Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 17 tháng 7 năm 2021 | 14:6

Có điện sáng, nước sạch, người dân quyết định định cư lâu dài tại xã Hương Bình

Sau khi có nước sạch và mới đây là được sử dụng điện lưới Quốc gia, 11 hộ dân sống tại thôn Bình Sơn, xã Hương bình, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định sẽ định cư lâu dài tại mảnh đất này.

11 hộ dân cuối cùng của thị xã Hương Trà có điện lưới Quốc gia để sử dụng

Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã đã đóng điện thành công TBA và cấp điện đến tận các hộ dân thôn Bình Sơn, xã Hương Bình vào lúc 16h52’ ngày 15/7 và đây là các hộ dân cuối cùng thuộc thị xã Hương Trà có điện lưới Quốc gia để sử dụng.

 

Các hộ dân cuối cùng thuộc thị xã Hương Trà có điện lưới Quốc gia để sử dụng.
Các hộ dân cuối cùng thuộc thị xã Hương Trà có điện lưới Quốc gia để sử dụng.

 

Trước đó, năm 2020, ngành điện đã nhận được đề nghị sớm đầu tư hạ tầng lưới điện để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con nơi đây trong các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND các cấp của thị xã Hương Trà. Tuy nhiên, khu vực 11 hộ dân sinh sống độc lập, dọc theo triền đèo của Tỉnh lộ 16 và cách xa trung tâm xã Hương Bình nên việc đầu tư cấp điện cho các hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trong năm 2021, bằng nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đầu tư tuyến đường dây 22 kV cấp điện cho TBA Xử lý rác Hương Bình. Tuyến đường dây này đi qua thôn Bình Sơn, xã Hương Bình. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện chính đáng của các hộ dân nơi đây, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã khảo sát, lập phương án đầu tư, cấp điện cho 11 hộ dân sinh sống dọc theo triền đèo của Tỉnh lộ 16 của thôn Bình Sơn.

Theo đó, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã đầu tư 01 TBA 31,5 kVA-22/0,4 kV và gần 400 mét dây dẫn ABC 4x50 để cấp điện đến tận hộ, tổng mức đầu tư cho công trình là hơn 150 triệu đồng.

Chấm dứt câu chuyện điện sáng, nước sạch sau gần 15 năm chờ đợi

Việc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đóng điện thành công cho 11 hộ dân sống tại xóm Mới, thôn Bình Sơn đã chính thức chấm dứt câu chuyện chờ đợi điện điện sáng, nước sạch (đã được cấp trong năm 2020) của người dân nơi đây sau gần 15 năm.

 

Người dân xóm Mới, xã Hương Bình có nước sạch để sử dụng từ năm 2020.
Người dân xóm Mới, xã Hương Bình có nước sạch để sử dụng từ năm 2020.

 

Chia sẻ về câu chuyện này, ông Huỳnh Minh Hoàng (sinh năm 1960, trú tại xóm Mới, xã Bình Sơn) cho biết, trước đây gia đình ông sống ở thôn Bình Toàn cũ, sau khi bị hỏa hoạn, vào giữa năm 2007 thì cả nhà được chuyển tới đây sinh sống. Tuy nhiên, phải đến khoảng tháng 6/2020 thì họ mới có nước sạch và ngày 15/7/2021 đến nay mới có điện sáng để phục vụ sinh hoạt của gia đình.

Anh Hồ Kim Long (sinh năm 1982, trú tại xóm Mới, xã Bình Sơn) nhớ lại, anh là người gốc Hương Chữ (thị xã Hương Trà) và từ năm 2007 thì gia đình anh chuyển đến đây sinh sống. Thời điểm ấy còn có nhiều hộ khác chuyển về xóm Mới, xã Bình Sơn và đều phải sống trong tình cảnh thiếu điện sáng, nước sạch như gia đình anh và gia đình ông Hoàng.

“Điện sáng mới có ngày 15 ni thôi. Lúc đóng điện là khoảng 3 - 4h chiều. Cách đó ít hôm chúng tôi có nghe là ngày 15 đóng điện khiến cả xóm vui lắm. Chiều ngày đóng điện cả xóm đều ra đường để hóng. Giờ có điện, có nước sạch dùng rồi ai cũng vui em à”, anh Long phấn khởi cho biết.

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND xã Hương Bình Trần Viết Tuấn chia sẻ, ngày 15/7 vừa qua là một ngày vui mừng với các hộ dân sống tại xóm Mới, thôn Bình Sơn và là sự kiện đáng nhớ trong sự phát triển của địa phương. Bởi lẽ, sau nhiều năm chờ đợi, nhiều lần gửi các văn bản đề nghị thì đến nay các hộ dân tại đây đã có điện sáng, nước sạch để sử dụng.

Quyết định định cư tại xóm Mới

Kể từ khi có nước sạch đến nay, ông Hoàng cho biết, nước sạch dùng rất ổn định và mỗi tháng gia đình thường xử dụng hết khoảng 30.000 đồng nhưng bù lại thì cuộc sống của họ thuận lợi hơn rất nhiều thay vì phải dành thời gian đi lấy, lọc nước như trước kia.

Dì Hiền (trú tại xóm Mới, xã Hương Bình) chia sẻ, trước nay các hộ dân nơi đây phải thường xuyên chạy đi sạc ắc quy điện về dùng. Việc này vừa bất tiện, vừa hạn chế trong sinh hoạt của họ bởi lẽ ắc quy thường chỉ dùng để thắp 01 bóng điện sáng và sạc điện thoại. Vì vậy, được sử dụng điện lưới Quốc gia sẽ là một “trang mới” trong cuộc đời của 11 hộ dân nơi đây.

Anh Long bộc bạch, vì khó khăn và bất tiện trong sinh hoạt, vợ chồng anh cùng 03 người con đã tính đến chuyện bán đất, bán nhà để chuyển đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, sau khi có nước sạch, họ có thêm phần hy vọng và giờ đây, khi đã được sử dụng điện lưới Quốc gia, gia đình quyết định ở lại định cư tại xóm Mới, xã Bình Sơn.

“Anh có 3ha keo đã trồng được 2 năm rồi, nếu thuận lợi thì khoảng 2 năm nữa là có thể thu hoạch. Anh sẽ thu hoạch keo và dành dụm thêm nữa để xây lại nhà. Chắc khoảng 2 năm nữa là xây nhà mới em à”, anh Long dự tính.

Ngay sau khi có điện sáng, anh Long đã sắm sửa cho gia đình mình nhiều vật dụng cần thiết như ti vi, tủ lạnh, quạt điện, nồi cơm điện… Mặc dù phải tiêu tốn hơn 20 triệu đồng và vẫn còn trả góp nhưng người đàn ông này hết sức vui vẻ vì đó là những món đồ thiết yếu với gia đình.

“Sắm cái tủ lạnh để trữ đồ ăn cho những ngày đi làm về muộn hay bỏ cục nước đá để uống ngày nắng nóng, sắm cái quạt để đi làm về ngồi nghỉ nó đỡ mệt hơn… nói chung là cần lắm em nhưng trước nay không có điện phải chịu”, anh Long chia sẻ.

 

Sau khi có điện lưới Quốc gia để sử dụng người dân đã đi mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình.
Sau khi có điện lưới Quốc gia để sử dụng, người dân đã đi mua sắm đồ dùng thiết yếu cho gia đình.

 

Chủ tịch UBND xã Hương Bình Trần Viết Tuấn thông tin thêm, trong 2 ngày qua, tất cả 11 hộ dân tại xóm Mới, thôn Bình Sơn đều đi sắm sửa đồ dùng gia đình rất nhiều, phổ biến nhất là nồi cơm điện, quạt điện, ti vi, tủ lạnh…

Ông Tuấn tin tưởng rằng, từ nay cuộc sống của người dân xóm Mới, thôn Bình Sơn sẽ thuận lợi hơn, tốt hơn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

 

Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top