Các đại biểu Quốc hội cảnh báo nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam và lưu ý doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt “luật chơi” để tránh "gặp họa".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc từ 10% lên 25% từ ngày 10/5, đồng thời đe dọa sẽ sớm áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.
Đáp trả, Trung Quốc bày tỏ "vô cùng lấy làm tiếc" và cho biết, Bắc Kinh sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không ngừng leo thang. (Ảnh minh hoạ: KT) |
Lo hàng Trung Quốc gắn mác "made in Vietnam"
Phân tích về tác động từ cuộc chiến thương mại của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có lợi, nhưng cũng có khó khăn, thách thức.
Lợi là Việt Nam xuất sang Mỹ 47,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang xuất siêu gần 35 tỷ USD sang Mỹ năm 2018, và nằm trong danh sách xuất siêu vào Mỹ nhiều nhất. "Mỹ cũng đang quan tâm tới Việt Nam chứ không riêng Trung Quốc", ông Ngân nhận xét.
Bên cạnh đó, khi chiến tranh thương mại căng thẳng, giải pháp ứng phó của Trung Quốc là phá giá đồng Nhân dân tệ khoảng 9%. Động thái này khiến hàng hóa Trung Quốc rẻ đi, dễ dẫn tới hàng hóa của họ tràn vào Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân cảnh báo.
Theo đánh giá của đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là "cuộc đấu giữa một con hổ và một con sư tử".
Ông Sinh lưu ý, Việt Nam cần phải lường trước những tác động của cuộc chiến này. Tổng thống Mỹ dự kiến đánh thuế hàng hóa từ tất cả những nước xuất siêu vào Mỹ bao gồm Mexico, Canada... Với Trung Quốc, Mỹ thẳng thừng trừng phạt bằng việc tăng thuế.
"Chúng ta hiện xuất siêu sang Mỹ nhưng cũng có giao dịch xuất nhập khẩu rất lớn với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã đưa ra một số chính sách như giảm tỷ giá đồng nhân dân tệ. Điều này ảnh hưởng tới xuất nhập khẩu của ta. Trong trường hợp đồng nhân dân tệ bị giảm giá thì rõ ràng xuất khẩu của ta vào Trung Quốc bị bất lợi", đại biểu Đỗ Văn Sinh cảnh báo.
Phân tích kỹ hơn, đại biểu Đỗ Văn Sinh chỉ rõ: Khi khó đưa hàng trực tiếp vào Mỹ, Trung Quốc có thể chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển, từ đó xuất hàng sang Mỹ. Nếu không cẩn thận thì có thể Mỹ lại trừng phạt Việt Nam bởi mặc dù gắn nhãn "made in Vietnam" nhưng bản chất vẫn là hàng Trung Quốc, dùng công nghệ, nguyên liệu của Trung Quốc.
"Mỹ sẽ xem xét kĩ hàng hóa ta xuất sang có bao nhiêu phần trăm nguyên liệu của Việt Nam, bao nhiêu phần trăm nguyên liệu nhập, và chỉ chấp nhận ở mức độ nào thôi, không phải cứ "đội lốt" hàng Việt là được miễn thuế", ông Sinh nhận định.
Cần am hiểu "luật chơi"
Cho rằng Việt Nam sẽ chịu tác động lớn từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại biểu Phan Ngọc Thọ (đoàn Thừa Thiên - Huế) lý giải vì Việt Nam có nền kinh tế mở với giá trị xuất khẩu rất lớn.
"Doanh nghiệp Việt Nam cần am hiểu hơn "luật chơi" của nước ngoài, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP. Để có giải pháp, kế hoạch hòa nhập cũng phải dựa vào tiềm lực của từng địa phương, trong từng lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, tranh thủ đón đầu công nghệ mới để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm", đại biểu Phan Ngọc Thọ gợi ý.
Đại biểu Quốc hội đoàn Thừa Thiên - Huế cũng khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước cần cẩn trọng khi liên kết với doanh nghiệp Trung Quốc, phải đảm bảo minh bạch, không nên lợi dụng cơ hội bắt tay với doanh nghiệp Trung Quốc để lách luật, xuất hàng sang Mỹ, bởi có thể sẽ phải gánh chịu hậu quả./.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.