Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 17 tháng 5 năm 2019 | 12:55

Chuyển đổi số: Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Trên hành tinh này, thứ tài nguyên càng khai thác sẽ càng nảy nở chính là chất xám, là sự sáng tạo.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy rằng, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

 

nqh01481.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

 

Đẩy mạnh đầu tư cho  khoa học công nghệ

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh: Những năm qua, sự đóng góp của khoa học công nghệ thể hiện trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp... Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. 

Hiện, cả khu vực Nhà nước và tư nhân chi cho khoa học công nghệ chỉ khoảng 0,44% GDP, khá thấp so với bình quân của thế giới là 2,23% GDP (Thái Lan 0,78%; Singapore 2,2%; Malaysia 1,3%, Trung Quốc 2,1%). Nếu không mạnh dạn đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong chính cái hố năng suất thấp, giá trị gia tăng thấp và bẫy thu nhập trung bình của chính chúng ta. Do vậy, cả Nhà nước và khu vực tư nhân cần nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư cho khoa học công nghệ và ưu tiên chi cho khoa học công nghệ một cách tương xứng hơn, hiệu quả hơn. Chú trọng tính thiết thực, hiệu quả, không làm theo phong trào, gây lãng phí, ứng dụng thấp.

Ông Stefan Hajkowicz, nhà khoa học cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Australia (CSIRO) cho biết: Công nghệ số đem lại cơ hội song cũng tạo ra không ít thách thức. Sự chuyển hướng phát triển của ngành kinh tế số, dự kiến đóng góp 10 - 20 triệu tỷ USD cho kinh tế toàn cầu đến năm 2025. Ông lấy ví dụ về công nghệ số giúp thúc đẩy tăng trưởng của Australia. Việc lắp đặt 2.400 cảm biến cho cầu Habour ở Sydney cùng với các chương trình học máy và phân tích dự báo, hệ thống có thể dự báo chính xác thời gian và vị trí trước khi sự cố xảy ra. Hệ thống giúp cây cầu trở nên an toàn hơn và cũng tiết kiệm chi phí.

Động lực của tăng trưởng

Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dựa trên năng suất là yêu cầu cấp thiết, điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh của Việt Nam. Ngoài ra, những cải cách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đòi hỏi tiếp cận toàn diện hệ thống đổi mới quốc gia, tập trung vào nâng cao năng lực chính phủ, cơ chế ưu đãi từ bên ngoài và nội bộ doanh nghiệp.

Vị đại diện đưa ra nghịch lý đổi mới, cụ thể là tại các quốc gia tụt hậu về công nghệ và thể chế, doanh nghiệp và năng lực chính phủ yếu hơn, chính sách đổi mới thông thường tỏ ra không hiệu quả. Ông Dione so sánh quá trình này tương tự như quá trình đầu bếp chế biến các món ăn. Các món bánh suffle (nguyên liệu chính là bột mì và trứng gà), pancake (làm từ bột mì, trứng, sữa, bơ )đều không thể hoàn thành nếu đầu bếp thiếu kỹ năng và không đủ các loại nguyên liệu chất lượng.

Do đó, “đổi mới sáng tạo cũng như năng suất đóng vai trò rất quan trọng”, ông nói và cho rằng sự phát triển của Việt Nam những năm qua rất ấn tượng, tuy nhiên còn thấp so với những “con hổ” trong khu vực.

Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam đang xếp ngang hàng về tỉ lệ sử dụng mobile và internet so với nhiều nước. Đây là cơ sở để phát triển hạ tầng kỹ thuật số. Việt Nam cần cơ cấu lại các viện nghiên cứu, giảm số lượng nhưng tăng quy mô, chất lượng. Đào tạo nhân lực cũng cần được chú trọng do Việt Nam còn thiếu lực lượng lao động lành nghề, tỉ lệ lao động 15 tuổi trở lên có bằng cấp chỉ tăng nhẹ đến năm 2020. Chất lượng lực lượng lao động hiện đang tụt hậu so với các nước.

“45% doanh nghiệp Việt xác định kỹ năng là trở ngại, song chỉ có 30% doanh nghiệp tại nước ngoài có lo ngại tương tự”, ông Ousmane Dione cho hay.

Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc Kym Dongwha chia sẻ: Khi xác định được định hướng thì phải đi tới tận cùng và các nước cần có viện nghiên cứu hùng mạnh để hiện thực hoá công nghệ.

Viện nghiên cứu công nghiệp sẽ là nhà cung cấp giải pháp công nghệ và sản xuất; là công cụ cho quan hệ đối tác công-tư (PPP); là công cụ đàm phán để nhập khẩu công nghệ và là nguồn đào tạo nhân lực công nghệ cho nước nhà.

Bà Lucy Cameron, Tư vấn nghiên cứu cao cấp của CSIRO cho biết, chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, có nền tảng phù hợp để chuyển đổi số. Bà đưa ra một số xu thế chủ đạo và các kịch bản lớn có thể tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam, bao gồm kịch bản xuất khẩu số (tác động đến tăng trưởng GDP hằng năm 0,45%), kịch bản tiêu dùng số (0,63%), kịch bản truyền thống (0,38%)...

Theo bà Deepali Khanna, Giám đốc quản lý khu vực châu Á, Quỹ Rockefeller, Việt Nam cần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả, cần có môi trường tạo sự đổi mới trên quy mô cả nước. "Tôi nhận thấy người Ấn Độ quê hương tôi và Việt Nam đều lo sợ thất bại. Nhưng với đổi mới sáng tạo cần vượt qua nỗi sợ hãi đó, cần tự tin hơn, thất bại là chấp nhận được và giúp chúng ta sẽ đưa ra những quyết định sáng suốt hơn", bà Deepali Khanna nói.

Nền kinh tế số tăng gấp 3 lần

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam trong ngành mobile, mạng băng rộng mobile đã phủ sóng nhiều khu vực. Nền kinh tế số hiện nay củaViệt Nam đã tăng gấp 3 lần so với những năm vừa qua. Những truyền thông thông qua di động, kỳ vọng mạng 5G sẽ làm tăng trưởng vượt bậc nhiều lĩnh vực khác.

 

nqh01411.jpg

Theo ông, việc phát triển hệ thống 5G tại Việt Nam cùng các nước khác và hợp tác cùng các bộ là nền tảng để thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0. Ông cũng nhấn mạnh, cần đổi mới sáng tạo, nhất là với các nghề nghiệp, với khởi nghiệp. Chủ tịch Ericsson cũng cho biết, Ericsson vừa ký thoả thuận tạo trung tâm sáng tạo ở Hoà Lạc.

“Về giáo dục, cách mạng 4.0 khác với các cuộc cách mạng trước đây, chúng ta có ít thời gian nhảy vọt, chúng ta cần nâng cao năng lực thông qua công nghệ khoa học. Chúc mừng Thủ tướng Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có những cam kết đưa dữ liệu trở thành một trong những động lực phát triển kinh tế xã hội”, ông nói.

Thủ tướng đặt hàng 5 vấn đề

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các doanh nghiệp cần hiểu rằng, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là con đường “ngắn nhất” để đạt được hiệu quả, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Chúng ta cần tìm ra điểm kích hoạt khuyến khích doanh nghiệp hăng hái đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không chỉ kêu gọi bằng lời nói.

Thời gian tới, Việt Nam cần phải có một bước chuyển đổi về mặt chiến lược để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ trong một số ngành, lĩnh vực mới có thế mạnh. Cần phải xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững đất nước; là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế-xã hội. Và phải làm tốt hơn nữa sự phối hợp giữa Nhà nước và xã hội trong phát triển khoa học và công nghệ, kết hợp tốt hơn giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ là đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ 5 vấn đề lớn gồm:

Một là, đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp. Đồng thời, cần coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, phát triển mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Hai là, phát huy vai trò của các trường đại học, viện nghiên cứu trong việc tăng cường nền tảng vốn con người cho đổi mới sáng tạo. Cần nhất là gắn liền các hoạt động nghiên cứu ứng dụng với nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu của nền kinh tế.

Ba là, thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, các trung tâm kết nối trí tuệ đóng vai trò lõi ở các thành phố thông minh và bền vững. Vậy ở Việt Nam phải làm như thế nào? Thủ tướng đặt câu hỏi, các trung tâm đổi mới sáng tạo của các bộ sắp ra đời cần suy nghĩ về việc này như thế nào?

Bốn là, xây dựng năng lực quản trị nhà nước đối với hệ thống đổi mới sáng tạo và hoàn thiện thể chế cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Năm là, tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, dịch vụ...

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, đại diện các tổ chức quốc tế và sẽ khẩn trương triển khai 5 nhóm nhiệm vụ chính nhằm tăng cường vai trò điều phối, phối hợp với các địa phương thúc đẩy các biện pháp này. “Các giải pháp đúng hướng, khả thi cần được nhanh chóng ban hành”, Bộ trưởng nói. Ông cũng nhấn mạnh, các giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tập trung giải quyết hai yếu tố chính là con người và công nghệ.

Báo cáo “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng đến năm 2030 và 2045” cũng được Bộ trưởng giới thiệu. “Đây là luận cứ quan trọng để phát triển, là chiến lược khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo của đất nước trong 10 năm tới”, ông Chu Ngọc Anh khẳng định.

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top