Thời gian qua, dư luận bức xúc trước việc triển khai dự án cấp nước sạch liên xã tại huyện Mê Linh (Hà Nội) khi nhiều hạng mục chưa được cấp phép nhưng chủ đầu tư vẫn ngang nhiên thi công.
Thi công khi chưa có phép
Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh được thành lập trên cơ sở các cổ đông là Công ty cổ phần nước sạch nông thôn Thái Bình, Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Năng Lượng và một cá nhân là bà Phạm Thị Ngọc Minh.
Hiện nay, Công ty đang triển khai Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch liên xã: Văn Khê, Hoàng Kim, Thạch Đà, Chu Phan, Tiến Thịnh, Van Yên, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng, Thanh Lâm, Tam Đồng, Kim Hoa thuộc huyện Mê Linh, theo Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư số 6451/QĐ-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 26/11/2018. Ngày 14/02/2020, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ban hành Quyết định số 748/QĐ-UBND về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cho dự án này với điều chỉnh chính là giảm diện tích xây dựng nhà máy tại xã Tiến Thịnh và tăng diện tích xây dựng trạm bơm tăng áp tại xã Tam Đồng.
Tới trước ngày 29/4/2020, dự án đã được chủ đầu tư thi công từ nhà máy xử lý nước đến đường dẫn nước sạch tới các xã; nhiều hạng mục đã thi công cơ bản xong nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng như tuyến ống dẫn nước, nhà máy xử lý nước và một số hạng mục khác.
Vi phạm Luật Đê điều
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh thừa nhận, công ty chưa có giấy phép xây dựng dự án một số hạng mục; việc công ty thi công khi chưa có phép là căn cứ vào Văn bản số 1076/TB-UBND ngày 29/10/2018 của UBND thành phố thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án cấp nước sạch trên địa bàn thành phố.
Theo Thông báo, tại mục 8, khoản II (các nội dung chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các nhà đầu tư) có ghi: Đối với Liên danh Công ty cổ phần nước sạch nông thôn Thái Bình và Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật năng lượng khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 12 xã huyện Mê Linh; cho phép nhà đầu tư vừa hoàn thiện các thủ tục, vừa thi công. Không chỉ có công trình nhà máy xử lý nước chưa có giấy phép mà giấy phép thi công đường ống truyền nước sạch dọc theo hành lang bảo vệ đê tả sông Hồng, đoạn từ K32+210 đê tả Hồng đến K41+ 650 đê tả Hồng cũng chưa có.
Việc ngang nhiên thi công trong hành lang bảo vệ đê điều cũng được đại diện công ty viện dẫn căn cứ theo Văn bản số 249/CCĐĐ-QL mà Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội ban hành ngày 01/3/2019 về việc thỏa thuận về vị trí, phương án xây dựng công trình thu, trạm bơm nước sông và tuyến ống truyền dẫn thuộc dự án.
Ông Phạm Thế Nam, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều huyện Mê Linh, thừa nhận, việc Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh đào lấp hành lang bảo vệ đê tả Hồng để đặt ống truyền dẫn nước là chưa có phép.
Đê tả sông Hồng là đê cấp 1, mọi hoạt động xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều phải có sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo Luật Đê điều 2006). Tuy nhiên, chưa có sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão thành phố đã ban hành Văn bản 249/CCĐĐ-QL như nêu ở trên để chủ đầu tư tiến hành thi công, gây bức xúc dư luận.
Lý giải việc ban hành Văn bản số 249/CCĐĐ-QL, ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội) viện dẫn: Nhận được công văn của Công ty cổ phần Cấp nước Mê Linh, thành phố đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét xử lý, Giám đốc Sở đã giao cho Chi cục tham mưu trả lời.
Dư luận đặt vấn đề: Trong Văn bản số 1076/TB-UBND ngày 29/10/2018 của UBND thành phố, tại mục 8, khoản II (các nội dung chỉ đạo, yêu cầu cụ thể với các nhà đầu tư) có ghi: Đối với Liên danh Công ty cổ phần nước sạch nông thôn Thái Bình và Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật năng lượng khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch 12 xã huyện Mê Linh, cho phép nhà đầu tư vừa hoàn thiện các thủ tục, vừa thi công. Khi đã chuyển đổi chủ đầu tư, Công ty cổ phần cấp nước Mê Linh lại ngang nhiên thi công trong hành lang bảo vệ đê điều, bất chấp mùa mưa bão đang đến gần?
Kinh tế nông thôn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.