Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 14 tháng 12 năm 2015 | 1:52

Giá mì nguyên liệu ổn định, nông dân lãi khá

Từ đầu tháng 11/2015 đến nay, Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) tăng cường mua mì (sắn) nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh, nhằm giải quyết hết lượng mì tồn đọng do nông dân thu hoạch “chạy” lũ.

Nông dân xã Vĩnh Quang (Vĩnh Thạnh) thu hoạch mì.

Mua trên 400 tấn mì nguyên liệu/ngày

Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT BDSTAR, cho biết: Nhằm giải quyết hết lượng mì nguyên liệu tồn đọng trong mùa mưa lũ, hiện nay, mỗi ngày nhà máy mua trên 400 tấn, tăng 150 - 200 tấn so với thời điểm bình thường. Để tránh thiệt hại cho nông dân, nhà máy ưu tiên mua tại các vùng ngập trũng, vùng sâu, vùng xa; đồng thời cam kết không để tồn đọng trường hợp nào. Hiện tại, mì nguyên liệu được nhà máy mua với giá 1,75 triệu đồng/tấn (mì có hàm lượng tinh bột 30%); 1,55 triệu đồng/tấn (hàm lượng tinh bột 25%); 1,4 triệu đồng/tấn (hàm lượng tinh bột 20%). Từ nay đến cuối tháng 12, nhà máy dự kiến thu mua khoảng 12.000 tấn mì nguyên liệu.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức thu mua cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo điều kiện cho nông dân bán mì thuận lợi nhất. Cụ thể, Công ty đã hợp đồng với các nhà xe vận chuyển mì nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột. Sau khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay. Đối với những vùng nguyên liệu ở xa nhà máy như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Công ty có chính sách hỗ trợ vận chuyển từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn.

Ông Lê Văn Đẩu, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho hay: Toàn huyện có hơn 800ha mì, tập trung tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Quang, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Hiệp… Năm nay, nhờ nông dân tập trung các biện pháp chăm sóc, đưa các giống mì mới vào sản xuất nên năng suất đạt khá, bình quân 30 - 33 tấn/ha. Với giá thu mua ở mức cao như hiện nay, nông dân có thu nhập 55 - 60 triệu đồng/ha, trừ chi phí, lãi 30 - 35 triệu đồng. Điều đáng ghi nhận là, năm nay nhà máy tích cực thu mua nguyên liệu nên tình trạng ùn ứ không xảy ra, nông dân rất phấn khởi.

Ông Đinh Nhớp ở làng K2, xã Vĩnh Sơn cho biết: “Vụ này, gia đình làm 1ha mì, thu được 35 tấn, bán cho Nhà máy mì Phù Mỹ được gần 60 triệu đồng, trừ chi phí, còn lãi gần 40 triệu đồng. Hiện, tôi đang chuẩn bị làm đất xuống giống 4ha mì mới”.

Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng thêm nhà máy

Từ cuối tháng 8/2015 đến nay, BDSTAR đã thu mua khoảng 40.000 tấn mì nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bình Định; sản xuất, chế biến được 10.000 tấn tinh bột. Thị trường xuất khẩu ổn định, giá tinh bột mì hiện ở mức cao (bình quân 380 - 390 USD/tấn), sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó, doanh thu và lợi nhuận của đơn vị tăng khá. Công ty cũng vừa tìm thêm các đối tác mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Đỗ Văn Tâm cho biết thêm: BDSTAR vừa được UBND tỉnh đồng ý cấp phép đầu tư để xây dựng thêm một nhà máy chế biến tinh bột mì công suất 240 tấn sản phẩm tinh bột/ngày. Nhà máy này sẽ xây dựng tại khu công nghiệp Đồng Sim, xã Tây Xuân (huyện Tây Sơn), tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng; dự kiến khởi công vào tháng 1/2016, đi vào hoạt động vào cuối năm 2016.

Để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ chế biến, BDSTAR đã và đang triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất mì. Hiện nay, diện tích vùng nguyên liệu của nhà máy là 4.600ha, dự kiến mở rộng lên gấp đôi. Công ty đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức trồng khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào sản xuất để thay thế các giống mì cũ thoái hóa. Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm, Công ty sẽ hỗ trợ cho nông dân mượn mì giống, mượn vốn để sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá hợp lý.

Phú Mỹ

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top