Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 10 tháng 10 năm 2017 | 2:20

Chuyển biến quan trọng trong XDNTM ở Tân Tạc: Nông thôn đổi mới

Sau hơn 6 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã tạo được sự chuyển biến trong đời sống của người dân; nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Phóng viên báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Nhỏ, Phó chủ tịch UBND huyện, xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết những kết quả nổi bật của Chương trình XDNTM trên địa bàn những năm qua?

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM giai đoạn 2011-2015, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng từ huyện đến cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động như tuyên truyền vận động, thành lập ban chỉ đạo các cấp, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện...

Phó chủ tịch huyện Bùi Văn Nhỏ trao đổi với phóng viên.

UBND huyện đã giao từng tiêu chí cho các phòng, ban của huyện, đồng thời phân công các thành viên Ban chỉ đạo trực tiếp phụ trách và hỗ trợ xã đánh giá hiện trạng, xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện để hoàn thành các tiêu chí theo từng năm và cả giai đoạn. Các xã xây dựng kế hoạch đăng ký tiêu chí phấn đấu hàng năm và cả giai đoạn để làm cơ sở tập trung chỉ đạo. Huy động các nguồn lực tham gia hoàn thành các tiêu chí.

Kết quả, đã có 7.121 hộ dân tham gia hiến 198,13ha đất để làm đường giao thông và các công trình hạ tầng. Tân Lạc trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Hòa Bình hoàn thành việc công bố và cắm mốc quy hoạch xây dựng nông thôn mới mà không phải sử dụng bất kỳ nguồn kinh phí nào.

Nhìn chung, việc triển khai XDNTM đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống người dân. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Nhận thức, trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong XDNTM nên tự nguyện tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh trật tự xã hội ngày càng ổn định.

Được biết, đến nay, huyện đã có 4 xã về đích NTM. Để giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí, Tân Lạc đã đề ra giải pháp gì, thưa ông?

Để giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chúng tôi đưa ra những giải pháp sau:

Đối với nhóm tiêu chí về hạ tầng: Các công trình đầu tư ở các xã, huyện giao trách nhiệm cho UBND xã quản lý sử dụng, thực hiện duy tu, bảo dưỡng hàng năm, đảm bảo sử dụng công trình hiệu quả và lâu dài. Tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ nâng cao các nội dung tiêu chí đảm bảo đạt chuẩn.

Đối với nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất: Tập trung hỗ trợ các xã trong việc thành lập các HTX, tổ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, kết nối thị trường, xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân sản xuất kinh doanh. Hiện, huyện có 2 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã, 2 tổ hợp tác và một số nhóm sở thích đang tham gia liên kết sản xuất-tiêu thụ đối với với sản phẩm bưởi đỏ, rau an toàn, cá sông Đà, ớt xuất khẩu, chuối xuất khẩu.

Đối với nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng: Tiếp tục đào tạo, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ có trình độ, năng lực về công tác tại các xã, luân chuyển cán bộ giữa các xã với nhau để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cấp xã. Xây dựng các mô hình xóm an ninh tự quản, cụm xóm an ninh tự quản đảm bảo ổn định xã hội.

Đoàn viên thanh niên xã Phú Vinh tích cực hưởng ứng phong trào ''Ngày thứ 7 tình nguyện''.

Đâu là những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình, thưa ông?

Tồn tại lớn nhất là việc lập các dự án đầu tư xây dựng chưa đạt; các công trình cấp thiết cần đầu tư, đặc biệt là một số hạng mục công trình trọng điểm như: Y tế, trường học, giao thông nông thôn, nước sạch vẫn còn khó khăn về kinh phí. Việc triển khai tổ chức thực hiện chương trình ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu đồng bộ. Nguồn lực thực hiện XDNTM chủ yếu vẫn từ ngân sách nhà nước cấp, nguồn lực huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế.

Công tác phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân còn khó khăn. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp mặc dù được quan tâm chỉ đạo xây dựng nhưng chưa được mở rộng, chưa thu hút được sự tham gia, hưởng ứng của người dân. Tiến độ XDNTM trên địa bàn một số xã còn chậm.

Nguyên nhân của tình trạng này là do một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa nhận thức được đúng vị trí, vai trò và ý nghĩa của Chương trình XDNTM. Do đó, chưa có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, tập trung, còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Xin ông chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chương trình và mục tiêu đặt ra trong thời gian tới?

Những năm qua, Tân Lạc luôn xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là giải pháp mang tính bền vững trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM. Vì thế, huyện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi xã, có cơ chế, chính sách kịp thời hỗ trợ, khuyến khích nông dân phát triển sản xuất. Huyện xây dựng và triển khai các đề án về hỗ trợ phát triển sản xuất như đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch, trồng mía, trồng bưởi theo hướng liên kết chuỗi gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Kinh phí dành cho phát triển sản xuất của huyện đạt gần 16 tỷ đồng. 

Thực tế trong quá trình XDNTM, các xã đã tìm được thế mạnh riêng để khai thác hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Điển hình ở các xã Mãn Đức, Lỗ Sơn đã xây dựng được cánh đồng giá trị cao với các loại cây như bí thương phẩm, cây lấy hạt. Các xã Thanh Hối, Ngọc Mỹ phát triển khá mạnh chăn nuôi trâu, bò hàng hoá. Các xã vùng cao trồng ngô, su su, tỏi tía, trồng rừng kinh tế... Các mô hình đều phù hợp với nhu cầu của người dân nên được nhân rộng và có hiệu quả kinh tế. Hết năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 29 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 28,5%. Toàn huyện xây dựng được 231 mô hình phụ nữ tự quản gắn với thực hiện cuộc vận động “5 không, 3 sạch” và vận động các hộ chỉnh trang nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, xây dựng hàng rào xanh. 

Để Chương trình XDNTM đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Tân Lạc tiếp tục tập trung phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, lấy nền tảng sức dân là cơ bản. Các ngành hỗ trợ, định hướng nhằm giúp các xã thực hiện các tiêu chí đã đề ra. Huy động các nguồn lực, tăng cường xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ cho nông thôn, phát triển kinh tế gắn với nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho nhân dân, mục tiêu đến năm 2020 có 8 xã đạt chuẩn NTM. 

Xin cảm ơn ông!

 

Tổng huy động nguồn lực từ khi triển khai XDNTM trên địa bàn huyện Tân Lạc đến nay là 1.470,450 triệu đồng.

Đã có 4 xã đạt 19/19 tiêu chí (Phong Phú, Địch Giáo, Tử Nê, Mãn Đức); 14 xã đạt từ 6-9 tiêu chí; 5 xã đạt từ 10-15 tiêu chí.

Đức Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top