Sáng 7/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trình bày tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật chuyển giao công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Chuyển giao công nghệ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, từ đó, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật theo hướng kế thừa các nội dung tiến bộ của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, xác định, lựa chọn các vấn đề thực sự vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp; hỗ trợ phát triển thị trường công nghệ trong nước; có cơ chế kiểm tra, kiểm soát công nghệ nhập khẩu, bảo đảm hài hoà giữa đầu tư, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 02 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề sau: (i) Phát triển thị trường KH&CN; (ii) Thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; (iii) Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; (iv) Tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; và (v) Cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Thương mại hóa công nghệ, kết quả khoa học công nghệ
Quy định về chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước tại Điều 40 Luật Chuyển giao công nghệ 2006 còn mang tính nguyên tắc, vì vậy thực tế thi hành bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều tổ chức chủ trì sau khi nghiệm thu và thực hiện các nghĩa vụ giao nộp kết quả đã không tiến hành các biện pháp cần thiết để thương mại hóa kết quả đó. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước ở trong tình trạng không được khai thác, trong khi nhiều doanh nghiệp mong muốn nhận chuyển giao để đưa vào ứng dụng, sản xuất, thành lập doanh nghiệp KH&CN,...
Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 15/2014/TT-BKHCN quy định trình tự, thủ tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước nhằm khắc phục tình trạng trên. Trên cơ sở quy định của Thông tư này, nhiều tổ chức chủ trì các đề tài cấp nhà nước đã đề nghị làm các thủ tục giao quyền cho doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp làm thủ tục nhận giao quyền sở hữu, quyền sử dụng các kết quả nghiên cứu là các đề tài cấp nhà nước do các Viện nghiên cứu, trường đại học thực hiện như Viện máy và mụng cụ công nghiệp (IMI holdings) thuộc Bộ Công thương, Viện Công nghệ sinh học, Viện Hóa học thuộc Viện Hàn Lâm KH&CN Việt Nam, Công ty CP Nhật Hải,…
Nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, góp phần gia tăng nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu cho thị trường KH&CN, dự thảo Luật sửa đổi quy định này theo hướng bổ sung trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ và tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong việc thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết Điều 41 quy định về thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN, gồm giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong công bố kết quả KH&CN có khả năng thương mại hóa; hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động liên kết giữa tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương với tổ chức KH&CN trong việc hoàn thiện kết quả KH&CN được tạo ra từ ngân sách nhà nước phù hợp với đặc thù địa phương; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng kết quả KH&CN cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong trường hợp tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN không sử dụng kết quả. Điều 43 quy định về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, thương mại hóa kết quả KH&CN được tạo ra bằng ngân sách nhà nước để bảo đảm thống nhất với Luật Khoa học và Công nghệ
Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng và đổi mới công nghệ
Theo Báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), hiện nay, nhu cầu đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, số doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 5% tổng số doanh nghiệp; tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp Việt nam là dưới 0,5% doanh thu (trong khi Ấn độ là 5%, Hàn Quốc 10%); tỷ lệ đổi mới máy móc, thiết bị hàng năm chỉ đạt 10% trong 5 năm vừa qua (các nước khác trong khu vực tỷ lệ tương ứng là 15-20%).Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ như vậy, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất tạo sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao.
Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây đó là mức độ mới của công nghệ rất khiêm tốn, chủ yếu là ở mức mới so với bản thân doanh nghiệp đó (47%), còn mới tương đối so với thị trường trong nước (39%), trong khi mới so với quốc tế là rất ít (2%). Công nghệ và trang thiết bị sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam lạc hậu khoảng 10- 15 năm so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để khối doanh nghiệp Việt Nam có thể đứng vững và phát triển trong quá trình hội nhập thì việc áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước là điều kiện tiên quyết hiện nay. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực đối với doanh nghiệp trong việc ứng dụng, đổi mới công nghệ.
Với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, dự thảo Luật quy định theo hướng quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua việc hình thành các trung tâm ứng dụng, đổi mới công nghệ tại các vùng kinh tế trọng điểm; hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí chuyển giao công nghệ giữa tổ chức khoa học công nghệ với doanh nghiệp thuộc địa bàn và lĩnh vực ưu đãi đầu tư; ưu tiên hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và từ nguồn ngân sách nhà nước cho hoạt động chế tạo, thử nghiệm, hoàn thiện và làm chủ công nghệ.
Theo đó Điều 46 của dự thảo Luật quy định hỗ trợ doanh nghiệp: i) Thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; đầu tư cho hạ tầng hoạt động giải mã công nghệ là đối tượng được ưu tiên xem xét hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia và các tổ chức tín dụng; ii) Nhà nước hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp thuộc địa bàn, lĩnh vực ưu đãi đầu tư; iii) Sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp để đầu tư, đối ứng và nhận đối ứng vốn đầu tư cho dự án khởi nghiệp công nghệ, thương mại hóa công nghệ, kết quả KH&CN; và iv) cho phép sử dụng kết quả KH&CN, công nghệ và đối tượng sở hữu công nghiệp làm tài sản bảo đảm trong giao dịch vay vốn đầu tư cho dự án KH&CN, khởi nghiệp công nghệ và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.