Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 2 năm 2021 | 3:3

Sản xuất cà phê hữu cơ, người dân Tây Nguyên thu nhập cao, ổn định

Chuyển hướng sản xuất cà phê hữu cơ, nông dân Tây Nguyên thu nhập ổn định, giá cao

Đắk Lắk: Cà phê Việt chất lượng cao, chinh phục người tiêu dùng     

Cuối năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái, TP. Buôn Ma Thuột là một trong những doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT chọn thực hiện Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”.

 

đl-121.jpg

Khách hàng Nhật Bản thăm quan nhà máy chế biến cà phê An Thái.

 

Là doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực của tỉnh, Công ty đã đầu tư máy móc, hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất chế biến sâu, cà phê chất lượng cao, bảo đảm giá trị gia tăng cho ngành cà phê Việt.

Đắk Lắk là một trong những địa phương sản xuất cà phê hàng đầu ở Việt Nam, năng suất, chất lượng đã được khẳng định từ nhiều năm nay. Song, cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt nói chung, dù luôn nằm tốp đầu về sản lượng, nhưng lại thiếu phần “chất” nên giá trị không cao.

Để định hướng phát triển bền vững ngành cà phê Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia từ năm 2010 - 2020, đây là giải pháp hữu hiệu, giúp tăng cường năng lực phát triển và lựa chọn một số doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ có tiềm lực.

Trước đó, Bộ NN-PTNT đã triển khai Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao”. Trong đó giao trực tiếp cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm từ cà phê Việt Nam rang xay chất lượng cao”, nhằm đạt mục tiêu: Xây dựng các mô hình và sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, chế biến sâu từ cà phê rang xay như: cà phê hòa tan nguyên chất; cà phê hòa tan phối trộn 3in1, 2in1; cà phê chiết xuất; cà phê túi lọc; cà phê capsule; cà phê zipper... để tăng cường năng lực cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.

Mục tiêu của Dự án là hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ cà phê, xây dựng được thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao giá trị cà phê xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2030, tương đương với các nước trong khu vực và quốc tế trong cùng nhóm chất lượng.

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, doanh nghiệp đầu ngành, sẽ được gắn thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, trên bao bì sản phẩm trong giao dịch, mua bán trên thị trường trong nước và thế giới.

Dự án cũng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, góp phần ổn định thị trường và tránh phụ thuộc vào thị trường cà phê thế giới.

Ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái cho hay, Dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê Việt Nam rang xay chất lượng cao”, do đơn vị chủ trì thực hiện, các sản phẩm được đa dạng hóa trên cơ sở định vị sản phẩm, khảo sát và đánh giá dựa trên nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó xây dựng các công thức rang xay, phối trộn, nhằm cải tiến và hoàn thiện sản phẩm, nâng cao mức độ ưa thích của người tiêu dùng.

Là doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của tỉnh, Công ty An Thái vẫn kiên trì, nỗ lực  làm cà phê chất lượng cao. Thế mạnh của Công ty là các sản phẩm: cà phê hạt rang - xay (công suất 5.000 tấn/năm) gồm: cà phê hạt, cà phê bột, cà phê phin giấy, cà phê capsule, cà phê zipper; cà phê chiết xuất (công suất 1.000 tấn/năm); cà phê hòa tan nguyên chất (công suất 6.000 tấn/năm) gồm: cà phê sấy phun, sấy thăng hoa; cà phê hòa tan hỗn hợp (công suất 5.000 tấn/năm) gồm: cà phê 2in1, 3in1, 4in1…

Việc Công ty An Thái tham gia sản xuất thử nghiệm, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hệ thống dây chuyền sản xuất, có nhiều ưu điểm như; tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội, tiết kiệm năng lượng, ít gây ô nhiễm, an toàn trong vận hành.

Công đoạn chế biến sâu, các sản phẩm từ cà phê nhân, trong chuỗi liên kết sản xuất, chế biến đến thương mại, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sẽ có tác động tích cực đến phát triển bền vững ngành cà phê Việt.

Lâm Đồng: Chuyển hướng canh tác cà phê hữu cơ bền vững

Kết hợp chuyển giao công nghệ bón phân, phun thuốc sinh học bằng máy bay không người lái, Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ sản xuất, xuất nhập khẩu công nghệ Đình Nguyên, tại xã Liên Hà, Lâm Hà đã tạo bước đột phá về giảm tối đa chi phí nhân công, vật tư đầu vào; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi nhuận cho người nông dân.

 

fun-9.jpg

Máy bay không người lái bơm thuốc phòng bệnh hại cà phê xã Đạ K’Nàng

 

Chi hội trưởng nông dân xã Đạ K’Nàng, (huyện Đam Rông) chị Trần Thị Tho, cho biết: “Gia đình chúng tôi đã thu ước khoảng 20 tấn cà phê tươi. Dự kiến, tổng sản lượng phải từ 70 tấn tươi trở lên. So với năm ngoái, năm nay tăng ít nhất 5 tấn cà phê tươi, thành 1,2 tấn cà phê nhân…”.

Nguyên nhân tăng sản lượng, chị Tho cho biết, nhờ thay đổi canh tác theo hướng hữu cơ bền vững từ 8 năm trước. Chúng tôi được cung cấp vật tư và chuyển giao kỹ thuật từ Công ty Đình Nguyên, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà.

Theo đó, phân hữu cơ nhập khẩu độc quyền từ các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới, Công ty Đình Nguyên chọn vườn cà phê chị Tho xây dựng mô hình, sử dụng 50% phân bón hữu cơ, 50% vô cơ trong 3 năm đầu, để cây “làm quen” điều kiện mới. Năng suất trong 3 năm này sẽ giảm xuống 10%.

Từ 3 - 5 năm tiếp theo, giảm 75% rồi 100% lượng phân bón vô cơ, và thuốc BVTV, thay vào đó là phân bón hữu cơ và thuốc sinh học với tỷ lệ phù hợp nhất. 

Với gói phân bón, thuốc sinh học, công bơm thuốc… giá thị trường năm 2020 là 30 triệu đồng/ha. Đến nay, vườn cà phê chúng tôi đã vượt mức 5 tấn nhân/ha. Tính ra đã giảm 50% chi phí so canh tác hóa học. Chưa kể đến lợi ích bảo vệ bền vững môi trường…”, chị Tho chia sẻ

Từ thành công quy trình canh tác cà phê hữu cơ, chị Tho đã nhiệt tình hướng dẫn nông dân trong vùng, từng bước hiệu quả trên vườn cà phê của mình.

Hộ ông Mai Minh Châu cách vườn cà phê của chị Tho hơn 2 km, là một ví dụ. Anh Châu cho biết, đã sử dụng phân bón hữu cơ của Công ty Đình Nguyên từ 7 năm trước. Đến nay, anh đã hoàn chỉnh quy trình canh tác hữu cơ trên 1 ha cà phê của mình, và đã chuyển giao có kết quả trên 1 ha cà phê của gia đình người con đầu.

“Không chỉ tăng giá trị thu nhập, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc phòng trừ bệnh hại cà phê của Công ty Đình Nguyên rất tiện lợi. Trước đây, 1 ha cà phê bón phân hóa học phải mất 2 công lao động/ngày. Nay 1 ha sử dụng phân bón hữu cơ Đình Nguyên, chỉ cần 1 công lao động với 2 giờ đồng hồ…”, anh Châu thông tin.

Cũng ở xã Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông), ông K’Brông, người áp dụng phương pháp hữu cơ trong năm đầu tiên, trên vườn cà phê cho biêt: “Chúng tôi có 3 ha cà phê, thu hoạch ước được 90 bao, mỗi bao 50 kg nhân. Dự kiến, năng suất trung bình gần 3 tấn nhân/ha. So với năm ngoái, giảm chừng 10% sản lượng, nhưng nhờ đầu tư phân bón hữu cơ và thuốc sinh học, nên đã tiết kiệm khoảng 40% nguồn vốn đầu tư. Năm tới, chúng  tôi vẫn tiếp tục canh tác hữu cơ…”. 

Chị Trần Thị Tho cho biết, đến hết năm 2020  có 25/90 hộ nông dân trong thôn Đạ Pin tăng năng suất, lợi nhuận từ cây cà phê canh tác hữu cơ đã rõ. Năm 2021, chúng tôi tiếp tục thử nghiệm việc bón phân, bơm thuốc, bằng công nghệ máy bay không người lái trên toàn bộ diện tích cà phê. Nhiệm vụ của tôi là phổ biến kết quả thử nghiệm này cho nông dân trong địa bàn…”, chị Tho nói thêm. 

Anh Nguyễn Đình Quý, Giám đốc Công ty, cho biết,  từ năm 2021 trở đi, tất cả hộ gia đình liên kết canh tác cà phê hữu cơ ở xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông đều được Công ty cung cấp toàn bộ phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, quy trình kỹ thuật và dịch vụ phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái, trọn gói 30 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời thu mua toàn bộ sản lượng cà phê của nông dân theo cơ chế thị trường, hoặc thỏa thuận chốt giá từ đầu năm. Như vậy, nông dân có thể tính toán trước khoản lợi mỗi năm, để yên tâm sản xuất.

“Hiện tại, Công ty Đình Nguyên đang liên kết với 100 hộ dân, sản xuất khoảng 100 ha cà phê hữu cơ bền vững, tại địa bàn xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông.

Khả năng, diện tích còn nhân rộng trong những năm tới. Bởi vậy, chúng tôi đang thành lập các tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã cà phê hữu cơ, theo chuỗi liên kết ổn định từ cung cấp vật tư phân bón, thuốc sinh học, đến kỹ thuật canh tác bón phân, phun thuốc bằng máy bay và thu hoạch, sơ chế, chế biến, tiêu thụ theo hợp đồng…”, Giám đốc Nguyễn Đình Quý cho biết thêm.  

Chủ tịch UBND xã Đạ K’Nàng Nguyễn Bá Nhân. Anh Nhân đánh giá, đây là ý tưởng tốt, vì có quyền lợi song hành, giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp.

“Toàn xã Đạ K’Nàng có 4.500 ha cà phê, trong đó Công ty Đình Nguyên mới liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ khoảng 100 ha. Bởi vậy, xã sẽ tạo mọi điều kiện để Công ty mở rộng quy mô chuyển giao công nghệ sản xuất cà phê bền vững, hiện đại” theo nhu cầu chính đáng của nông dân địa phương trong thời gian tới…ông  Nhân cho biết thêm.

Cà phê hữu cơ thành “thương hiệu Zanya”

Bắt đầu từ câu chuyện tình yêu của chàng trai đến từ đất nước Slovakia, và cô gái người Lạch, dưới chân núi Langbiang, thương hiệu “Zanya cà phê” đã ra đời.

 

c-fe.jpg

 Marian và Krajăn Lim đã sản xuất cà phê hữu cơ từ chính nương rẫy của gia đình.

 

Chị Krajăn Lim sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Tổ dân phố Bon Dong 2, Thị trấn Lạc Dương. Tốt nghiệp THPT, Lim ở nhà phụ ba mẹ chuyện trồng cà phê rẫy. Krajăn Lim có hứng thú đặc biệt với tiếng Anh, cô thường xuyên nghe nhạc, xem phim tiếng Anh.

Chưa đủ, Krajăn Lim còn tìm tới các trang web kết nối học tiếng Anh trực tiếp với người bản địa. Còn Marian - một kỹ sư công nghệ thông tin thời điểm đó cũng sang Việt Nam du lịch, và anh đã gặp cô học trò Lim.

Sau quá trình dạy học, sợi dây tình cảm đã lớn dần trong lòng chàng trai Slovakia, dẫn anh lên vùng đất nơi Lim đang sống. Và rồi cô gái và những rẫy cà phê trĩu quả, đang vào mùa chín đỏ, đã để lại ấn tượng sâu đậm với Marian.

Tại đây, Marian được học về cách rang xay và chế biến cà phê - thức uống tuyệt vời mà đất nước anh hoàn toàn phải nhập khẩu.

Cuối năm 2018, một đám cưới truyền thống của người Lạch giữa Lim và Marian đã diễn ra trong sự chúc phúc của họ hàng và cả buôn làng.

Từ việc mày mò tự học trên các trang cà phê uy tín thế giới, Lim và Marian đã bắt tay vào gây dựng cuộc sống với cà phê từ chính rẫy cà phê của gia đình. 

Vụ mùa năm 2018, sau khi thuyết phục thành công các thành viên trong gia đình, rẫy cà phê của cha mẹ Lim lần đầu tiên được hái và lựa quả chín mọng 100%.

Bởi theo Marian, hạt cà phê xanh hay việc phân loại lỗi, là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê. Trái cà phê tươi sau khi tuyển chọn, tiếp tục được rửa sạch, vớt bỏ những quả nổi trên nước và bắt đầu sơ chế.

Cà phê của Lim và Marian chủ yếu là Arabica, sơ chế bằng ba dạng chính gồm: sơ chế mật ong (honey), sơ chế ướt (wash) và phơi tự nhiên (natural).

Nếu như hai phương pháp sơ chế ướt (rửa sạch rồi phơi khô) và phương pháp sơ chế natural (để cà phê khô tự nhiên dưới ánh nắng), thì sơ chế honey nằm giữa hai phương pháp cơ bản đó. Nghĩa là khi vỏ quả được loại bỏ, nhưng vẫn giữ lại một phần thịt quả, và chất nhầy, lúc cà phê ở trên giàn phơi. 

Để đảm bảo cà phê được phơi đạt chất lượng, Lim và Marian đã xây dựng hệ thống nhà kính, có các cửa di động và giàn phơi, để đảm bảo cà phê sạch. Trong nhà kính được trang bị các máy đo nhiệt độ, độ ẩm để có sự điều chỉnh hệ thống cửa và quạt gió, đảm bảo cà phê được phơi trong nhiệt độ tốt nhất.

Thành quả của năm 2018 là gần 2 tấn cà phê hạt chất lượng. Lim và Marian đã dành hơn một nửa trong số đó, gửi về quê hương của Marian.

Đôi vợ chồng này đã không ngờ rằng, chất lượng cà phê từ Langbiang đã chinh phục được những người mê cà phê ở đất nước xa xôi ấy. Để rồi những đơn hàng tiếp tục được gửi về. Đó chính là động lực giúp Marian và Lim đi tiếp những bước dài, trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao.

Lim và Marian đã thay đổi cách sản xuất, lứa cà phê già cỗi từ trước đến nay của gia đình. Hai vợ chồng còn thu mua toàn bộ cà phê của 15 hộ bà con người K’Ho trong Bon Dong 2, với giá cao hơn thị trường.

Tuy nhiên, các nông hộ này phải đảm bảo sản xuất theo phương thức của Lim và Marian. Cây cà phê được canh tác trong môi trường hữu cơ, người nông dân tạo môi trường phát triển thuận theo tự nhiên tối đa cho cà phê, không có bất cứ yếu tố hóa học nào tác động đến cây trồng. Đồng thời, trồng thêm cây che tán để nâng cao năng suất, chất lượng cà phê.

Ngoài trực tiếp chăm sóc, thu hái, kiểm tra các vườn cà phê, Lim và Marian dành nhiều thời gian trong khu nhà kính, để sơ chế cà phê. Mùi cà phê rang xay ngạt ngào cả tổ dân phố, hệ thống máy rang cà phê được kết nối với máy tính. Nhiệt độ trong quá trình rang hiển thị dưới dạng đồ thị trên máy tính, giúp Marian kiểm soát nhiệt độ chính xác tuyệt đối, để cùng một loại cà phê, song có thể cho ra những mùi vị khác nhau.

Ngoài cà phê, vỏ cà phê chín còn được Lim và Marian sơ chế, phơi làm trà. Các công đoạn sản xuất trà vỏ cà phê, đa phần đều làm thủ công, nên giá thành khá đắt. Vỏ của hạt cà phê Arabica hoàn toàn hữu cơ, được chọn lựa cẩn thận bằng tay, để đảm bảo chọn được những vỏ chín nhất và không bị giập nát. Sau quá trình chọn lọc tỉ mỉ, các công đoạn tách vỏ, phơi, thử trà,… đều được chú trọng.

Đặc biệt, vỏ cà phê phải được sấy liên tục 48 giờ, để đảm bảo không có nấm mốc, sau đó phơi nắng, đến khi vỏ chuyển sang màu nâu, để đóng gói. Marian cũng đã tiến hành các thủ tục để đăng ký thương hiệu Zanya Coffee.

Trên bao bì của cà phê Zanya có dòng chữ Coffee Việt Nam, Lang Biang Mountain - nơi bắt nguồn của những hạt cà phê chất lượng. Ngoài ra cà phê Arabica còn được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau.

Nhiều bạn bè của Marian từ Slovakia, và những đất nước khác, đã ghé Langbiang thăm vợ chồng anh, và uống coffee Zanya. Với nhiều cách chế biến, rang xay khác nhau từ một loại cà phê Arabica, bạn bè đam mê cà phê gọi vui Marian là “thợ rang người Slovakia”. Để rồi các loại cà  phê thương hiệu Zanya, đã theo chân họ không chỉ về Slovakia mà còn sang các nước Đức, Ý.

 

 

Yên Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Thắp sáng niềm tin cho những cảnh đời lầm lỡ

    Sau lầm lỡ, nhiều người mãn hạn tù trở về cuộc sống thường nhật trong nỗi ngổn ngang về tương lai. Ở vùng cao Bắc Hà (Lào Cai), nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), không ít người sau lầm lỡ có điểm tựa để làm lại từ đầu, từng bước xây dựng kinh tế gia đình và tái hòa nhập cộng đồng.

  • Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách giữa Việt Nam và Cuba

    Hai bên thống nhất sẽ cùng nghiên cứu, tăng cường trao đổi hợp tác trong lĩnh vực phát triển tín dụng chính sách, góp phần vào sự phát triển của quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa ngành ngân hàng nói riêng và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và Cuba nói chung.

  • Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Hiệu quả từ chương trình giáo dục số cho các nhóm yếu thế

    Chương trình giáo dục số đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ cơ sở và khách hàng của NHCSXH. Hầu hết đều đánh giá chương trình thiết thực, dễ tiếp cận và phù hợp với nhu cầu của đại đa số khách hàng, góp phần tích cực cho việc thực hiện chủ chương thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế số của địa phương.

  • Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị

    Từ những cây trồng áp dụng quy trình VietGAP mang hiệu quả kinh tế cao, người dân Thừa Thiên - Huế đã tích cực tham gia hợp tác xã (HTX) để sản xuất theo chuỗi giá trị.

  • Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Năm 2023 – 2024, Hải Phòng huy động 45.000 tỷ xây dựng NTM kiểu mẫu

    Ngày 22/11, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hải Phòng giám sát chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu tại Văn phòng Điều phối nông thôn mới.

  • HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    HTX nông nghiệp ở Quảng Ngãi “Ăn nên làm ra”

    Không chỉ từ khi Luật Hợp tác xã năm 2023 chính thức có hiệu lực (01/7/2024), mà trước đó, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn Quảng Ngãi đã chủ động mở rộng các dịch vụ phục vụ và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Nhờ đó, vai trò của HTX nông nghiệp (NN) đối với kinh tế hộ ngày càng rõ hơn, nhất là khi SX gặp khó khăn: hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh,…

Top