổ chức họp để đóng góp ý kiến, tổ chức dạy để rút ra được những điểm được và chưa được khi thực hiện dạy theo tài liệu chỉnh sửa, Ban giám hiệu còn phải dự giờ, còn phải họp, sau đó mới có ý kiến đóng góp được.

“Với học sinh vùng dân tộc miền núi như chúng tôi ở đây, việc đến lớp giảng dạy đã là quá vất vả rồi, bây giờ phải bỏ thêm thời gian, công sức nghiên cứu, đóng góp ý kiến cho tài liệu chỉnh sửa sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy của giáo viên. Cũng phải cho chúng tôi thời gian chứ công việc bận lắm rồi”, cô N.T.T cho biết.

Là giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1, cô giáo P.T.T, giáo viên dạy tiểu học trên địa bàn TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, việc chỉnh sửa lại bộ SGK Cánh Diều là rất cần thiết bởi một số từ trong bài không đúng chuẩn mực, không phù hợp với tâm lý của trẻ em. Hiện nay năm học đã bước sang tuần thứ 11, chúng tôi đang rất vất vả trong thực hiện nhiệm vụ của năm học, bây giờ lại phải bỏ thời gian nghiên cứu và đóng góp cho NXB đối với tài liệu chỉnh sửa được đăng tải trên mạng.

“Một điều bất cập là, tài liệu chỉnh sửa đang lấy ý kiến đóng góp của giáo viên, các nhà khoa học chứ chưa triển khai đại trà cho học sinh, trong khi thời gian năm học không thể dừng để chờ tài liệu, mặc dù chỉ đạo của ngành rất mở cho giáo viên trong quá trình giảng dạy, nhưng cô giáo dạy mà học sinh không có sách chỉnh sửa bên cạnh, mỗi khi dạy lại phải tra là rất bất cập, sẽ dẫn đến tình trạng “sách viết một đàng, giáo viên dạy một nẻo”, làm cho học sinh khó tiếp thu”, cô P.T.T cho biết thêm.

“Nhờ cơ quan báo chí lên tiếng giúp giáo viên chúng tôi về việc đóng góp vào tài liệu chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều đang được thực hiện. Theo tôi, đóng góp phải có thời gian, không thể làm cho qua chuyện, hơn nữa đã có hẳn một Hội đồng thẩm định, toàn các nhà khoa học, trình độ hơn hẳn chúng tôi nhiều, bây giờ lại đề nghị chúng tôi đóng góp thì có phải là đang làm ngược hay không, trong khi thời gian này đang là cao điểm của học kỳ 1. Đóng góp phải là thời gian chúng tôi nghỉ hè, vào thời gian này là không phù hợp, không hiệu quả”, cô giáo N.T.B, giáo viên dạy lớp 1 một trường TH ở ngoại thành Hà Nội bày tỏ quan điểm, khi được chúng tôi trao đổi về việc đóng góp ý kiến vào tài liệu chỉnh sửa bộ SGK Cánh Diều.

Cô B còn cho biết thêm, làm gì thì chúng tôi cũng phải có hướng dẫn, có chỉ đạo từ cấp trên chứ không thể trực tiếp làm được, hiện tại chúng tôi chưa có chỉ đạo gì, do vậy chúng tôi vẫn cứ tiến hành giảng dạy theo hướng dẫn hiện hành.

Phải biên soạn lại chứ không làm chắp vá

Một cô giáo là lãnh đạo một trường TH trên địa bàn quận Cầu Giấy cho biết, thực chất việc điều chỉnh này của NXB đang làm theo dư luận, chứ về mặt chương trình là không thay đổi, cơ quan chủ quản cũng cho phép các giáo viên trong quá trình giảng dạy được linh hoạt và chủ động, có thể tự chủ động thay thế những từ không phù hợp trong sách và thay tế những từ phù hợp, do vậy giáo viên phải rất lưu ý để soạn bài.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tài liệu chỉnh sửa chính thức nên trong quá trình giảng dạy giáo viên không thể thay thế được, vì thế giáo viên trong quá trình giảng dạy nếu thấy không phù hợp, giáo viên có thể không dạy.

Cô giáo này còn cho biết thêm, việc đính chính là sửa chữa lại một số lỗi rất nhỏ và rất ít trong sách, ví dụ như viết sai chính tả hay nhầm, chứ đính chính nhiều như thế này là phải thay thế và viết lại chứ không thể làm chắp vá được. Đây phải nói là sai chứ không gọi là lỗi.

PGS Nguyễn Hữu Đạt, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và văn hóa phương Đông, nguyên chủ nhiệm bộ môn Việt ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), vẫn khẳng định quan điểm: Muốn được dùng làm SGK, Tiếng Việt 1 - bộ Cánh Diều phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Bởi những sai sót trong sách không thể coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản cả về phương pháp biên soạn, ngữ liệu, tri thức về ngôn ngữ học, về mục đích dạy tiếng Việt… Nếu nói “sạn” là những lỗi nhỏ, những thiếu sót mang tính không cơ bản, nhưng ở đây là do phương pháp biên soạn chưa chuẩn.

Với kiểu đính chính và lấy ý kiến như thế này vô hình chung đã tạo một áp lực rất lớn đối với giáo viên, hiệu quả các ý kiến sẽ không cao và như vậy càng làm cho dư luận thêm bất bình.

Bộ GD&ĐT nên xem xét lại hình thức góp ý vào việc chỉnh sửa này của NXB ĐH Sư phạm TP.HCM, để bảo đảm các ý kiến đóng góp có chất lượng nhất, thời gian lấy ý kiến đóng góp cũng phải phù hợp nhất, thậm chí phải biên soạn lại cho đảm bảo chất lượng giáo dục học sinh. Sai thì đã sai, nhưng nếu sửa sai không đúng sẽ làm cho hiệu quả và chất lượng bộ sách sử dụng giảng dạy cho học sinh không đạt được như xã hội mong muốn.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top