Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 19 tháng 3 năm 2022 | 19:44

Có nên buông "vô cơ" chọn "hữu cơ"?

Đã có nhiều "hiến kế", mô hình giảm phụ thuộc vào phân, thuốc trong bối cảnh giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng cao. Một trong những giải pháp là giảm phụ thuộc vào phân vô cơ, tăng dùng phân hữu cơ.

Thời gian qua, do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá phân, thuốc, vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng phi mã khiến nhà nông ở miền Tây thua lỗ, tìm mọi cách cắt giảm chi phí.

Theo các chuyên gia, đây cũng là thời điểm có thể thúc đẩy bà con thay đổi thói quen canh tác lạm dụng phân bón vô cơ và vật tư đầu vào khác.

 

lua1.jpg
Cánh đồng xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang hiện có trên 250ha lúa sản xuất theo mô hình lúa sạch, mang lại thu nhập cao - Ảnh: NVCC

 

Thay đổi vì "choáng" với giá phân, thuốc

 

Những năm trước, do ảnh hưởng của hạn, mặn nên anh Nguyễn Văn Mi Lê (38 tuổi, tỉnh Bến Tre) không dám cho sầu riêng đậu trái. Năm nay, anh "chơi lớn" khi đầu tư khoảng 40 triệu đồng tiền phân thuốc vào 5 công sầu riêng. 

"Cùng diện tích này, những năm trước tôi chỉ bỏ ra 20 triệu đồng nhưng năm nay mọi thứ đều tăng giá gấp đôi. Một bao phân DAP 50kg mới năm rồi giá 700.000 đồng, nay đã lên gấp đôi. Phân NPK loại 25kg cũng tăng từ 350.000 đồng lên 550.000 đồng/bao", anh Lê cho biết.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Văn Sô (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú) cho biết trong gần 40 năm gắn bó với cây lúa, ông chưa bao giờ chứng kiến giá vật tư, phân bón, thuê nhân công... lại đắt đỏ vậy. "Có mơ tôi cũng không dám nghĩ tới chỉ trong một tháng mà giá phân urê từ 390.000 đồng/bao đã nhảy lên gần 1 triệu đồng, thật kinh khủng", ông Sô nói.

Theo ông Sô, vào những mùa vụ trước, chi phí sản xuất lúa cao nhất chỉ từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, giờ chi phí đã đội lên thành 40 - 45 triệu đồng/ha. Để tự cứu mình, ông Sô cho biết từ vụ lúa tới ông sẽ giảm lượng lúa giống. Thay vì gieo sạ trên 20kg/công như trước nay vẫn làm, ông bớt xuống còn khoảng 13 - 14kg. Bằng cách này vừa tiết kiệm tiền mua lúa giống vừa giảm được chi phí phân bón, thuốc trừ sâu do sạ dày.

Ngoài ra, ông Sô còn cho biết thêm thay vì làm 3 vụ/năm thì nay ông chuyển sang làm 2 vụ/năm. "Để đất có thời gian nghỉ ngơi, ít sâu bệnh, phù sa bồi đắp. Chắc chắn tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu nhưng năng suất, chất lượng đảm bảo", ông Sô kỳ vọng.

Sản xuất theo hướng "lúa sạch" tiết kiệm lớn

Hơn 30 năm nay, ông Nguyễn Văn Thao (ngụ xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, An Giang) sản xuất lúa không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đã mang lại lợi nhuận khá cao. Đến nay, nhiều nông dân trong vùng đã học và làm theo ông. Năm 2022, trước tình trạng phân DAP có giá gần 1,4 triệu đồng/bao nên ông Thao đã không sử dụng mà chuyển sang dùng phân super lân với giá rẻ, khoảng 270.000 đồng/bao và dùng phân urê.

Ông Thao cho rằng, bà con khu vực này xuống giống sạ thưa, bón phân cân đối và chỉ phun thuốc tối đa 2 lần/vụ, vì vậy giá thành sản xuất luôn thấp hơn người sản xuất lúa bình thường là 1.000 đồng/kg lúa. Cái chính vẫn là vừa bảo vệ môi trường vừa giảm giá thành sản xuất.

"Lúa giống của mô hình tôi chỉ cần khoảng 100kg/ha, còn sản xuất bình thường thì xuống giống khoảng 200kg/ha. Hiện chi phí sản xuất của tôi chỉ trên 20 triệu đồng/ha, còn sản xuất truyền thống hiện tốn trên 30 triệu đồng/ha" - ông Thao nói.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Phú cho hay, đến thời điểm này toàn huyện An Phú có gần 400ha sản xuất lúa theo mô hình "không phun thuốc trừ sâu, trừ rầy" của ông Thao, tiết kiệm được 300.000 đồng/công lúa. Dù không phun thuốc trừ sâu nhưng năng suất vẫn như bình thường, chất lượng gạo dĩ nhiên ngon hơn.

Tập thói quen sản xuất hữu cơ

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho rằng, giai đoạn hiện nay là cơ hội để tăng cường sử dụng phân hữu cơ. "Bến Tre có hơn 400.000 con heo, 200.000 con bò và trên 5 triệu gia súc gia cầm. Thời gian qua và tới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng phân hưu cơ một cách hiệu quả nhất", ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phước - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng cũng khuyến cáo, nông dân cần giãn cách mùa vụ, nên sản xuất 2 vụ/năm để đất nghỉ ngơi; tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, tăng thiên địch trong tự nhiên. Theo ông Phước, nếu bà con thực hiện đồng bộ các giải pháp này sẽ giảm được chi phí đáng kể.

Ông Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, cái khó hiện nay là cần có cơ chế khuyến khích người dân tham gia mô hình sản xuất "sạch". Đặc biệt, nếu "lúa sạch" có giá bán khác so với sản xuất bình thường thì sẽ thu hút người dân làm theo.

Nhiều chuyên gia khác cho rằng muốn tổ chức tốt mô hình sản xuất sạch, giảm phân thuốc thì cần bàn tay tổ chức tốt, trong đó vai trò chính quyền cơ sở rất quan trọng.

 

Có giảm nhưng vẫn lạm dụng

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), giai đoạn 2017 - 2020 cả nước sử dụng bình quân 10,3 triệu tấn/năm, trong đó phân bón hóa học sử dụng 7,6 triệu tấn, còn lại là phân bón hữu cơ. Lượng phân bón sử dụng trung bình cả nước khoảng 753kg/ha gieo trồng, cao hơn so với mức trung bình trên thế giới.

Đáng lo ngại hơn, tại các tỉnh ĐBSCL có lượng phân bón sử dụng trung bình là 1.071kg/ha gieo trồng, cao hơn 42% so với trung bình cả nước. Trong đó, lượng sử dụng phân bón vô cơ cao hơn 35% (754kg/ha), trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27% (392kg/ha) so với cả nước.

Đối với thuốc bảo vệ thực vật, năm 2020 cả nước sử dụng gần 52.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm, trung bình 3,81kg/ha gieo trồng (tương đương khoảng 1,58kg hoạt chất (a.i)/ha gieo trồng). So với kết quả công bố của FAO hồi năm 1996, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng tại Việt Nam đã giảm từ 4.68kg a.i/ha xuống còn 1.58kg a.i/ha năm 2020.

==

PGS.TS Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL):

Cơ hội trong giá tăng

Giá phân bón, vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp tăng cao đã khiến nông dân gặp nhiều thách thức, sản xuất không có lời hoặc lời ít. Đây là thời điểm buộc phải cắt giảm chi phí. Phải áp dụng triệt để quy trình 1 phải (phải sử dụng giống xác nhận), 5 giảm (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước, giảm thất thoát sau thu hoạch). Nếu áp dụng được cái này thì sẽ giảm được cái thứ 6 (giảm phát thải khí nhà kính).

Trước đây, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu sản xuất 6 vụ lúa cho thấy nếu áp dụng đúng "1 phải, 5 giảm" kết hợp với kỹ thuật ngập khô xen kẽ thì chi phí sản xuất giảm 25% so với sản xuất theo cách thông thường, đặc biệt năng suất sẽ tăng, chất lượng gạo ổn định và giá bán cũng tăng. Tuy nhiên, để làm tốt mô hình này, chính quyền các địa phương cần tổ chức tốt mô hình hợp tác xã thay vì để bà con sản xuất riêng lẻ.

 

 

Dùng phân nhiều vì tăng vụ

Sống nhờ vào 1ha ruộng nên khi phân bón, xăng dầu tăng giá, ông Nguyễn Văn An (xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bồn chồn đứng ngồi không yên bởi chi phí phân, thuốc rất lớn. Trong một vụ lúa phải bón phân hóa học ít nhất 4 lần, tổng phân bón sử dụng khoảng 500kg (10 bao), trong đó 2 bao kali, 3 bao DAP và 5 bao urê.

"Giá phân bón các loại gần đây tăng hơn gấp đôi nên chỉ tính riêng tiền mua phân bón cho một vụ lúa đã gần 8 triệu đồng. Cộng thêm các chi phí làm đất, thu hoạch... dù năng suất có đạt 7 tấn/ha, giá bán trên 5.000 đồng/kg vẫn không có lời", ông An nói.

 

sxhc.jpg

Giảm sử dụng phân vô cơ và thuốc trừ sâu giúp nông dân giảm chi phí sản xuất - Ảnh: CHÍ QUỐC

 

Theo ông An, từ ngày chuyển qua làm 3 vụ lúa, đâu còn thời gian để cày đất phơi ải. Vừa thu hoạch xong, lại chuẩn bị đất gieo sạ làm tiếp, quay vòng đất liên tục nên phải bón nhiều phân hóa học. "Bón nhiều phân như vậy là hơi quá tay, nhưng nếu không làm theo sẽ không tồn tại", ông An cho biết.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, chi phí đầu vào trong sản xuất nông nghiệp còn tiếp tục tăng nữa do những biến động trên thế giới. 

"Tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ, sử dụng phân bón lãng phí vẫn còn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Theo đó làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của hàng nông sản, ô nhiễm môi trường và mất cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp", ông Trung nhận định.

Nhiều giải pháp kéo giảm chi phí

Ông Lê Quốc Điền - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh này đã đề ra nhiều giải pháp tiết kiệm phân, thuốc, đặc biệt là vận động nông dân từ từ sử dụng phân hữu cơ.

Cụ thể, Đồng Tháp đã thí điểm 2 vụ sử dụng phân bón hữu cơ cho lúa mà không sử dụng phân vô cơ. "Giá phân bón cao quá nên phải hạn chế phân vô cơ mà sử dụng phân hữu cơ, giải pháp thứ 2 là giảm lượng thuốc. 

Theo tính toán sơ bộ, nông dân đã giảm 3 triệu đồng/ha đối với tiền thuốc, còn phân bón giảm 2 triệu đồng/ha. Tôi nghĩ đây là giải pháp hiệu quả khi giá phân bón tăng mạnh như hiện nay" - ông Điền nói.

Theo ông Điền, qua đánh giá 2 mùa vụ khi sử dụng phân bón hữu cơ thì năng suất lúa bằng với sử dụng phân vô cơ. Đặc biệt, lúa dùng phân bón hữu cơ được bao tiêu giá cao hơn 15% so với bình thường. Vì vậy, người dân đang từng bước thích ứng và sử dụng phân hữu cơ này.

Ông Hoàng Trung cho biết Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện hàng loạt giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL gắn với tiến bộ kỹ thuật "1 phải 5 giảm". Kết quả cho thấy giảm lượng phân đạm 20% nhưng năng suất vẫn tăng 7% đạt 6 tấn/ha, lợi nhuận trung bình tăng 26%. 

Mô hình canh tác lúa ở ĐBSCL theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn SRP của Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời tại Long An, An Giang, Đồng Tháp đã thực hiện với mục tiêu giảm chi phí bằng biện pháp kiểm soát dịch hại chặt chẽ, bón phân cân đối theo nhu cầu của cây ở từng giai đoạn. Kết quả mô hình cho thấy chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 22,7%, chi phí phân bón giảm 5,4%, lợi nhuận tăng 14,4%.

"Bộ NN&PTNT cũng đang thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế một phần phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. 

Đồng thời, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt nhằm cải tạo đất, giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ" - ông Trung cho biết thêm.

Tạo ra giống lúa giúp dân tiết kiệm phân, thuốc

Ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" gạo ST25 "ngon nhất thế giới" chia sẻ, đang cùng các cộng sự nghiên cứu ra các dòng lúa thời gian sinh trưởng ngắn, thích ứng biến đổi khí hậu, kháng sâu bệnh giúp nông dân giảm đáng kể chi phí sản xuất. 

Ông dẫn chứng mô hình lúa - tôm, hạn chế hoặc không sử dụng phân bón được triển khai tại nhiều địa phương ở khu vực bán đảo Cà Mau rất hiệu quả, cần nhân rộng. Như vụ đông xuân rồi, hàng vạn nông dân đã có thu nhập từ 30-50 triệu đồng/ha nhờ làm lúa thơm sạch, bán được giá cao.

 

"Vua chuối" Võ Quan Huy: Phân hữu cơ chất lượng, nông dân sẽ dùng

Theo "vua chuối" Võ Quan Huy (Long An), nếu đầu tư thêm về công nghệ thì phân bón hữu cơ có thể đạt hiệu quả nhanh và "kịp thời" trong việc kích thích sản phẩm nông sản đúng như mong muốn của bà con nông dân.

"Dĩ nhiên về mặt bền vững thì phân hữu cơ có nhiều mặt tích cực hơn. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng phân hữu cơ vẫn chưa được người nông dân quen dùng vì vẫn còn tốn nhiều công sức hơn so với phân bón vô cơ.

Thị trường cần nhiều hơn những loại phân bón hữu cơ chất lượng, và phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ cũng cần được truyền đạt rộng rãi hơn cho bà con. Cái gì bà con sử dụng tốt và hiệu quả thì họ sẽ lựa chọn thôi", ông Huy nói thêm.

 
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top